Kinh tế tuần hoàn

Hóa giải mâu thuẫn giữa tăng trưởng và môi trường

Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) tạo nên chu trình biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai và xóa bỏ khái niệm “chất thải”. Doanh nghiệp (DN) là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên sẽ cần phải có cơ chế, chính sách đồng bộ.

Hội thảo chuyên đề Kinh tế tuần hoàn - Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt.
Hội thảo chuyên đề Kinh tế tuần hoàn - Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt.

Tiên phong nắm bắt cơ hội 4.500 tỷ USD

Theo nghiên cứu của Accenture Strategy, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu trị giá lên tới 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai hướng tới kinh tế tuần hoàn trong tổ chức.

Ở Việt Nam, Unilever Việt Nam, một trong những DN tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn, đang áp dụng chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn. Còn đại diện Heineken Việt Nam thì cho biết, DN đã tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm. Thêm nữa, 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn; và có 4/6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.

Mới đây nhất, tháng 6 vừa qua, có chín công ty tiên phong sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) gồm: TH Group, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestlé, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation.

Phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận chuyên đề “Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 - mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu” trong khuôn khổ Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững diễn ra ngày 12-9 tại Hà Nội, TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, một số mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình trong khu vực tư nhân đã bước đầu có kết quả tốt. Chẳng hạn như, mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng được chứng minh giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm nhờ triển khai hệ thống tuần hoàn rác thải, vật liệu và nguồn nước trong khu công nghiệp. Hay như mô hình thu gom tái chế rác thải, chai lọ mà Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực.

Một thí dụ rất thuyết phục nữa là trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước. Với việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (Biogas) trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được thu gom vào hệ thống xử lý để tạo ra khí sinh học đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng cho toàn trang trại. Nước thải được tái sử dụng, đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục nghìn héc-ta cao-su trong vùng. Mô hình sản xuất bền vững có tính chất tuần hoàn của trang trại không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn đem lại nguồn lợi lớn cho Lộc Phát.

Chính sách cần đi trước

Tính đến cuối năm 2018, đã có 34 quốc gia trên thế giới có bước tiến đầu tiên về luật pháp và chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đã sớm tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn. Bộ Công thương cũng đang dự thảo Chương trình hành động quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Nam, khái niệm kinh tế tuần hoàn chưa được sử dụng một cách chính thức trong văn bản ở Việt Nam, và muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực cụ thể, cần có cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn nữa. Chẳng hạn như, để có được cách làm tái chế rác thải ở quy mô lớn, đồng bộ, đại diện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cho rằng, sẽ phải cần đến vai trò hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Cùng quan điểm này, ông Adam Ward, đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam đề xuất cần xây dựng mô hình hợp tác liên kết nhằm huy động sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo, cùng với đó là sự chủ động tham gia của khối DN tư nhân và sự hỗ trợ của các đối tác phát triển…

Tại nhiều nước, những sản phẩm dán nhãn CE (kinh tế tuần hoàn) được người tiêu dùng ủng hộ tích cực, trong khi đó, ở Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các sản phẩm phụ, phế liệu, nguyên liệu tái chế... nhưng lại chưa được “Chứng nhận” và sự đón nhận của thị trường còn rất hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), DN Việt Nam đã và đang là một phần của nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu. Song, trong phạm vi quốc gia thì các nội dung về điều này còn chưa được quan tâm.

Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối quan hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều DN chung tay trong những nỗ lực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Lựa chọn kinh tế tuần hoàn ngay từ hôm nay để có thể cùng nhau kiến tạo một tương lai xanh cho ngày mai.

“Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới là yêu cầu cấp bách nhằm giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.