Logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hơn 400 tỷ USD hiện nay và còn tăng trong thời gian tới, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá cho thấy không gian phát triển ngành logistics nước ta còn rất lớn. Điều này mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn tư nhân trong nước để đầu tư kết cấu hạ tầng logistics nhằm góp phần giảm chi phí, kết nối hiệu quả và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khu vực và thế giới.

Toàn cảnh Dự án cảng Tổng hợp - Container Cái Mép Hạ. Ảnh: VĨNH CHI
Toàn cảnh Dự án cảng Tổng hợp - Container Cái Mép Hạ. Ảnh: VĨNH CHI

Tiềm năng và thách thức

Trên thực tế, Việt Nam đang có lợi thế sở hữu nhiều kho bãi để có thể đáp ứng tốt cho dịch vụ logistics, nhất là các cảng biển Việt Nam đã được đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng hơn 100 nghìn tấn; có 70 đường bay quốc tế... rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Mặt khác Việt Nam lại đang trong giai đoạn nhập siêu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, đó chính là tiềm năng khá tốt cho các công ty logistics của Việt Nam phát triển.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô khoảng 20 đến 22 tỷ USD/năm, lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 16 đến 20%, logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên hiện cộng đồng DN Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ logistics với những chi phí rất cao. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, phân tích, tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. Chính điều này đang kéo giảm sức cạnh tranh của DN và đồng thời hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các DN hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nhân lực.

Tháo gỡ khó khăn để phát triển

Mặc dù Việt Nam có những nỗ lực lớn trong đầu tư công vào hệ thống giao thông, song hạ tầng giao thông, cảng biển, loại hình phương tiện chuyên chở…, nhưng theo ông Ousmane Dione, đầu tư hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác. Việt Nam nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, để chuyển dịch sang khu vực tư nhân. Cần thiết lập sự ưu tiên rõ ràng cho việc đầu tư thiết yếu, đó mới chính là chìa khóa để có hệ thống kết nối tốt hơn, tạo đà cho phát triển ngành logistics.

Mới đây, Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Công ty CP xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực trọng điểm kinh tế phía nam.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Geleximco cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, Tập đoàn Geleximco sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát và phát triển dự án cảng nước sâu Cái Mép tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam với hiệu quả kinh tế cao, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Để triển khai thực hiện, Geleximco đang và sẽ phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; hợp tác phát triển và đầu tư mới hệ thống logistics trong nước nhằm phục vụ hoạt động dịch vụ, thương mại. Sau khi hoàn thành, dự kiến dự án sẽ tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, xã hội hóa phát triển logistics nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh đẩy mạnh chất lượng dịch vụ; hướng đến xây dựng hệ thống cảng biển với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ vận tải, logistics chuyên nghiệp, hiện đại trên quy mô cả nước...

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là với sự đầu tư bài bản của DN trong nước như Geleximco và chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý của địa phương, cụm cảng Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ là địa điểm tập kết hàng hóa XNK cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistics của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Điều đó được khẳng định bởi Geleximco hiện là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, và đã tham gia đầu tư các lĩnh vực phục vụ an sinh xã hội như sản xuất công nghiệp, hạ tầng bất động sản, tài chính ngân hàng, đào tạo và công nghệ thông tin...

Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí logistics trên thế giới có mức trung bình là khoảng 10 đến 12% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam lên tới hơn 20% GDP - đây là bài toán và cơ hội vô cùng lớn, cần nhiều đơn vị tham gia giải quyết. Trước mắt, Chính phủ cần định hướng ban hành chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và phát triển kết cấu hạ tầng logistics, liên doanh với những DN nước ngoài uy tín nhằm thiết lập hệ thống dịch vụ logistics toàn cầu. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, DN logistics nên tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung trong Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025... Theo PGS,TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, DN Việt Nam đang phải gánh chi phí logistics quá lớn so với thế giới để có thể cạnh tranh. Do đó cần nỗ lực cắt giảm chi phí logistics, đặc biệt cần tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, để từ đó xây dựng một hệ thống logistics hiện đại, sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.

Dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ thuộc xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng Cái Mép Hạ sau khi xây dựng hoàn thành sẽ tiếp nhận tàu 80.000DWT, công suất 1,8 triệu Teu/năm và 1,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Dự án này có tổng diện tích 1.200 ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng.