Hứa hẹn nhiều cơ hội mới

Làm sao để mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trở thành một hình thức đầu tư hấp dẫn chứ không phải là cách cuối cùng để đầu tư tại Việt Nam? Câu trả lời chính là khi thông tin được minh bạch hóa, rào cản được cắt giảm và các công cụ đầu tư mới được tạo ra phong phú hơn.

Những yếu tố cản trở M&A tại Việt Nam. Nguồn: Viện nghiên cứu CMAC
Những yếu tố cản trở M&A tại Việt Nam. Nguồn: Viện nghiên cứu CMAC

Minh bạch

Ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) có mặt tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 diễn ra ngày 6-8 tại TP Hồ Chí Minh với nhiều thông tin nóng hổi.

Trước đó một ngày, ông đã có mặt trong cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ trong vai trò là thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp. “Chúng tôi đã đề xuất những sửa đổi cụ thể, theo hướng giảm gánh nặng tuân thủ không cần thiết, như các thủ tục hành chính, các cách tiếp cận thông tin... để từ đó giảm chi phí giao dịch cho nhà đầu tư (NÐT). Chúng tôi muốn rằng, các NÐT nhìn vào các quy định, sẽ biết chắc họ có thể đầu tư vào đâu, theo các phương thức nào và thủ tục ra sao. Ðây là điều chưa thực hiện được vào thời điểm hiện tại”, ông Hiếu cho biết.

Một trong những điểm tâm huyết liên quan đến mục tiêu trên của Ban soạn thảo Dự thảo luật lần này là danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NÐT nước ngoài. Cụ thể, danh mục gồm hai nhóm: nhóm ngành, nghề NÐT nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và nhóm các ngành, nghề NÐT nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

Ðiểm đáng nói, cách tiếp cận của đề xuất chính sách này là nguyên tắc chọn - bỏ. Theo đó, ngoài các lĩnh vực, ngành nghề có tên trong danh mục trên, NÐT nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với NÐT trong nước.

Ðây là lần đầu tiên nguyên tắc chọn - bỏ được đặt ra và có giải pháp xử lý. Hiện tại, để tìm kiếm các thông tin điều kiện đầu tư, ngoài việc tiếp cận các nội dung văn bản, pháp luật của Việt Nam liên quan đến đầu tư - kinh doanh, các nhà đầu tư phải nắm rõ các cam kết song phương, đa phương của Việt Nam để xác định được cơ hội tiếp cận thị trường. Nhưng ngay cả khi đã tìm kiếm được các thông tin cần thiết, NÐT cũng không chắc được trường hợp nào phải thực hiện thủ tục đăng ký khi góp vốn, mua cổ phần, trường hợp nào không, nhất là với các lĩnh vực, ngành nghề đầu tư có điều kiện.

“Thường thì các NÐT phải làm việc với công ty tư vấn để giúp họ hoàn tất các thủ tục này. Nhưng với tâm lý lo ngại rủi ro, nhiều nhà đầu tư chọn giải pháp thực hiện các thủ tục đăng ký dù có quy định hay không. Nhưng lúc này thì các cơ quan quản lý Nhà nước lại lúng túng, vì cũng không nắm được đầy đủ thông tin, nên phải gửi công văn đi hỏi. Thời gian và chi phí chờ đợi khiến nhiều NÐT chán nản. Ðây là điều mà Ban soạn thảo Dự thảo luật sửa đổi muốn thay đổi”, ông Hiếu nói.

Với cách xây dựng danh mục như trên, ông Hiếu thậm chí còn tin rằng, NÐT có thể không cần phải tìm thuê nhà tư vấn nữa. “Vì mọi thông tin minh bạch và đầy đủ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Kỳ vọng

Giới đầu tư cũng đang kỳ vọng về công cụ mới được đề cập trong Dự luật trên, được gọi là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Công cụ này sẽ giúp giải quyết câu chuyện mua cổ phiếu của NÐT ngoại tại DN hết room. “Những sửa đổi này sẽ tác động tích cực, giúp NÐT lựa chọn M&A một cách tự nhiên, để tạo sự bứt phá cho thị trường”, ông Hiếu cho biết.

Phải nói rõ, trong một số ngành nghề, lĩnh vực, theo những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương, có giới hạn nhất định tỷ lệ cổ phần nắm giữ của NÐT nước ngoài. Chính giới hạn này đã khiến nhiều cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào tình trạng hết room ngoại. Nghĩa là, cho dù các cổ phiếu này có sức hấp dẫn đến đâu thì cũng không còn cơ hội cho các NÐT nước ngoài. Có thể nhắc tới những thí dụ điển hình như: MWG, ACB, FPT, TCB, MBB...

Nhưng thường thì chính các ngành này lại hút sự quan tâm của giới đầu tư. Trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, giới đầu tư đã chia sẻ mối quan tâm tới các ngành y tế, chăm sóc sức khỏe, viễn thông, ngân hàng...

Trong khá nhiều cuộc đối thoại với Chính phủ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên, các đề nghị gỡ room luôn là một trong những chủ đề được chọn để bàn thảo. Năm 2015, Nghị định 60/2015/NÐ-CP của Chính phủ đã cho phép NÐT nước ngoài mua 100% DN niêm yết nếu không nằm trong danh mục bị hạn chế. Nhưng, trong số hơn 370 DN niêm yết trên HOSE chỉ có 25 DN mở room 100% và chỉ có ba DN mở room từ 51% đến 75%.

“Với công cụ là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, NÐT có thể mua cổ phần, tham gia góp vốn vào các DN mà họ tin là có lợi nhuận cao nhưng hết room ngoại thông qua đại diện là một công ty được thành lập tại Việt Nam. Mục tiêu của họ là lợi nhuận của khoản đầu tư, chứ không phải tham gia vào quản trị DN”, ông Hiếu lý giải.

Liên quan vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ tại Diễn đàn M&A, ngoài chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, trên thị trường vừa qua cũng đã xuất hiện chứng chỉ quyền bảo đảm. “Với chứng chỉ này, NÐT có thể mua cổ phần mà không hạn chế quyền sở hữu. Sản phẩm này được nhiều NÐT trong và ngoài nước đón nhận”, ông Sơn cho biết.

Nhắc đến làn sóng M&A trong các công ty chứng khoán và quản lý tài chính, ông Sơn nhìn nhận: “Khi có quyết định mở room 100% hai ngành này, sẽ có một trào lưu M&A mới. Tôi cho là tin tốt, vì đó là những NÐT có chất lượng mang đến kinh nghiệm quản lý chuẩn cho thị trường phát triển”.