Lấy an sinh xã hội làm trọng

Mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp (DN) bị tác động bởi dịch Covid-19, đặc biệt chú ý các đối tượng yếu thế, nhằm bảo đảm an sinh xã hội… là điểm chung của cả chính sách tiền tệ và tài khóa đã và sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Người dân và DN bị tác động bởi dịch Covid-19 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Ảnh: Đăng Khoa
Người dân và DN bị tác động bởi dịch Covid-19 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Ảnh: Đăng Khoa

Thêm nhiều hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

Theo tờ trình Chính phủ hôm 26-3-2020, Bộ Tài chính đã đưa thêm các đối tượng được áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội... Như vậy, gói hỗ trợ sẽ nâng từ 30.000 tỷ lên 150.000 tỷ đồng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại cuộc họp chiều 31-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề: Phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu. Do đó, Chính phủ sẽ triển khai gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Đối tượng nhận gói hỗ trợ này phải đủ năm nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc.

Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 làm giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm; không bỏ sót đối tượng và cũng không được để lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan. Thủ tướng cũng yêu cầu các DN phải bảo đảm nguồn cung chi trả thêm tối thiểu 50% lương tối thiểu hằng tháng. Nếu DN không đủ nguồn thì thực hiện vay Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bổ sung nguồn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam…

Bảo đảm an ninh tài chính quốc gia

Ngày 13-3, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN về phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện hai đợt miễn, giảm phí dịch vụ ngân hàng điện tử. Hiện có 14 ngân hàng (NH) áp dụng mức phí 0 đồng, chiếm khoảng 49,1% lượng giao dịch; các NH còn thu phí thì mức phí giảm cao nhất đến 70% so với trước đây.

Triển khai Thông tư 01 của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh giảm 0,5% đến 2% so với cho vay thông thường. Thời gian tới, tùy theo khả năng của mình, hầu hết NHTM đã, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Tại cuộc họp ngày 31-3 lãnh đạo các NHTM cho biết thống kê sơ bộ, khối lượng dư nợ tín dụng của khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh ở NHTM nhỏ cũng khoảng vài chục nghìn tỷ đồng, ở các NHTM lớn như BIDV lên đến 155 nghìn tỷ đồng; Vietcombank hơn 100 nghìn tỷ đồng; và con số này ở Vietinbank là hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Theo Thông tư 01 ngoài giảm lãi suất cho vay dư nợ cũ và cả cho vay mới, các NHTM được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Lĩnh vực nào, khách hàng nào được hỗ trợ, hỗ trợ bao nhiêu, trong thời hạn bao lâu… đều do NHTM tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Với tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, rõ ràng số khách hàng và khối lượng tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh rất lớn nên nguy cơ nợ xấu tăng ngày càng hiện hữu. Việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khiến khách hàng thoát khỏi “vết đen” trong lịch sử tín dụng (không bị hạ điểm tín dụng khi NH xem xét cho vay sau này), nhưng sẽ gây rủi ro cho NH, chưa kể trường hợp trục lợi chính sách. Các NHTM cũng đang gặp khó khăn trong triển khai Thông tư 01 là thiếu sự thống nhất trong áp dụng chính sách hỗ trợ. Thực tế, cùng một dự án của một DN được bốn NHTM đồng tài trợ nhưng chính sách hỗ trợ của các NHTM lại khác nhau: Có NH giảm 0,5%, NH giảm 1% lãi suất cho vay, trong khi NH còn lại… không thấy nói gì (?!). Chính vì thế, các NHTM nhà nước lớn đang bàn thảo để đi đến thống nhất mức giảm lãi suất cho vay chung của NH đối với DN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh có thể lên đến hơn 2%/năm. NHNN khuyến khích các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, phải triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế… trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Phí dịch vụ giảm, tín dụng giảm, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) giảm và tiếp tục phải hỗ trợ khách hàng khiến áp lực của các TCTD trong việc cân đối doanh thu - lợi nhuận rất lớn. Chưa kể, các TCTD phải chủ động và tự chịu trách nhiệm khi triển khai các giải pháp này. Nếu để xảy ra sai sót, rủi ro họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, kể cả về pháp lý. Xét cho cùng, NH cũng là DN nên cũng cần được hỗ trợ như giảm, giãn thời hạn nộp thuế... Đã có NHTM đề nghị NHNN tiếp tục giảm lãi suất cơ bản, tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, và đặc biệt là tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước để NH có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

DN hay người dân đều muốn được hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Nhưng về tổng thể, cần phải bảo đảm các chỉ tiêu nợ Chính phủ trong giới hạn trần cho phép (nợ công bằng 65% GDP, nợ Chính phủ bằng 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia tối đa 50% GDP). Thời điểm tháng 1-2020, Bộ Tài chính đã công bố Báo cáo chuyên đề về việc vay và trả nợ công năm 2019. Theo đó, đến cuối năm 2019, nợ công khoảng 55% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48%; nợ nước ngoài ở mức 37,7% tổng dư nợ Chính phủ.

Mục tiêu chống dịch đang được đặt lên hàng đầu, song vẫn cần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia khi chi ngân sách tăng đột biến do dịch bệnh như hiện nay. Nếu thâm hụt ngân sách quá lớn chúng ta sẽ khó thực hiện các mục tiêu phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh. Điều này sẽ tác động ngược lại đến người dân, DN, khiến vòng quay kinh tế càng khó khăn hơn.