Nỗ lực tìm kiếm vật liệu thay thế

Từ số 26 (ra ngày 1-7) đến số 29 (ra ngày 22-7), Báo Nhân Dân cuối tuần đã có vệt bài điều tra "Tiếng kêu cứu từ các dòng sông", phản ánh về nạn khai thác cát tự nhiên tràn lan, cũng như đề cập đến những khó khăn trong tìm kiếm và phát triển nguồn vật liệu thay thế. Tiếp tục vấn đề này, chúng tôi trở lại với những chuyển động mới trong nỗ lực tìm kiếm vật liệu thay thế bằng gạch không nung, tấm tường Acotec,…

Sử dụng tấm ốp tường Acotec là xu thế trong lĩnh vực xây dựng hiện đại.
Sử dụng tấm ốp tường Acotec là xu thế trong lĩnh vực xây dựng hiện đại.

Ước tính, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là khoảng hơn 40 tỷ viên/năm. Ðể có được số lượng gạch trên, nếu dùng đất nung sẽ mất rất nhiều đất canh tác. Ðồng thời, nước ta sẽ phải sử dụng một lượng than hóa thạch khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn dẫn đến nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng gạch nung, cũng cần một lượng lớn cát tự nhiên để xây, trát và việc vận chuyển nguyên vật liệu rời sẽ gây khói bụi trong đô thị. Một nguy cơ khác, theo cơ quan chức năng là sau năm 2020 Việt Nam sẽ không còn cát tự nhiên để phục vụ san lấp. Bởi thế, việc tìm kiếm vật liệu xây dựng (VLXD) có tính ưu việt, hạn chế dùng cát và đất tự nhiên là vô cùng quan trọng.

Tất cả các loại gạch xây phổ biến hiện nay, nung hoặc không nung, đều có nhược điểm như đòi hỏi nhân lực nhiều, mặt bằng thi công thường không gọn gàng sạch sẽ, khó khăn trong kiểm soát chất lượng vữa xây. Xuất phát từ rất nhiều mặt hạn chế của vật liệu gạch nung truyền thống, Bộ Xây dựng đã có chủ trương yêu cầu các dự án xây dựng phải sử dụng vật liệu gạch không nung thay thế cho gạch đất nung. Hơn thế cũng tạo cơ chế nghiên cứu, sản xuất vật liệu thay thế cho cát tự nhiên. Và để hưởng ứng chủ trương này, hàng loạt công nghệ gạch không nung đã ra đời.

Từ năm 2010, một số đơn vị đã sử dụng gạch không nung trong các công trình, trong đó Công ty CP Ðầu tư và Xây dựng Xuân Mai đã sử dụng hơn 85% gạch không nung cho các công trình chung cư CT1, CT2 Ngô Thì Nhậm; chung cư CT2 Tô Hiệu; tòa nhà 19T3, 19T5, 19T6 chung cư Kiến Hưng, Hà Ðông, Hà Nội… Ðây có thể coi như kết quả đáng khích lệ trong lộ trình xóa bỏ gạch xây nung bằng phương pháp nung thủ công. Trong quá trình thi công các công trình trên cả nước, kết hợp tìm hiểu nhiều công nghệ gạch không nung trên thế giới, Công ty CP Ðầu tư và Xây dựng Xuân Mai nhận thấy, công nghệ tấm tường bê-tông rỗng Acotec theo công nghệ đùn ép, đã được sử dụng ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, sẽ khắc phục được các hạn chế của tường gạch đất sét nung và gạch xây không nung trước đây. Ưu điểm của tấm tường Acotec là được sản xuất từ các nguồn nguyên vật liệu sẵn có tại Việt Nam như: đá, cát nghiền, xi-măng…

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất không sinh ra chất gây ô nhiễm, không tạo ra chất thải độc hại. Tấm tường có bề mặt phẳng không cần trát, chỉ cần bả trực tiếp, từ đó giúp tiết kiệm được vật liệu và nhân công xây dựng.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, tấm tường Acotec đã được Công ty CP Ðầu tư và Xây dựng Xuân Mai sản xuất, đưa vào sử dụng trong các công trình từ năm 2015. Qua khảo sát, việc áp dụng công nghệ xây dựng mới này vào các dự án chung cư, điển hình là Xuan Mai Sparks Tower đã đem lại cho khách hàng rất nhiều lợi ích. Khi chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí xây dựng, chi phí nhân công thì giá thành mỗi căn nhà cũng được giảm đáng kể.

Theo ông Trần Trọng Diên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ðầu tư và Xây dựng Xuân Mai, việc sử dụng tấm tường Acotec sẽ rút ngắn thời gian thi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu ẩm của tường rất tốt góp phần gia tăng chất lượng công trình. Ông Diên cũng phân tích thêm: "Thực tế khi sử dụng VLXD truyền thống, tức là phải xây và trát, sẽ phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người lao động. Trong khi đó trên thị trường hiện nay rất khó để tìm được những thợ xây dựng lành nghề, chuyên môn tốt. Tôi phải nói rằng, càng phụ thuộc vào tay nghề người lao động thì càng khó kiểm soát chất lượng công trình".

Thực tế, VLXD thân thiện với môi trường còn chưa được phát triển mạnh ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp tại các địa phương như Quảng Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Ðà Nẵng… đã thực hiện, nhưng còn khá rụt rè, bởi cần nhiều thời gian cũng như chính sách khuyến khích người dân, chủ đầu tư xây dựng sử dụng VLXD thân thiện môi trường. Ông Trần Trọng Diên bộc bạch, đơn vị sẽ luôn nghiên cứu, cải tiến nguồn vật liệu thay thế, các cấu kiện nhẹ, thân thiện với môi trường. Ông cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm hợp thức hóa các tiêu chuẩn về VLXD, hỗ trợ thông qua giảm thuế VAT cho doanh nghiệp ứng dụng trong đầu tư, phát triển vật liệu thay thế còn khá nhiều rủi ro này.

Với đặc điểm có độ rỗng lớn lên đến 30%, tấm tường Acotec có khả năng cách nhiệt tốt; cường độ vật liệu cao, chắc, còn là vật liệu có đơn trọng trên 1 m2 tường là tương đối nhỏ chỉ bằng 57% đến 75%, nên sẽ giảm được tải trọng tính toán và kết cấu công trình. Ngoài ra, các lỗ rỗng trong tấm tường còn được sử dụng linh hoạt để bố trí thi công hệ thống điện nước, hạn chế việc đục đường ống kỹ thuật.