Kinh tế di sản - một động lực tăng trưởng mới

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng cũ như giá nhân công rẻ, dựa nhiều vào tăng tín dụng, xuất khẩu sản phẩm thô đều đã “tới hạn” thì Việt Nam sẽ dựa vào những động lực mới nào để duy trì đà chạy cho “đoàn tàu” tăng trưởng kinh tế? Vì sao chúng ta có một “sản nghiệp văn hóa” phong phú nhưng lại chưa có được một nền kinh tế di sản tương ứng?

Nghệ An có tiềm năng về danh lam thắng cảnh để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Trong ảnh: Thành Lục Niên, núi Thiên Nhẫn, Nghệ An.
Nghệ An có tiềm năng về danh lam thắng cảnh để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Trong ảnh: Thành Lục Niên, núi Thiên Nhẫn, Nghệ An.

Khởi đầu từ Nghệ An

Ngày 8-5 vừa qua, Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với kinh tế di sản tỉnh Nghệ An” được tổ chức tại thành phố Vinh với mục tiêu tham vấn ý kiến các chuyên gia và các nhà quản lý để hoàn thiện Đề án nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản (thí điểm ở một số bảo tàng, di tích tiêu biểu).

Nghệ An hiện có 2.602 di tích - danh thắng, với 415 di tích đã được xếp hạng, trong đó có bốn di tích quốc gia đặc biệt, 135 di tích quốc gia, 276 di tích xếp hạng cấp tỉnh và tương lai sẽ không dừng lại ở con số này. Thế nhưng, không chỉ Nghệ An mà ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, di sản trên thực tế thay vì trở thành động lực cho phát triển lại trở thành gánh nặng của nhà nước và cộng đồng. Nghệ An đang muốn thay đổi điều đó. Đây là địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến nay có quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống di tích định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050; trong đó lần đầu đề cập khái niệm “kinh tế di sản”, một đề xuất mới không chỉ với Nghệ An, Việt Nam mà còn trên thế giới.

Đối với nhiều quốc gia phát triển, du lịch văn hóa đã trở thành tác nhân làm tăng hiệu quả du lịch. Một nghiên cứu quốc gia về du lịch văn hóa và di sản tại Mỹ năm 2009 cho thấy, 78% số du khách của Mỹ tham gia các hoạt động văn hóa và/ hoặc di sản khi du lịch, lên đến 118,3 triệu du khách người lớn mỗi năm. Khách du lịch văn hóa sử dụng trung bình 994 USD mỗi chuyến đi so 611 USD cho du khách du lịch giải trí khác và đóng góp khoảng hơn 192 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ.

Những gợi dẫn phát triển kinh tế di sản

Kinh tế di sản cần được hiểu như một hình thái phát triển dựa trên nền tảng các giá trị sẵn có (tự nhiên và xã hội). Di sản theo nghĩa rộng, có trong mọi mặt của đời sống. Kinh tế số, gói dữ liệu lớn (big data), kinh tế sẻ chia (Uber, Grab), internet kết nối vạn vật, sự khác biệt của sản phẩm, giá trị sáng tạo, giá trị gia tăng cũng là các hình thái của kinh tế di sản.

Có thể kể tới thành phố Bilbao (Tây Ban Nha), một minh chứng điển hình tạo tác nhân làm biến đổi vùng: Từ một thành phố hầu như bị lãng quên, nhưng kể từ lễ khánh thành Bảo tàng Guggenheim Bilbao (năm 1997), số lượng khách du lịch ngày càng tăng, năm 2012, số lượng du khách đạt tới 1 triệu (gấp khoảng ba lần dân cư tại chỗ).

Một kinh nghiệm khác là Pokémon (franchise) nổi tiếng của Nhật Bản. Khởi nguồn từ trò chơi điện tử, sản phẩm phái sinh (bao gồm truyện tranh, phim ảnh, đồ chơi, lá bài và các dịch vụ giải trí tại gia) đã đem tới doanh thu lên tới 90 tỷ USD, trở thành thương hiệu truyền thông (media franchise) bán chạy nhất mọi thời đại.

Ở Việt Nam, Hội An cũng là một thí dụ thành công của định hướng đưa di sản trở về với cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng.

Vậy phải làm gì để kinh tế di sản chuyển hóa thành động lực tăng trưởng của một vùng, địa phương, quốc gia hay toàn cầu?

Trước hết, cần xác lập vị thế thuộc nhóm nền tảng. Từ đó hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện một số bước đi, tiến hành theo ba giai đoạn (tùy theo điều kiện mỗi địa phương để ấn định):

Giai đoạn I: Cần hoàn thành nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu. Triển khai áp dụng vào thực tiễn các giải pháp phát triển kinh tế di sản, thí điểm tại các khu vực thuận lợi trong xã hội hóa đầu tư. Phát triển các dự án kinh tế di sản tại các phân vùng, địa phương, lựa chọn các di tích, di sản (cốt lõi) đang thu hút được khách kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho bảo tồn và khai thác di sản. Triển khai lập các quy hoạch cho từng khu vực di sản trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư tại địa điểm lựa chọn các Vùng di sản trọng tâm của từng phân vùng.

Giai đoạn II: Nhân rộng mô hình: “mỗi di sản một quần cư”; “mỗi quần cư một sản phẩm”; “mỗi sản phẩm một cảnh quan”; “mỗi di sản một phong cách”; “mỗi sản phẩm một chuyên gia”. Và, “mỗi di sản một doanh nghiệp”; “mỗi doanh nghiệp một cộng đồng”. Tiến hành liên kết nhóm di sản tương ứng với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư sở tại. Xác lập các cơ chế, chính sách theo các nhóm và từng di sản cụ thể. Bàn giao di sản cho cộng đồng có trách nhiệm quản lý, khai thác.

Giai đoạn III: Từng bước thực hiện phần việc xã hội hóa hoàn toàn công cuộc bảo tồn và đưa kinh tế di sản vào chương trình phát triển mang tính phổ thông.

Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ tìm các giải pháp phát triển kinh tế di sản của chính mình, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng, chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Hy vọng rằng, trong tương lai gần, kinh tế di sản sẽ là động lực tăng trưởng mới, tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế địa phương và quốc gia, hướng tới phát triển bền vững với yếu tố cốt lõi là sự tham gia của toàn xã hội.

Tính đến nay, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong số di tích quốc gia có 105 di tích quốc gia đặc biệt và tám di sản thế giới.