“Hạt ngọc” tỏa hương

“Trúng mùa - được giá” đang tạo ra sự phấn chấn cho hàng trăm nghìn nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tính đến cuối tháng 3-2021, giá lúa duy trì ở mức cao từ 6.000 - 7.500 đồng/kg, nhiều nơi nông dân đạt lợi nhuận gần 50%. Tín hiệu vui cho thấy, nếu khai thác tốt phân khúc gạo phẩm cấp cao, hạt gạo Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới.

Nông dân ĐBSCL trúng mùa trúng giá vụ lúa đông - xuân.
Nông dân ĐBSCL trúng mùa trúng giá vụ lúa đông - xuân.

Sự lên ngôi của giống lúa thơm
 
 Ông Lâm Minh ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hào hứng cho biết, vụ này sản lượng lúa của gia đình ông trúng đậm hơn 8 tấn/ha, với giá 7.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 40 triệu/ha, cao gần gấp đôi năm ngoái. Giá cả là một chuyện, điều khiến ông Lâm Minh và nhiều nông dân ở đây cảm thấy phấn khởi chính là việc thương lái tranh giành thu mua lúa có phẩm cấp cao, lúa thơm. Thậm chí, nhiều diện tích lúa của nông dân chỉ mới chín ngoài đồng, nhưng thương lái đã đến nhà trả tiền mua trước. Đây vốn là điều cực kỳ hiếm có ở vùng đất này.
 
 Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 1,2 triệu ha/1,5 triệu ha lúa đông - xuân. Tuy nhiên, tính đến nay vụ đông - xuân tại ĐBSCL xuống giống hơn 1,51 triệu ha, chủ động giảm 27,210 ha bởi chịu ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng… Mặc dù diện tích giảm nhưng nhờ áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả trong sản xuất nên năng suất lúa đạt hơn 7 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha (cao nhất trong 5 năm trở lại đây); sản lượng lúa ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 144 nghìn tấn so với vụ lúa đông - xuân năm ngoái.
 
 Có thể nói, chưa khi nào mà ngành nông nghiệp ĐBSCL vui đến vậy, khi mà nông dân ngày càng quan tâm đến sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm. Nhất là thương hiệu lúa, gạo ngày càng được chú trọng đầu tư ngay tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
 
 Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tỷ lệ nông dân sử dụng giống chất lượng cao, cung cấp cho phân khúc xuất khẩu gạo cao cấp ngày càng tăng. Theo đó, nhóm lúa thơm, đặc sản (Jasmine 85, ST, RVT, Tài Nguyên và Nàng Hoa 9, ...) chiếm tỷ lệ 22% tổng diện tích, tăng 0,2%; còn nhóm lúa chất lượng cao (OM5451, Đài thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577, OM9582, OM4900, OM7347, OM6976,...) chiếm tỷ lệ 55,5%, tăng 1,0% so với đông - xuân 2019 - 2020. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận và tương đương khoảng 78,57%; trong đó giống cấp xác nhận do các công ty, trung tâm giống cung cấp 58,92% (chiếm 75% lượng giống xác nhận được cung ứng), hệ thống nhân giống nông hộ, trao đổi khoảng 19,65% (chiếm 25% lượng giống xác nhận được cung ứng); tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng khoảng 5%...
 
 Cũng theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, vụ hè - thu năm 2021 tới đây, ĐBSCL sẽ sản xuất 1,52 triệu ha; năng suất ước đạt 5,62 tấn/ha; sản lượng dự kiến đạt 8,55 triệu tấn. Hiện nông dân đã xuống giống hơn 300 nghìn ha. Các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao sẽ tiếp tục chiếm áp đảo trong cơ cấu sản xuất.
 
 Tạo nền tảng cho xuất khẩu gạo
 
 Cơ cấu giống chuyển đổi theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo đã tạo nền tảng cho ngành xuất khẩu Việt Nam. Năm 2020, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu gần 6,3 triệu tấn, trị giá hơn 3,12 tỷ USD. Giá bình quân xuất khẩu của gạo Việt Nam đạt 499,03 USD/tấn, tăng 18,78 USD/tấn, đưa giá trị xuất khẩu gạo tăng 11,18%. Trong ba tháng đầu năm 2021, tiến độ xuất khẩu gạo của các DN vẫn duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, bước sang tháng 4-2021, dự báo tiến độ xuất khẩu sẽ tăng vọt do hiện nay các DN đã dự trữ nguồn lúa, gạo hàng hóa dồi dào để tung ra thị trường.
 
 Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sản lượng lương thực giảm ở nhiều nước nên nhu cầu nhập khẩu gạo dự báo sẽ tăng trong năm 2021. Đơn cử tại thị trường châu Âu, được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng. “Việc chuyển đổi, giảm một phần diện tích sản xuất lúa, tập trung cho phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm có hai cái được: Giảm áp lực tìm đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa. Chất lượng gạo của Việt Nam được nâng tầm đang tạo ra nhiều lợi thế nhất là cánh cửa vào thị trường châu Âu ngày càng rộng hơn” - ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhận định.
 
 Mặt khác, với phân khúc gạo trắng hạt dài, Việt Nam có thể cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi hiện giá gạo trắng hạt dài của Mỹ khoảng 600 USD/tấn, ngang với nhóm gạo thơm của Việt Nam. Sở dĩ giá bán của Việt Nam gia tăng trong những năm gần đây là do chúng ta gộp chung giá gạo thơm trung bình và gạo trắng hạt dài. Một số nước nhập khẩu gạo thơm trung bình giá rẻ của Việt Nam để thay thế một phần gạo thơm trắng giá cao của Ấn Độ, Thái-lan...
 
 Theo PGS,TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Lúa ĐBSCL, để phát triển lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới, rất cần thành lập “Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp lúa gạo Việt Nam” do Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương làm chủ công phối hợp với VFA, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các doanh nghiệp ngành lúa gạo, tham tán thương mại tại các nước… để hoạt động tổng lực, đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Đây là những yếu tố căn cơ để hình thành phân khúc gạo thơm trắng Việt Nam sánh ngang với Ấn Độ và Thái-lan.
 
 Việt Nam đã tạo ấn tượng khi nhiều dòng gạo đạt giải tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới. Trong vòng 10 năm tới (đến năm 2030), Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu được một triệu tấn gạo thơm trắng với giá khoảng hơn 1.000 USD/tấn, thu về ước tính khoảng một tỷ USD. Như vậy, bên cạnh yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hy vọng đây sẽ là thành tích tuyệt vời trong 10 năm phấn đấu, khởi đầu từ năm 2021. 
 

 Năm 2021, mục tiêu xuất khẩu khoảng sáu triệu tấn gạo ở trong tầm tay. Với đà sản xuất lúa theo hướng tập trung vào các phân khúc gạo cao cấp như hiện nay, cánh cửa xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ có nhiều triển vọng. Đây là thị trường có nhu cầu khoảng 2,1 – 2,3 triệu tấn/năm nhưng hiện tại Việt Nam chỉ mới xuất khoảng 80 nghìn tấn gạo theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).