Lường trước rủi ro, sẵn sàng vượt khó

Chủ động và tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là chiến lược kiên định và xuyên suốt của Việt Nam từ khi thực hiện công cuộc đổi mới. Giai đoạn 2019-2020, Việt Nam liên tiếp trở thành thành viên hoặc ký kết những hiệp định thương mại tự do (FTA) tham vọng nhất nhằm thúc đẩy thương mại song phương và khu vực.

Việc ký kết hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có dệt may. Ảnh: XUÂN QUẢNG
Việc ký kết hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều ngành của Việt Nam, trong đó có dệt may. Ảnh: XUÂN QUẢNG

Những trở ngại không thể né tránh

Song hành cùng những cơ hội mới là thách thức và rủi ro không nhỏ. Nhìn chung, các FTA mới đặt ra những điều kiện và nghĩa vụ rộng hơn, khắc nghiệt hơn đối với các doanh nghiệp (DN), hàng hóa nhập khẩu từ nước ký kết và do vậy, làm gia tăng áp lực cũng như rủi ro trong việc tuân thủ các nghĩa vụ từ các DN xuất khẩu (XK). 

Thực tế, từ trước khi tham gia các FTA thế hệ mới, các DNXK của Việt Nam cũng đã luôn phải đối mặt những trở ngại tại các thị trường XK lớn như Liên hiệp châu Âu (EU) hay Mỹ. EU đã áp dụng thẻ vàng, và cũng từng cân nhắc áp dụng thẻ đỏ đối với hàng hải sản XK của Việt Nam, vì lý do Việt Nam chưa có cơ chế bảo đảm tuân thủ các quy định của CITES trong đánh bắt hải sản. Thí dụ khác, ngày 8-3-2018, Mỹ ra thông báo áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung 25% đối với mặt hàng thép nhập khẩu vào nước này theo Mục 232 vì lý do an ninh quốc gia; và gần đây nhất, tháng 12-2020, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, cũng như cân nhắc biện pháp trừng phạt nhằm vào việc giảm thâm hụt thương mại với Việt Nam.  

Điều này cho thấy, các FTA không hẳn là nguyên nhân gây ra rủi ro pháp lý đối với các DNXK, mà thực chất là các nước nhập khẩu sẽ có xu hướng đưa ra nhiều biện pháp để kìm hãm tăng trưởng XK từ Việt Nam nhằm tránh thâm hụt thương mại. Bởi vậy, các DN Việt Nam không thể không sớm chuẩn bị và xây dựng chiến lược phù hợp, nhằm vượt qua thách thức và tận dụng được các cơ hội phát triển trong bối cảnh mới.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Một thí dụ đơn giản: Khi tăng thị phần tại nước XK, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thép, thủy sản sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng cho phép điều tra và có thể sẽ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hoặc, nếu không tuân thủ các nghĩa vụ về lao động hay môi trường, các thị trường đối tác có quyền áp dụng trừng phạt thương mại. Chẳng hạn, CPTPP cho phép quốc gia nhập khẩu có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa từ các nguồn khác được sản xuất toàn bộ hoặc một phần bởi lao động cưỡng bức hoặc ép buộc, trong đó có lao động trẻ em cưỡng bức hoặc ép buộc.

Bởi vậy, áp lực là không thể né tránh, cũng như việc gia tăng chi phí hay công sức cho một hệ thống toàn diện các khâu cần kiện toàn… là những vấn đề mà mọi DNXK Việt Nam đều phải chấp nhận.

Thứ nhất, các DN cần chủ động cập nhật thông tin, cũng như các chính sách, quy định pháp luật cả trong nước lẫn quốc tế để dự báo và lường trước tình hình, kịp thời có chiến lược ứng phó. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, các nước ngày càng có xu hướng sử dụng các biện pháp mới nhằm tăng cường bảo hộ và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. 

Thứ hai, việc chủ động duy trì hồ sơ chi tiết về truy xuất nguồn gốc, hồ sơ kế toán minh bạch, sản xuất, có đội ngũ tư vấn thường xuyên để chuẩn bị sẵn sàng đối phó các vụ kiện, điều tra hay chính sách mới từ các thị trường nhập khẩu cũng vô cùng quan trọng. Trong trường hợp bị điều tra, các DN cần chủ động phối hợp cơ quan điều tra trên cơ sở hỗ trợ từ luật sư (hoặc Nhà nước khi cần thiết) để bảo vệ quyền lợi chính đáng theo các FTA.

Thứ ba, các FTA mới rất chú trọng vấn đề trách nhiệm xã hội của DN. Do vậy, các DN cần chủ động và tích cực xây dựng chiến lược dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề về lao động, công đoàn, môi trường, an sinh xã hội… đồng thời lên kế hoạch sử dụng chính những trách nhiệm xã hội đó để nâng cao vị thế và uy tín doanh nghiệp, sản phẩm.

Thứ tư, để hạn chế rủi ro bị điều tra về các hành vi gian lận thương mại và biện pháp phòng vệ, DN Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc  nguồn nhập khẩu nguyên liệu truyền thống; và yêu cầu sự hỗ trợ của Chính phủ, ngay khi nhận thấy có dấu hiệu của gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.