Nhất quán cởi mở

Trước sức công phá của dịch Covid-19, không có gì lạ khi hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam giảm tốc đáng kể. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I-2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, ước khoảng 367,9 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành, chỉ tăng 2,2% so cùng kỳ năm trước. Để Luật Đầu tư sửa đổi mà Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây trở thành một lực đẩy quan trọng, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần nhất quán tinh thần cởi mở, cho phép đầu tư kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Những điểm sửa đổi lớn của dự thảo

Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Luật Đầu tư sẽ có nhiều điểm sửa đổi lớn. Trong đó, tiếp thu ý kiến đề nghị nghiên cứu, đưa các hoạt động đầu tư mới vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư (như hoạt động đầu tư về công nghệ Grab, Uber) theo hướng quy định các nguyên tắc để điều chỉnh các hoạt động này, dự thảo mới nhất đã bổ sung quy định giao Chính phủ căn cứ mục tiêu, yêu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ và thông lệ quốc tế quy định các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này và phải được sự đồng ý của UBTVQH trước khi ban hành.

Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục dự thảo Luật) đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung sáu ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Lý giải rõ thêm, UBTVQH cho biết, việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét trên cơ sở bốn tiêu chí: các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành, nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh; và cuối cùng là các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Nội dung khác chắc chắn sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là việc dự thảo đã bổ sung quy định căn cứ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ công bố cụ thể Danh mục này nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), hiệp định đầu tư song phương (BIT) và các cam kết khác có thể thay đổi hoặc sẽ đàm phán trong tương lai.

Cần quyết liệt hơn nữa

Kiên trì ủng hộ tự do đầu tư kinh doanh, các nhà kinh tế ghi nhận một số điểm sửa đổi quan trọng trong dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư sửa đổi. Song, dường như vẫn cần đi xa hơn nữa. Lấy thí dụ về dịch vụ kinh doanh đòi nợ, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu phân tích, nếu quán triệt tinh thần doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm, thì chỉ nên coi đây là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chứ không nên cấm. Theo ông Hiếu, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống; nếu phát sinh bất cập xã hội thì đó là do chưa đủ chế tài quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Thực tế, UBTVQH thiết kế phương án 1 là không cấm; tuy nhiên, vẫn có phương án “cấm” trình ra Quốc hội.

Những thủ tục rườm rà, bất hợp lý là một vấn đề đáng quan ngại khác, có thể khiến các nhà đầu tư nản lòng. Thực hiện theo dự thảo thì việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần… phải có dự án về thành lập doanh nghiệp, về góp vốn, mua cổ phần. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư trong nước và một số không nhỏ nhà đầu tư nước ngoài không cần phải có các loại dự án nói trên. Không thể yêu cầu phải có chủ trương đầu tư đối với dự án thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần.

Thêm vào đó, định nghĩa “dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hoặc dài hạn để tiến hành hoạt động kinh doanh trên địa bàn cụ thể trong thời hạn nhất định” cũng không phù hợp với hoạt động đầu tư thành lập doanh nghiệp, đầu tư, góp vốn mua cổ phần. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thì thành viên, cổ đông phải góp đủ vốn đăng ký trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập. Tương tự đối với góp vốn, mua cổ phần công ty chưa niêm yết và vốn góp cũng không nhất thiết là trung và dài hạn. Địa điểm thực hiện có thể bất kỳ đâu, không nhất thiết phải tại một địa điểm cụ thể đã định. Còn đầu tư mua chứng khoán trên thị trường càng không cần dự án như quy định của dự thảo Luật Đầu tư.

Nội dung “chấp thuận chủ trương đầu tư” và “đăng ký đầu tư” cũng là một vấn đề rất đáng lưu ý khi đối chiếu với các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Không phải không có lý khi có ý kiến cho rằng trong cơ chế thị trường, việc sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai phải do nhà đầu tư tự quyết định. Nhà nước có thể, và, trong nhiều trường hợp, cần can thiệp vào địa điểm đầu tư dưới góc độ quyền sử dụng đất và bảo vệ môi trường, song Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường đã xử lý các vấn đề này. Mặt khác, chấp thuận chủ trương đầu tư và đăng ký đầu tư về bản chất là xin phép đầu tư và những can thiệp của Nhà nước vào đầu tư kinh doanh liên quan mục tiêu, quy mô, tiến độ và thời hạn thực hiện rất có thể sẽ mâu thuẫn với chủ trương cởi mở cho nhà đầu tư làm những gì mà pháp luật không cấm.