Xuất nhập khẩu hàng hóa

Khuyến nghị vượt khó

Ðược coi là một cấu phần quan trọng trong "cỗ tam mã" thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, hoạt động ngoại thương trong quý I-2021 tiếp tục nối dài thành tích với các con số rất khả quan. Song, nhìn về những tháng cuối năm, muốn "cán đích" vẫn còn phải vượt qua không ít rào cản.

Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế. Ảnh: Vũ Dũng
Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế. Ảnh: Vũ Dũng

Tận dụng được lợi ích của các FTA

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất, nhập khẩu quý I đã đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 2,03 tỷ USD.

Kết quả này còn thật sự đáng ghi nhận, khi đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 không chỉ khiến chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng gián đoạn, nhu cầu hàng hóa giảm sút, mà còn khiến ngành dịch vụ logistics chịu ảnh hưởng nặng nề đẩy chi phí tăng cao. Ðáng chú ý, mức tăng trưởng này tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á (kim ngạch xuất khẩu của In-đô-nê-xi-a tăng 8,56%, Xin-ga-po tăng 1,1%, Hàn Quốc tăng 10,5%, Nhật Bản tăng 9%, Thái-lan giảm 1,16%...).

Chắt chiu cơ hội từ trong gian khó, tận dụng tối đa các ưu thế của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khi ta đã có các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… là những cơ hội quan trọng giúp hàng hóa Việt Nam chinh phục ngày càng nhiều thị trường. Ðơn cử,  tính từ ngày 1-8-2020, ngày đầu tiên EVFTA có hiệu lực đến đầu tháng 4-2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước Liên hiệp châu Âu (EU). Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử...

"Các DN Việt Nam có thể tận dụng được các lợi ích của các FTA là vì đã chủ động tìm hiểu các FTA có thể mang lại những thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, mặt hàng của mình, qua đó thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để được hưởng mức thuế thấp mà hiệp định mang lại. Ðây là tín hiệu đáng mừng trong việc tận dụng EVFTA, nếu so sánh với các FTA trước đó", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích.

Mặt khác giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng tăng khá mạnh so cùng kỳ năm 2020 cũng là một trong những động lực đẩy xuất khẩu hàng hóa tăng cao. Cụ thể, giá gạo đã tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn; cà-phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; cao-su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn… Sự tăng giá này không chỉ bởi các quốc gia tăng nhu cầu với hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh, mà còn bởi đường hướng chuyển đổi xuất, nhập nông sản từ lượng sang chất đã cho thấy tính đúng đắn.

Thay đổi phương thức vận tải?

Nói về những thách thức, khó khăn đe dọa đến mục tiêu xuất khẩu cuối năm, trước hết vẫn phải kể đến những diễn biến còn phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chi phí logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN.

Theo so sánh của các DN, nếu như trước khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cước vận chuyển một lô hàng từ Việt Nam đến cảng Hamburg của Ðức chỉ khoảng 3.000 USD thì nay tăng thêm khoảng 5.000 USD, tức là gần gấp ba lần so với trước đây. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao làm cho hàng hóa Việt Nam không những mất đi lợi thế so sánh mà còn khiến các ưu đãi về thuế trong các FTA không còn nhiều ý nghĩa.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm, gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam. Ðơn cử, Hàn Quốc yêu cầu các nhà xuất khẩu phải có chứng nhận chứng minh rằng, các sản phẩm thủy sản không nhiễm virus div1, virus hồ cá rô, virus viêm gan tụy hoại tử, salmonid alphavirus và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính...

Sự vươn lên của DN trong gian khó đã được chứng minh bằng kết quả xuất, nhập khẩu rất đáng tự hào kể từ năm 2020 đến nay. Song, những bất ổn từ dịch bệnh, thiên tai, môi trường hay những rào cản phi thuế quan cũng là điều DN buộc phải đối mặt trong nền kinh tế mở cửa sâu rộng. Do đó, DN được khuyến cáo cần có chiến lược nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường, đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra.

Ðể tháo gỡ khó khăn do chi phí logistics tăng cao, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị, đối với tuyến vận tải Á - Âu, DN nên xem xét, tận dụng phương án vận chuyển đường sắt liên vận. Bởi vì thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang đến Ðức chỉ vào khoảng 29-30 ngày và chi phí chỉ nhỉnh hơn so với mức cước tàu biển ở thời điểm này. "Ðây được coi là giải pháp thích hợp không chỉ ở giai đoạn hiện nay mà còn cả lâu dài, khi EU vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam, và những khó khăn về logistics chưa thể tháo gỡ chỉ trong ngày một ngày hai" ông Hải nhấn mạnh.