Minh bạch thông tin sử dụng điện

Chuỗi những ngày cao điểm nắng nóng diễn ra trên diện rộng tại khu vực miền trung đẩy sản lượng tiêu thụ điện tăng cao. Trong bối cảnh ấy, việc minh bạch chỉ số công-tơ điện là một giải pháp quan trọng giúp người dân chủ động điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện, cũng như kịp thời phát hiện thất thoát điện năng bất thường.

Kiểm soát chất lượng công-tơ điện tử hoạt động như trong môi trường tự nhiên. Ảnh: NGỌC HÀ
Kiểm soát chất lượng công-tơ điện tử hoạt động như trong môi trường tự nhiên. Ảnh: NGỌC HÀ

Câu chuyện “tiên phong” của Đà Nẵng

Ý tưởng phát triển hệ thống tra cứu chỉ số điện hằng ngày, tự động cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ hình thành trên cơ sở phát triển hệ thống đo xa đã được Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) ấp ủ và quyết tâm thực hiện. Từ quý II-2018, PC Đà Nẵng trở thành đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động triển khai xây dựng công cụ theo dõi chỉ số sử dụng điện hằng ngày và cung cấp khách hàng sử dụng thử nghiệm.

Đến cuối năm 2018, cơ bản công cụ đã hoàn tất với các chức năng chính như: Cập nhật chỉ số công-tơ điện 4 lần/ngày, mỗi lần đo cách nhau 6 giờ; hiển thị sản lượng điện đã tiêu thụ trong kỳ, từ ngày đầu kỳ đến thời điểm gần nhất hệ thống thu thập được; tạm tính hóa đơn tiền điện theo sản lượng đã ghi nhận; Có biểu đồ so sánh sản lượng điện tiêu thụ, số ngày sử dụng điện, so với 2 tháng trước đó và cùng kỳ năm trước; tự động cảnh báo sản lượng điện vượt quá ngưỡng thiết lập (khách hàng tự thiết lập, có hai tùy chọn vượt quá sản lượng điện thiết lập hoặc quá tỷ lệ phần trăm thiết lập so với tháng trước) gửi đến khách hàng qua email, sms. Ngoài ra, hệ thống còn có các tiện ích bổ sung gồm: Tra cứu lịch tạm ngừng cung cấp điện, tra cứu lịch sử nhận email, sms; chức năng tính tiền điện trong kỳ đổi giá theo sản lượng của khách hàng; chức năng tính tiền điện theo sản lượng của khách hàng theo giá cũ và giá mới để so sánh mức tăng so với biểu giá cũ.

Ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết, hệ thống cảnh báo sản lượng khai thác dữ liệu đo xa này có hai tùy chọn thiết lập: theo sản lượng điện hoặc theo tỷ lệ phần trăm so với tháng trước. Thí dụ, nếu khách hàng thiết lập ngưỡng cảnh báo 300 kWh và 10% thì hằng ngày hệ thống kiểm tra các ngưỡng thiết lập này, nếu lượng điện đã tiêu thụ hiện tại vượt quá 300 kWh hoặc vượt 10% so cùng kỳ tháng trước thì sẽ gửi email cảnh báo ngay cho khách hàng. Song song đó, PC Đà Nẵng cũng chủ động lọc các khách hàng có sản lượng tăng từ 30% trở lên với tần suất 7 ngày/lần để gửi email/sms cảnh báo đến khách hàng dù cho khách hàng không đăng ký dịch vụ cảnh báo.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hòa, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, giờ đã hình thành thói quen tra trang web để biết chỉ số tiêu thụ điện hằng ngày từ đó liệu chừng được trong một tháng sử dụng bao nhiêu số điện. Cũng bởi mọi sự đều dễ dàng tra cứu, theo dõi, nên ông Hòa cho hay, không còn phải thắc mắc, khiếu nại gì nữa. Chị Trần Thị Nghĩa, phường An Hải Đông, Sơn Trà cũng tâm đắc, gia đình chị đã tiết kiệm được kha khá tiền điện mỗi tháng nhờ vào việc chủ động cân đối tiêu thụ điện. Ông Phạm Văn Chánh, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cho rằng, nhờ được nhanh chóng cảnh báo về sản lượng điện tăng bất thường (có thể do chạm chập, rò rỉ…) để kịp thời xử lý, cho khách hàng không bị bức xúc khi cuối kỳ nhận hóa đơn tăng cao, cũng như phòng tránh những nguy cơ sử dụng điện không an toàn trong gia đình.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi triển khai, số lượng khách hàng truy cập vào hệ thống để xem thông tin tăng nhanh chóng, nhất là trong giai đoạn nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao như giai đoạn hiện nay. Chỉ tính riêng tháng 5-2019, đã có 21.054 lượt truy cập, ông Bảo An cho biết thêm.

Từ kết quả này, PC Đà Nẵng dự kiến sẽ tận dụng dữ liệu đo xa, phát triển các chức năng tính toán tổn thất trạm theo thời gian thực, cảnh báo tùy biến đến khách hàng, đáp ứng tối đa nhu cầu minh bạch thông tin của khách hàng. Thêm nữa, những khách hàng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà, PC Đà Nẵng sẽ phát triển tính năng cập nhật, ghi nhận chỉ số điện mặt trời phát lên lưới và tính toán số tiền ngành điện mua điện mặt trời để khách hàng theo dõi, kiểm soát.

“Nhất cử lưỡng tiện”

EVN đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng. Kết quả này được phản ánh trong báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam do các tổ chức nước ngoài đứng ra nghiên cứu độc lập. Tiếp tới, EVN quán triệt sâu rộng đến năm Tổng công ty điện lực trên toàn quốc về việc áp dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ, giúp minh bạch hóa trong kinh doanh điện năng.

Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) được EVN giao nhiệm vụ thiết kế phần mềm thu thập dữ liệu đo đếm (EVN HES) dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu về thống nhất thu thập dữ liệu công-tơ điện tử (CTĐT) trong tập đoàn. Một phần mềm, hay đúng hơn là một quyết tâm áp dụng khoa học công nghệ đã mang lại sự thay đổi sâu sắc trong hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

Điều dễ nhận thấy nhất, EVN HES đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và tăng năng suất lao động cho các đơn vị sử dụng. Đơn cử như, tại Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), đơn vị đi đầu trong triển khai CTĐT và thu thập chỉ số công-tơ từ xa, việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp đạt độ chính xác cao trong đọc chỉ số mà còn giúp giảm nhân công ghi chỉ số, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số và quản lý công-tơ, tăng năng suất lao động... Đáng nói, sự minh bạch trong số liệu và phương thức giao tiếp với khách hàng, trao công cụ để khách hàng tự kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện đã góp phần đáng kể vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm gánh nặng cung ứng điện trong bối cảnh căng thẳng về nguồn hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, phần mềm đang được áp dụng tại năm Tổng công ty Điện lực và bốn công ty truyền tải điện với số lượng 1,5 triệu điểm đo. Năm 2019, EVN HES sẽ được tiếp tục áp dụng thực hiện tại 5 triệu điểm đo để phát huy hơn nữa hiệu quả trong hoạt động của EVN.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, thực hiện chủ trương hiện đại hóa lưới điện của EVN, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đồng hành về lợi ích cùng khách hàng là xu thế tất yếu mà EVN và các đơn vị thành viên đã trực tiếp đo đếm được hiệu quả trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp.