Khẩn trương ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Mặc dù được đánh giá là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi nước ta, song công tác ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn chưa thật sự hiệu quả. Cần đến sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị để tinh thần“chống dịch như chống giặc” thật sự phát huy, bảo đảm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lực lượng thú y địa phương căng mình phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột bao vây các ổ dịch.
Lực lượng thú y địa phương căng mình phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột bao vây các ổ dịch.

Những lỗ hổng trong ngăn chặn dịch

Về những bất cập trong công tác phòng, chống dịch, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, do giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn. Trong khi thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y... Các địa phương chưa bố trí kinh phí trả thù lao hoặc có bố trí nhưng mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là khi cần phải thực hiện trong thời gian dài...

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP tại Hà Nội trong sáng đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề về cách tổ chức triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng. Hệ thống thú y có năng lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong hoàn cảnh hiện nay không?

Người đứng đầu Chính phủ đặt ra những câu hỏi hết sức trực diện: Tại sao dịch lại bùng phát từ một tỉnh, hai tỉnh đến bảy tỉnh và có nguy cơ lan rộng cho dù chúng ta đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch? Nguyên nhân thật sự ở chỗ nào, do khâu nào? Có hiện tượng người chăn nuôi che giấu dịch bệnh không? Tại sao có hiện tượng thương lái gia tăng số lượng vận chuyển lợn từ bắc vào nam, có phải đây là nguyên nhân dịch đi sâu vào các tỉnh phía nam hay không? Câu hỏi nữa đặt ra là quy định mức hỗ trợ và các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch đã phù hợp chưa?...

Triển khai đồng độ các giải pháp cấp bách

Ngay tại hội nghị trực tuyến, khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” được đặt ra để huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả DTLCP. “Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Trung Quốc với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, thì cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời. Thí dụ, Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ. Mặt khác cần tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm khắc địa phương nào không làm. Từ Chỉ thị 04 (về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP), các cấp, các ngành cần cụ thể hóa, triển khai rõ ràng hơn, chứ không chung chung, đại khái.

Bộ NN và PTNT cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện; phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bệnh xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương. Đặc biệt cần tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu biết là bệnh không lây sang người nên người dân không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và bảo đảm chất lượng.

Định hướng phương pháp tổ chức thực hiện thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo, giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện, tự chịu trách nhiệm là tốt nhất. Phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, để tránh tình trạng “tiêu hủy năm con lợn thì khai tám con, không có dịch mà nói có dịch”. Bên cạnh đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách. Đặc biệt các cấp, các ngành phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và cần thực hiện nghiêm năm không: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”. Đồng thời cần thực hiện tốt nhất Chỉ thị 04 của Thủ tướng với tinh thần cao nhất nhằm khống chế dịch bệnh ở cấp độ thấp nhất, sớm ổn định trở lại tình hình an toàn trong chăn nuôi, nhất là có nhóm giải pháp đồng bộ để bảo đảm ngành hàng chăn nuôi tiếp tục phát triển trong bức tranh phát triển nông nghiệp của nước ta.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: DTLCP là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%. Theo khuyến cáo của OIE, FAO, khi phát hiện đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP thì phương pháp tiêu hủy là chôn sâu 3 - 4 m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột.