Phát huy nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân

Nhằm thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN) phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 và Nghị quyết 02. Tuy nhiên, báo cáo về việc thực thi hai nghị quyết nói trên vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, quyết tâm cải cách cần phải được hiện thực hóa mạnh mẽ hơn nữa.
Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đang rất cần được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Trong ảnh: Sản phẩm gạch không nung của VPI mới nghiên cứu, sản xuất được giới thiệu tới khách hàng. Ảnh: LÊ
Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đang rất cần được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Trong ảnh: Sản phẩm gạch không nung của VPI mới nghiên cứu, sản xuất được giới thiệu tới khách hàng. Ảnh: LÊ

Còn không ít “chướng ngại vật”

Trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu, cả nước có ít nhất một triệu DN hoạt động vào năm 2020. Để thực thi Nghị quyết, hàng loạt những thay đổi, cải cách trong thể chế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển đã được ban hành.

Sang đến ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ thông qua Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Tuy nhiên, theo tính toán, nếu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng số DN trong giai đoạn 2015-2018 là 17,3%, thì đến ngày 31-12-2020, cả nước mới có 984.000 DN, đạt 98,4% so mục tiêu đề ra. Bàn về con số kỳ vọng này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như ba năm qua thì rất khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra. “Năm 2020 là thời điểm tăng tốc về chuyển động của Chính phủ và địa phương. Vì thế, trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều, không chỉ về việc gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ DN, mới mong có thể đạt được mục tiêu đề ra”, ông Tuấn phân tích thêm.

Vấn đề đặt ra không chỉ là con số DN tăng lên, mà quan trọng hơn là sức khỏe của đội ngũ DN Việt Nam như thế nào. Một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta có tạo dựng được những DN có thế mạnh về năng lực công nghệ, quản trị, và khả năng cạnh tranh hay không? Bởi ngay cả với các tập đoàn, DN lớn, có thể nằm trong 500 DN lớn nhất, đóng thuế nhiều, vốn lớn, nhưng khi ra với thế giới vẫn chưa đủ năng lực cạnh tranh cần thiết.

Điều khiến không ít chuyên gia và DN cảm thấy lo lắng đó là quyết tâm cải cách của Chính phủ rất mạnh mẽ, nhưng xuống đến các cấp quản lý bên dưới, quyết tâm ấy đã “nguội” đi nhiều. Số liệu của VCCI cho biết, có đến 30% số DN nói vẫn phải trả phí “lót tay”, dù khoản này đã giảm qua từng năm. Về tiếp cận vốn tín dụng, DN vẫn gặp cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% số DN phản ánh).

Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra, còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, thiếu minh bạch, không khả thi; nhiều ngành nghề không nên xác định là “kinh doanh có điều kiện” vẫn tiếp tục được giữ lại. Chẳng hạn như, ngành nghề xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; kinh doanh dịch vụ lữ hành… Điều đáng nói, đến nay, thiết chế bảo vệ DN vẫn gần như chưa được cải thiện. Về cải cách môi trường kinh doanh, bên cạnh những bộ, ngành, địa phương đã và đang làm khá tốt thì vẫn có đơn vị chưa tích cực, thậm chí còn thờ ơ, hoặc làm theo kiểu đối phó.

Chia sẻ tại buổi công bố Báo cáo của VCCI sáng 17-12, không ít DN đã nêu những bức xúc cụ thể trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, quy trình, quy định về thanh tra, kiểm tra vẫn khá rườm rà, “hoàn toàn có thể giảm bớt thủ tục kiểm tra vận hành thang máy từ hai lần (cả trước và sau khi lắp đặt) xuống còn một lần (sau khi DN đã hoàn thành lắp đặt)”, đại diện một DN nêu thí dụ. Hay, “chỉ là keo dán gỗ khi nhập về đến cảng, cũng phải chờ đợi thủ tục kiểm tra rất lâu, gây khó khăn, tốn kém chi phí cho DN”, một DN khác cho biết thêm.

Tháo gỡ “nút thắt”

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam trong loạt Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh (Doing Bussiness) cho thấy, trong 13 báo cáo Doing Business, từ năm 2009 đến 2019, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều nhất là 2016 và 2017 (mỗi năm có năm cải cách). Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn ba (năm 2018) và hai (năm 2019). Riêng lĩnh vực đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) của Việt Nam không có cải cách nào trong 13 năm qua.

Về giải pháp trong thời gian tới, tại Nghị quyết 02 chỉ rõ, tập trung hai nhóm giải pháp mới về thanh toán điện tử, áp dụng thủ tục hành chính cấp độ 4 và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là những giải pháp then chốt giúp Việt Nam nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị và phát triển kinh tế. Còn trong Nghị quyết 35, một quan điểm xuyên suốt là tập trung phát triển kinh tế tư nhân, “DN tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”. Theo đó, cũng đề ra năm nhóm giải pháp gồm: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN, DN đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và nhiều lãnh đạo DN có chung tâm tư, rằng thời gian tới cần nhiều hơn những nỗ lực trong thực thi, và muốn đạt nhiều hơn kết quả trong thực tế thì trước hết phải biết tiết kiệm các nguồn lực. Muốn thế, cùng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, từ Trung ương tới địa phương, cần bỏ tư duy thành tích, kiên quyết, kiên trì loại bỏ những dấu hiệu tiêu cực ở mọi lĩnh vực. Nguồn lực chính sách cần được đưa vào đúng chỗ để phát huy tối đa nguồn lực toàn xã hội, nhất là nguồn lực từ các DN tư nhân. Tháo gỡ dần những “nút thắt” trong thể chế, thật sự “cởi trói” cho DN đang là đòi hỏi của thực tiễn vận động phát triển của đất nước.