Ổn định tỷ giá để giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Trong suốt cả năm nay, lượng dự trữ ngoại hối được tích lũy ở mức cao kỷ lục cho thấy lòng tin vào chính sách của Chính phủ và sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang được củng cố, hỗ trợ cho các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng chống chọi của nền kinh tế…

NHNN sẵn sàng can thiệp để kiểm soát tỷ giá tránh biến động tỷ giá tác động đến ổn định vĩ mô, gây áp lực lên lạm phát, đặc biệt là gây tâm lý thị trường.
NHNN sẵn sàng can thiệp để kiểm soát tỷ giá tránh biến động tỷ giá tác động đến ổn định vĩ mô, gây áp lực lên lạm phát, đặc biệt là gây tâm lý thị trường.

“Buôn tài không bằng dài vốn”

Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng đã chia sẻ như vậy tại buổi gặp mặt các tổ chức tài chính quốc tế trung tuần tháng 12 vừa qua. Có thể nói, 2018 là một năm thành công hơn của điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là điều hành tỷ giá trong bối cảnh thị trường có nhiều sóng gió.

Có quá nhiều yếu tố bất lợi tác động đến thị trường ngoại hối năm 2018. Ðầu tiên phải kể đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không ngừng leo thang đã khiến thương mại toàn cầu luôn trong tình trạng phải đối mặt với biến động, bất ổn. Các nước buộc phải có nhiều chính sách, giải pháp gia tăng phòng vệ cả về thương mại lẫn tiền tệ. Ðồng tiền của nhiều quốc gia có xu hướng giảm giá so với USD.

Thứ hai, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuy đã công bố lộ trình điều chỉnh lãi suất bốn lần trong năm 2018, song cho đến hôm 19-12-2018, Fed vẫn tuyên bố tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2019 và cả năm 2020. Tin xấu đã lập tức khiến thị trường toàn cầu có phản ứng tiêu cực. Xu hướng giảm mạnh của các chỉ số như Dow Jones, Nasdag cũng đã tác động đến thị trường chứng khoán, ngoại hối Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường, thu về lượng USD khá lớn. USD tăng giá khiến cầu ngoại tệ tăng, tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng khiến cung - cầu ngoại tệ có nguy cơ mất cân bằng, gây bất ổn thị trường. Còn nhớ, đầu tháng 7-2018, khi tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng, lên mức 22.655 đồng/USD, tỷ giá niêm yết của các Ngân hàng thương mại (NHTM) sắp phá ngưỡng cản tâm lý 23.000 đồng/USD, Thống đốc Lê Minh Hưng đã phải trấn an thị trường. Phát biểu tại hội nghị của Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định: NHNN sẵn sàng can thiệp khi thị trường khi cung - cầu ngoại tệ có vấn đề, để kiểm soát tỷ giá tránh biến động tỷ giá tác động đến ổn định vĩ mô, gây áp lực lên lạm phát, đặc biệt là gây tâm lý thị trường. Tỷ giá sau đó lập tức hạ nhiệt!

Cơ sở cho sự tự tin của Thống đốc không chỉ bởi từ sự linh hoạt, nhuần nhuyễn trong điều hành tỷ giá trung tâm ba năm qua, mà còn từ việc Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng, đạt mức kỷ lục gần 64 tỷ USD (thời điểm giữa năm 2018) là cơ sở để NHNN điều tiết thị trường khi cần thiết.

Quyết sách nào cho tỷ giá 2019 ?

Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN mấy năm gần đây vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý... Ðể đạt được mục tiêu này cần kịch bản linh hoạt và giải pháp căn cơ để làm sao vừa ứng phó với biến động bên ngoài, vừa giữ ổn định thị trường trong nước.

Năm 2018, tỷ giá trung tâm của Việt Nam tăng 1,33% so với cuối năm 2017. Với biên độ cho phép là +/-3% thì tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,86% so với cuối năm 2017 và đây là diễn biến nằm trong tầm kiểm soát của NHNN, phù hợp với xu hướng diễn biến các đồng tiền chủ chốt trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ của Việt Nam đã, đang mất giá mạnh so với USD, đặc biệt đồng nhân dân tệ (CNY). Ðiều này rất đáng lưu ý trong điều hành tỷ giá của NHNN Việt Nam.

Thứ hai, NHNN không chỉ là điều hành tỷ giá trung tâm mà còn kết hợp nhiều giải pháp công cụ như tiền đồng, lãi suất, thanh khoản... Các yếu tố này có tác động qua lại chặt chẽ, đan xen với nhau. Ðơn cử, việc NHNN liên tục bán ra USD can thiệp thị trường (khoảng 6 tỷ USD) đã khiến tiền đồng trở nên khan hiếm, buộc NHTM phải tăng lãi suất để hút vốn VND vào nhằm tránh bẫy thanh khoản cuối năm. Ðến thời điểm 20-12-2018, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường là 8,7 %/năm. Lãi suất huy động tăng mạnh thì trước sau gì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.

Hiện lãi suất cho vay VND vay ngắn hạn phổ biến từ 6 đến 9%/năm; trung và dài hạn từ 9 đến 11%/năm. Ở đây lại nảy sinh thêm vấn đề: Trong khi lãi suất huy động USD là 0%; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức từ 2,8 đến 4,7%/năm; trung, dài hạn ở mức từ 4,5 đến 6%/năm. Như vậy, nếu cộng thêm biên độ -/+ 3% biến động của tỷ giá thì khách hàng vay ngoại tệ sẽ có lợi hơn. Giải quyết thế nào với tín dụng ngoại tệ là bài toán cũ của NHNN. Nói cũ vì đã qua bốn năm, đã ban hành bốn văn bản sửa đổi, bổ sung về cho vay bằng ngoại tệ, hiện NHNN lại đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN về quy định cho vay bằng ngoại tệ. Dự thảo lần này vẫn đưa ra hai phương án: tiếp tục cho một số đối tượng vay ngoại tệ ngắn hạn đến 31-3 và cho vay trung, dài hạn đến tháng 9-2019. Phương án hai là không giới hạn thời gian cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ. Xin nhắc lại, mục tiêu lâu dài của NHNN là chống đô- la hóa trong nền kinh tế. Do đó NHNN chủ trương chuyển dần quan hệ vay mượn sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Khả năng lần này NHNN sẽ quyết liệt hơn với vấn đề tín dụng ngoại tệ.

Hơn nữa, việc giữ ổn định thị trường trong nước để rảnh tay đối phó biến động bên ngoài là cần thiết trong bối cảnh năm 2019 vẫn sẽ còn nhiều tác động bất lợi trong môi trường toàn cầu hóa cả về kinh tế, chính trị, lẫn văn hóa.