Những nút thắt từ bên trong

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên đây được xem như một phép thử, đặt khu vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước (NN) vào thế buộc phải thay đổi, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường một cách nghiêm khắc.

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành hàng không. Ảnh: DUY ANH
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành hàng không. Ảnh: DUY ANH

Sẽ buộc phải thay đổi cách ứng xử

Kể từ ngày 1-1-2021, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và hàng loạt DN có vốn Nhà nước hơn 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết sẽ trở lại là... DNNN trong phần định danh. 

Vinatex đã được cổ phần hóa (CPH) cách đây 5 năm và vẫn nằm trong quá trình tiếp tục thoái vốn Nhà nước. Tuy vậy, khi Luật DN có hiệu lực vào đầu năm tới, với tỷ lệ vốn Nhà nước trong DN này đang ở mức 53,49% vốn điều lệ, Vinatex sẽ có tên trong danh mục DNNN, ở trường hợp DN có thành viên là Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. 

Ở góc độ hoạch định chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc này sẽ tốt cho DN. Bởi nó bảo đảm cơ chế quản trị, giám sát DN tương ứng với mức vốn mà Nhà nước nắm giữ. “Lâu nay, dù không được gọi là DNNN, nhưng vẫn tồn tại việc các bộ, ngành, địa phương “chỉ đạo” DN có vốn Nhà nước chi phối. Tới đây không thể như vậy! Cơ quan nhà nước khi làm việc với DN sẽ phải xác định tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ để ứng xử”, ông Hiếu phân tích.   

Theo Luật DN, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên. Còn DN do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ được tổ chức quản lý dưới hình thức Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Tùy theo loại hình, quản trị DN sẽ tuân thủ các quy định về Công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần của Luật DN. 

Nhưng ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex chưa thể yên tâm vì Luật DN chỉ là một trong vô vàn văn bản pháp lý mà DN phải tuân thủ. “Đọc điều 48, 49 của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN về quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước, quyền và trách nhiệm người đại diện phần vốn của DN, phàm việc gì thuộc quyền hạn của Hội đồng quản trị (HĐQT), Hội đồng thành viên (HĐTV), thì người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu trước khi biểu quyết”, ông Trường thẳng thắn cho biết.

Thật ra, hành trình xin ý kiến trước khi quyết định không hề lạ lẫm đối với các thế hệ lãnh đạo của Vinatex hay các DNNN đã CPH. Cho dù các văn bản hướng dẫn có quy định trình tự, thủ tục xin ý kiến đại diện chủ sở hữu, nhưng thời gian thực tế thường dài hơn, có khi cả tháng, vài tháng với các trường hợp phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan. “Đó là chưa kể, với các công ty cổ phần có nhiều cổ đông ngoài Nhà nước, làm việc gì các cổ đông cũng phải đi xin người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN. Xin về mới làm các quy trình theo điều lệ để thực hiện, nhiều khi lỡ mất cơ hội kinh doanh vì tuân thủ quy trình này”, ông Trường lý giải. Thêm nữa, các DN có vốn Nhà nước hơn 50% sẽ phải tuân thủ hàng loạt các luật và các quy định về nhân sự, kiểm toán, thanh tra… vốn được thiết kế dành cho DN 100% vốn nhà nước. Dẫn ra những điều này, ông Trường đề xuất, đã đến lúc các cơ chế này cần phải được làm rõ.

Minh bạch trong giải cứu 

Trong báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính dự báo, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có thể không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đề ra và đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Thậm chí, theo số liệu báo cáo hợp nhất năm 2020, lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2020 của 55 tập đoàn, tổng công ty giảm đến gần một nửa so năm trước. Trong sáu tháng đầu năm nay, 5/19 tập đoàn (do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước) thua lỗ, trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam... Các khó khăn trên đều được lý giải là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng cần phải làm rõ ràng, điều này không có nghĩa là các DNNN sẽ tranh thủ kêu để được cứu. 

Giới chuyên gia kinh tế đã nhiều lần nhắc đến vai trò chủ sở hữu Nhà nước trong quyết định giải cứu Vietnam Airlines, khi mà các giải pháp hỗ trợ DN chịu tác động của Covid-19, kể cả các giải pháp dành riêng cho DN hàng không như giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, không đủ để xoay chuyển tình hình.

Bởi vì Chính phủ - với tư cách quản lý Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ DN, nhưng không đủ với hãng hàng không quốc gia. Lúc này, Chính phủ - chủ sở hữu phải ra tay, đầu tư thêm vốn dưới hình thức này hay khác nếu muốn DN của mình tiếp tục tồn tại. “Tôi tin là chủ sở hữu của Vietjet, Bamboo cũng có những khoản đầu tư thêm để hỗ trợ các hãng bay này khi hàng không sụt giảm nghiêm trọng như vậy. Đó là trách nhiệm của chủ sở hữu với tài sản của mình”, ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Cung cũng lưu ý, trong việc giải cứu DN, Nhà nước trong vai chủ sở hữu phải xác định rõ, sẽ đầu tư vào đâu, hiệu quả thế nào một cách công khai, minh bạch. Thậm chí, cần có chiến lược phát triển với từng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. 

Có hai mục tiêu để đánh giá tính hiệu quả. Một là, giá cổ phần - yếu tố quan trọng với các nhà đầu tư định chế. Khi cổ phần có giá, tài sản trong DN sẽ tăng, DN sẽ thuận lợi trong huy động thêm nguồn lực, để từ đó phát triển lớn mạnh. Hai là, năng lực quản trị và chiến lược phát triển thị trường. Nếu không đủ tốt, sẽ không thể huy động vốn đầu tư trên thị trường, không thể đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế...  

Trên cơ sở mục tiêu của chủ sở hữu, sẽ có cơ chế để đại diện chủ sở hữu thực hiện. Tương tự, đại diện chủ sở hữu cũng phải đặt mục tiêu, trao công cụ cho đội ngũ quản lý DNNN. Lúc này, cơ chế tuyển dụng, lương thưởng... cho lãnh đạo DNNN cũng sẽ được thay đổi theo thị trường. Đặc biệt, các nhiệm vụ chính trị, công ích phải được thực hiện qua hình thức đấu thầu, hoặc nếu Nhà nước giao thì phải được hạch toán đúng, nếu chưa trả được thì phải ghi sổ để DN công khai với thị trường... “Sẽ không có chuyện việc gì cũng phải đi xin, thay vào đó là nếu không làm đúng nhiệm vụ, sẽ bị thải loại. Các vị trí lãnh đạo trong cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước hay DNNN không còn là công chức, hoàn toàn có thể nhận lương vài trăm triệu đồng/tháng, tương xứng với lợi nhuận mà họ làm ra. Động lực từ thị trường sẽ thúc đẩy sáng tạo trong điều hành DNNN”, ông Cung nói.

Hiệu quả hoạt động của DNNN sẽ cải thiện bởi chính các động lực từ thị trường như vậy.