Khoảng trống pháp lý trong thanh toán trên di động

Với tốc độ tăng trưởng hơn 100%/năm cả về giá trị và số lượng, thanh toán trên di động đang trở thành “miền đất hứa” cho cả bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, phát triển càng nhanh thì rủi ro sẽ càng lớn do đó vấn đề đặt ra là cần sớm có hành lang pháp lý đủ tạo sân chơi bình đẳng và an toàn cho các bên tham gia.

Sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ thanh toán di động giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.
Sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ thanh toán di động giúp người tiêu dùng được hưởng lợi.

Cuộc đua không có… đích

Chưa khi nào dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt lại phát triển bùng nổ như hiện nay. Trong bảy tháng năm 2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng (NH) đạt hơn 158,5 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 410,9 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 15,8% và 15,6% so cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị khoảng 10.951 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt hơn 2.093 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so cùng kỳ năm 2018). Đến cuối tháng 7-2019 trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) số tài khoản cá nhân đã đạt khoảng 83,3 triệu tài khoản, tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước.

Trong khi số lượng TCTD theo xu hướng giảm dần vì tái cơ cấu thì các trung gian thanh toán (TGTT) ngày càng nở rộ. Tổ chức đầu tiên không phải là NH được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT là vào năm 2015. Và giờ con số này đã lên đến 31 tổ chức. Trên điện thoại thông minh khách hàng có thể cài đặt ứng dụng internet banking hay Mobibanking và vài ví điện tử. Dịch vụ ngày càng tiện ích và chi phí ngày càng giảm là nghịch lý cho thấy cuộc đua khốc liệt giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ. Ngân hàng với lợi thế về kinh nghiệm, uy tín, tiềm lực tài chính, hạ tầng công nghệ, trình độ quản trị… nhưng lại không nhanh nhạy bởi bộ máy cồng kềnh, và chịu sự quản lý bởi luật cũng như nhiều quy định dưới luật đặc thù khác. Trong khi đó, các TGTT ngoài lợi thế nhỏ gọn, nhanh nhạy và đầu tư chủ yếu vào công nghệ họ còn khá “tự do” bởi hành lang pháp lý về công nghệ số nói chung và thanh toán điện tử nói riêng chưa mấy hoàn thiện. Ví điện tử thường chỉ được dùng thanh toán cho các khoản chi nhỏ như ăn uống, hàng tiêu dùng, thẻ điện thoại, thẻ game… nhưng “góp gió thành bão” - nó trở thành kênh thanh toán cạnh tranh trực tiếp với NH. Trong cuộc đua không có đích này, khách hàng được hưởng lợi nhất.

Tạo “sân chơi” bình đẳng

Ngoài các dịch vụ thanh toán trên điện thoại do NH cung cấp, các ví điện tử của các tổ chức TGTT, gần đây kênh thanh toán Mobile money cũng được nhắc đến khá nhiều. Kênh này không đòi hỏi khách hàng phải có điện thoại thông minh vì sử dụng chính tài khoản viễn thông làm tài khoản thanh toán. Mobile money không chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền mà cả các khoản tín dụng nhỏ.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 90 quốc gia trên thế giới phát triển nền tảng thanh toán này. Khi nào Việt Nam trở thành quốc gia thứ 91 cung cấp dịch vụ Mobile money? Hiện NHNN đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money).

Vấn đề trước mắt là quản các ví điện tử. Khó có thể thống kê hết các loại ví điện tử đang được cung cấp bởi các TGTT hiện nay, nhưng có thể kể ra một số ví có lượng người dùng lớn như MoMo, GrabPay by Moca, Viettel Pay, AirPay… và cả ZaloPay. Thị trường đã xuất hiện không ít ví điện tử giả mạo hay lừa đảo qua ví điện tử. Chính vì thế vấn đề cấp bách hiện nay là cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp. Đầu năm nay, NHNN đã đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT. Theo dự thảo này, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ giữa hai ví khác nhau và thanh toán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Tương tự, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của tổ chức tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng...

Hạn mức giao dịch của ví điện tử là một trong nhiều điểm gây tranh luận của dự thảo. Các chuyên gia và cơ quan soạn thảo đều cho rằng, hạn mức này là phù hợp, thậm chí khá cao so thực tế nhu cầu sử dụng ví điện tử của khách hàng hiện nay. Vì hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 2.600 USD/người/năm, tương đương gần 59 triệu đồng/người/năm. Như vậy, cho dù tất cả các khoản chi tiêu đều thanh toán qua ví điện tử thì hạn mức 100 triệu đồng/tháng mà dự thảo đưa ra là khá thoải mái cho người sử dụng. Dự thảo cũng quy định, mỗi người dùng chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ, nhưng có thể mở nhiều ví tại nhiều tổ chức cung ứng khác nhau. Khách hàng phải liên kết ví điện tử với tài khoản NH mới được kích hoạt sử dụng. Quy định này cũng vấp phải không ít phản ứng. Nhưng cơ quan quản lý buộc phải ra quy định này, bởi ngoài tiền do NH Trung ương các nước phát hành thì hiện các loại tiền ảo khá phát triển. Nếu không quy định khách hàng phải giao dịch qua tài khoản NH thì rất khó kiểm soát lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế. Mặt khác nếu không có hạn mức giao dịch thì ví điện tử rất dễ trở thành công cụ rửa tiền. Do đó, tại dự thảo này NHNN đã đưa ra những quy định liên quan những vấn đề còn khá mới tại Việt Nam như: gian lận; mua, bán, thuê, cho thuê, chuyển nhượng ví điện tử hoặc thông tin ví điện tử; mở hộ, mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh...

Thực tế đang đòi hỏi NHNN cần phải nhanh chóng xây dựng khuôn khổ chính sách, pháp lý, quản lý và nhất là các quy định về quản trị rủi ro làm hành lang an toàn cho sự phát triển vượt bậc của Fintech và NH số trong thời gian tới.

PGS, TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia” đặt mục tiêu ngay trong năm 2020 phải phát triển NH số và Fintech để giảm tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10%.