Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Làm sao để thể hiện tính ưu việt của chính sách?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa xây dựng Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”. Theo đó, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thực hiện theo hướng giảm số bậc thang, tăng mức tiêu thụ ở bậc thang đầu tiên và xem xét khoảng cách giữa các bậc. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt nhưng vẫn giữ nguyên mức bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được ban hành tại Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019, đồng nghĩa với việc sẽ có nhóm khách hàng bị “tăng giá điện”.

Cơ cấu giá điện phải bảo đảm nguyên tắc bù giá cho các hộ nghèo, chính sách xã hội và khuyến khích tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Ảnh: Ngọc Hà
Cơ cấu giá điện phải bảo đảm nguyên tắc bù giá cho các hộ nghèo, chính sách xã hội và khuyến khích tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Ảnh: Ngọc Hà

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ tại Thông báo số 79/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 10-5-2019 về việc nghiên cứu, làm rõ bối cảnh, sự phù hợp với tình hình thực tế của biểu giá bán lẻ điện tiêu dùng lũy tiến để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bảo đảm phù hợp với thực tế mức tiêu dùng điện của người dân, Bộ Công thương đã có Công văn số 4256/BCT-ÐTÐL ngày 14-6-2019 giao EVN xây dựng Ðề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được quy định tại Quyết định số 28/2014/QÐ-TTg ngày 7-4-2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và Công văn số 8771/BCT-ÐTÐL ngày 18-11-2019 về hoàn thiện Ðề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Ngày 30-12-2019, EVN có Công văn số 7166/EVN-TCKT gửi Bộ Công thương báo cáo về Ðề án "Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện". Trên cơ sở báo cáo của EVN, ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Bộ Công thương đã xem xét và đề xuất năm phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc (phương án năm bậc có hai kịch bản).

Từ những phân tích cụ thể, Bộ này đã kiến nghị lựa chọn phương án năm bậc thang - kịch bản một để áp dụng. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này sẽ tập trung phân tích phương án mà Bộ Công thương đã lựa chọn.

Quan điểm được Bộ chủ quản khẳng định, đó là việc cơ cấu lại biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải được thực hiện với nguyên tắc bảo đảm giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Do đó, phương án "năm bậc thang, kịch bản một", trước hết, phải chuyển tải được nguyên tắc này. Ngoài ra, còn phải bảo đảm bù giá cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Ðối với bất kỳ quốc gia nào, việc định giá điện thường được sử dụng để thực hiện các mục tiêu của chính sách năng lượng quốc gia, thí dụ như hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ kinh nghiệm các nước, định giá điện của nước ta cũng xây dựng với các yêu cầu sau: Giá điện phải được phần lớn khách hàng chấp nhận; phải cạnh tranh so các loại nhiên liệu khác, mặc dù điện là một dạng năng lượng tiên tiến; phải cạnh tranh đến mức có thể thu hút được các nhà đầu tư; cần phải áp dụng biện pháp bù giá giữa các nhóm khách hàng và cơ cấu giá điện phải đơn giản, dễ áp dụng.

Bảo đảm nguyên tắc bù giá

Biểu giá điện sinh hoạt mà Bộ Công thương lựa chọn gồm năm bậc thang (thay vì sáu bậc thang như hiện hành); trong đó, giá điện bậc 1: Cho 100 kWh đầu tiên (gộp bậc 1 và bậc 2 biểu giá cũ) giữ như mức giá bậc 1; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Với bốn phương án "Cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt" do Bộ Công thương xây dựng trên số liệu về cơ cấu, sản lượng điện tiêu thụ và giá điện đều được xây dựng mô phỏng trên số liệu năm 2018, do giá điện năm 2019 tăng vào ngày 20-3-2019, cho nên việc cập nhật các thông số phức tạp và mất nhiều thời gian, vì có gần ba tháng đầu năm thực hiện giá điện 2018 và hơn chín tháng thực hiện giá điện 2019. Vì vậy, các số liệu về giá điện tuyệt đối cho các bậc thang chưa phải là giá chính thức mà chỉ mang tính chất mô phỏng.

Làm sao để thể hiện tính ưu việt của chính sách? ảnh 1

Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện và bảo đảm chất lượng dịch vụ khách hàng. Ảnh: Ngọc Hà

Việc góp ý các phương án "Cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt" do Bộ Công thương đưa ra xem xét ở khía cạnh bảo đảm nguyên tắc bù giá cho các hộ nghèo, chính sách xã hội và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Theo số liệu về cơ cấu và sản lượng điện của khách hàng sinh hoạt năm 2018 do EVN cung cấp và căn cứ vào Kịch bản 1 Phương án IV (5 bậc thang), thì việc ghép bậc 1 (50 kWh đầu tiên) và bậc 2 (từ kWh 51-100), giữ như giá bậc 1 của giá điện hiện hành, sẽ khiến 20,8% số khách hàng được hưởng lợi từ việc giảm giá điện, nâng lượng khách hàng được hưởng bù giá lên 35,9%; bậc 2 mới (từ kWh 101-200) giữ nguyên giá hiện hành; bậc 3 (từ kWh 201-400) được hưởng giá bậc thang 4 cũ, như vậy sẽ có 5,6% khách hàng được giảm giá điện; bậc 4 (từ kWh 401-700) được hưởng giá tương đương bậc 5 cũ (từ kWh 401 trở lên) và bậc 5 (từ kWh 701 trở lên) giá là 3.105 đồng/kWh. Những tính toán trên cho thấy, với việc ghép bậc 1 và 2 biểu giá điện cũ thành một bậc là 100 kWh đầu tiên nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tối thiểu cho những người có thu nhập thấp ở khu vực thành thị. Ðiều này thể hiện sự ưu việt trong chính sách của Nhà nước ta, nó chứng tỏ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc tăng giá đối với nhóm khách hàng tiêu thụ từ kWh 701 trở lên đáp ứng mục tiêu của chính sách năng lượng quốc gia là sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cần phải lưu ý đến các số liệu tính toán cho phương án này cần áp vào số liệu quá khứ trong từ hai - ba năm trước đây để đánh giá tác động cụ thể của biểu giá mới so với biểu giá hiện hành, cũng như các phân tích số liệu dự báo của năm 2020 cho đối tượng khách hàng sinh hoạt, sau đó tính toán theo biểu giá mới và biểu giá cũ để so sánh và đưa ra các dự báo cho tương lai. Bởi, việc thay đổi biểu giá bậc thang có phạm vi ảnh hưởng đến nhiều khách hàng nên cần có đánh giá tổng thể tác động của nó để bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: ít ảnh hưởng đến đời sống của đa số khách hàng; đơn giản, dễ áp dụng; khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm.

Theo số liệu từ EVN, cơ cấu và sản lượng điện của khách hàng sinh hoạt năm 2018, như sau:

Cho 50 kWh đầu tiên, chiếm 15,1% khách hàng, chiếm 2,3% sản lượng điện tiêu thụ; cho kWh từ 51 -100 chiếm 20,8% khách hàng và 9,1% sản lượng điện tiêu thụ; cho kWh từ 101 - 200 chiếm 37,6% khách hàng và 30,9% sản lượng điện tiêu thụ; cho kWh từ 201 - 300 chiếm 14,2% khách hàng và 19,6% sản lượng điện tiêu thụ; cho kWh từ 301 - 400 chiếm 5,6% khách hàng và 11,0% sản lượng điện tiêu thụ; và cho kWh từ 401 trở lên chiếm 6,7% khách hàng và 27,1% sản lượng điện tiêu thụ.