Khi hàng rào thuế quan không còn hữu hiệu

Trong vòng 5 năm tới, sau khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được thực thi, hàng rào thuế quan sẽ không còn là công cụ hữu hiệu để bảo hộ sản xuất trong nước, các nước nhập khẩu có xu hướng sử dụng các biện pháp phi thuế quan. Do đó, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chủ động trước những vụ tranh chấp liên quan các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, phòng vệ thương mại.

VASEP kỳ vọng sau đợt dịch, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm sẽ cao hơn. Ảnh: Phương Anh
VASEP kỳ vọng sau đợt dịch, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm sẽ cao hơn. Ảnh: Phương Anh

Doanh nghiệp: "Nghiệp" và "8 nỗ lực"

Tại cuộc tọa đàm "5 năm tới: Cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, bàn về những xu hướng lớn trên thế giới, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trọng tài viên VIAC cho rằng, dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều xu thế, nội hàm vốn đã được hình thành hàng chục năm nay. Nó cũng làm phức tạp thêm tình hình địa - chính trị, xu hướng toàn cầu hóa. Sự dao động, mơ hồ, bất định bởi sự va đập của địa - chính trị, cuộc chiến thương mại, công nghệ, thiên tai, dịch bệnh… trở thành những yếu tố cần phải được tính đến khi dự báo xu hướng lớn trên thế giới. Chính xu hướng bất định và rủi ro với tần suất lớn và nhanh đòi hỏi ở cả tầm quốc gia và mỗi DN phải có đánh giá rủi ro bất định để đưa ra cơ chế ứng phó kịp thời, ông Thành lưu ý.

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, số lượng các FTA được ký kết ngày một nhiều lên, cho thấy sự đúng đắn của việc kiên định đi theo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Ở đây, "bất biến" được hiểu là: Tập trung vào đổi mới bao gồm cải cách thị trường và ổn định vĩ mô đi cùng hội nhập quốc tế. Chính sách hội nhập toàn diện với hội nhập kinh tế làm trọng tâm. Việt Nam lựa chọn đối tác là những khu vực năng động như châu Á (AEC; 6 ASEAN+1 FTA; RCEP; FTA song phương) cùng các thị trường hàng đầu thế giới (các FTA chất lượng cao như CPTPP, EVFTA). Gắn luật chơi (FTA) cùng với việc hợp tác, phát triển quan hệ đối tác quan trọng. Coi trọng và đóng góp vào các chế định đa phương (UN, WTO, APEC, ASEAN…).

Những yếu tố "bất biến" đã giúp Việt Nam quản trị rủi ro tốt hơn, cũng từ đó nhận biết xu thế và tận dụng lợi thế trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đến những thách thức mà từ phía DN phải nắm bắt để chủ động ứng phó. Ông còn đưa ra mô hình "nghiệp" và "8 nỗ lực" để khuyến nghị đến DN. Theo đó, DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh, xét theo lợi thế so sánh và "phí tổn" tuân thủ, sự phát triển, dịch chuyển của các chuỗi cung ứng, chuỗi nguyên liệu trên toàn cầu và các lĩnh vực ngành nghề mới. Bây giờ là thời của kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh với thị trường tiêu chuẩn cao và các đối tác; chuyển động cùng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; "đối thoại và ứng xử theo luật"; huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp và tinh xảo. Ðồng hành cùng Chính phủ trong nắm bắt chính sách, cải cách, đối thoại; Quản trị sự bất định/rủi ro và cuối cùng là thực hiện trách nhiệm xã hội.

Mặc dù cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ được hoàn thiện hơn, song ông Võ Trí Thành cảnh báo, một số đối tác lớn của Việt Nam đều là các nước lão luyện trong việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước. Do đó, hàng hóa Việt Nam có thể phải đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ thị trường nhập khẩu. Chính vì thế, cả Nhà nước và DN đều cần nỗ lực tối đa để xây dựng chiến lược dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề về lao động, môi trường, sử dụng chính các vấn đề về môi trường, lao động để nâng cao vị thế và uy tín DN, sản phẩm; cập nhật thông tin về các chính sách, thay đổi luật pháp tại nước nhập khẩu.

Bài học về phòng vệ thương mại

Là luật sư giàu kinh nghiệm trong xử lý các vụ tranh chấp kinh tế quốc tế, bà Ðinh Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, Trọng tài viên VIAC chia sẻ: "Những FTA vừa ký kết cũng có thể tạo rủi ro cho các DN Việt Nam. Khi DN không tuân thủ các tiêu chuẩn nêu trong FTA, các đối tác sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mới, mà đến giờ ngay cả chúng tôi cũng chưa biết là biện pháp gì, vì xuất hiện lần đầu tiên trong các hiệp định".

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm làm đại diện cho một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam làm việc với đối tác nước ngoài, nữ luật sư cho biết, nếu DN có sự chủ động đối phó với tình hình thì không những có thể tiếp tục tồn tại mà còn phát triển rất tốt. Như ngành xuất khẩu tôm từ năm 2004 đến nay đã trải qua không ít sóng gió, nhưng nhờ có chuẩn bị đối phó đúng đắn, kịp thời nên đã thành công lớn.

"Có những DN ngành tôm vào năm 2004 xuất khẩu chỉ đạt 100 triệu USD, nhưng hiện đã đạt doanh thu xuất khẩu 700 triệu USD. Có những DN trước chỉ kinh doanh trên thị trường trong nước, nay đã vươn lên tầm cỡ khu vực, xuất khẩu sản phẩm đến hàng chục thị trường trên thế giới", bà Ðinh Ánh Tuyết dẫn chứng.

Sự chuẩn bị này có khi chỉ là những việc hết sức đơn giản như duy trì hồ sơ chi tiết về truy xuất nguồn gốc, hồ sơ kế toán, hồ sơ sản xuất; yêu cầu Nhà nước, luật sư hỗ trợ kịp thời để bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm theo các hiệp định về thương mại và đầu tư. Chẳng hạn, nếu có sự tăng vọt về khối lượng hàng xuất khẩu và nhập khẩu của cùng một mặt hàng, thì phải chuẩn bị đối phó những vụ điều tra, các biện pháp về áp đặt thuế chống bán phá giá. Các FTA cho phép DN đa dạng hóa thị trường. Tập trung quá vào một thị trường sẽ có rủi ro trong giai đoạn hiện nay. Hoặc khi xuất hiện dấu hiệu có gian lận thương mại, lẩn tránh thuế…, cần sớm yêu cầu sự hỗ trợ của Chính phủ (thí dụ đề xuất kiểm soát xuất xứ và hồ sơ hàng hóa xuất nhập khẩu…). Tăng cường hợp tác thông qua hiệp hội, hợp tác với nhà nhập khẩu và khi bị điều tra, chủ động phối hợp và hợp tác với cơ quan điều tra cũng là những khuyến nghị hiển nhiên nhưng đôi khi vẫn bị "lãng quên".

Trong một thế giới đang rất nhiều biến động mà Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, quản trị quốc gia phải "dĩ bất biến ứng vạn biến", còn DN cũng cần có chiến lược quản trị rủi ro một cách chủ động. Khi Nhà nước, DN và cả người tiêu dùng chung sức, con đường hội nhập của Việt Nam sẽ rộng mở.