“Giấy thông hành” cho nông sản

Cấp “giấy thông hành” cho nông sản nhằm chứng thực chất lượng sản phẩm bảo đảm chu trình từ nơi sản xuất đến bàn ăn người tiêu dùng đã trở thành yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với sản phẩm xuất khẩu. Việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của gần 100 triệu người dân tại trị trường trong nước cũng chính là cơ hội lớn mà nông sản Việt Nam không thể bỏ qua.
Những trái xoài Vĩnh Long được đánh giá cao về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm và chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Những trái xoài Vĩnh Long được đánh giá cao về tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm và chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Thiếu cơ chế phát triển chuỗi nông sản

Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn đứng thứ hai Đông - Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Nông sản Việt đã đi đến gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 10 tháng năm 2019, tiếp tục có sáu mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, gồm: thủy sản đạt 7 tỷ USD; rau quả đạt 3,1 tỷ USD; hạt điều đạt 2,7 tỷ USD; gạo đạt 2,4 tỷ USD; cà-phê đạt 2,4 tỷ USD; cao-su đạt 1,75 tỷ USD.

Tham gia sân chơi chung toàn cầu đòi hỏi nông sản Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo đảm trách nhiệm xã hội đối với mặt hàng nông sản… Tuy nhiên, những đòi hỏi này không chỉ đặt ra đối với nông sản xuất khẩu.

Với gần 100 triệu người dân, thị trường nội cũng là mảnh đất có tiềm năng rất lớn tiêu thụ nông sản. Người tiêu dùng Việt hoàn toàn có quyền yêu cầu thông tin minh bạch đối với các sản phẩm mình bỏ tiền ra mua như nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm… Thế nhưng, rất khó để người tiêu dùng nhận biết được đâu là nông sản chất lượng, an toàn, sản phẩm sạch và sản phẩm bẩn?

Thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều mô hình kiểm soát, đánh giá, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Một số siêu thị đã áp dụng “cá đeo thẻ”, dán nhãn mã vạch sản phẩm để khách hàng kiểm tra bằng điện thoại. Các mô hình liên kết theo chuỗi nông sản giữa các siêu thị với nông dân là điều kiện để bảo đảm nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhưng nhìn chung, các mô hình hiệu quả chưa nhiều, việc thực thi còn gặp nhiều trục trặc.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích để xây dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững. Đặc biệt là những yếu kém trong quản lý chất lượng nông sản đã đánh đồng giữa sản phẩm sạch, có chất lượng với sản phẩm thường, kém chất lượng. Nhiều doanh nghiệp (DN) nhà sản xuất nông nghiệp và phần lớn nông dân, hợp tác xã (HTX) cảm thấy việc áp dụng theo các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng và chứng nhận đạt chuẩn nông sản rất phức tạp và tốn kém, đòi hỏi việc ghi chép lưu trữ sổ sách, kiểm tra dư lượng và chứng nhận, thiếu thông tin và các dịch vụ hỗ trợ. Cơ hội và những đòi hỏi liên quan đến các chương trình chứng nhận không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Làm gì để nông sản có “giấy thông hành”?

Trả lời câu hỏi này, trước hết cần hoàn thiện hệ thống quy định về tiêu chuẩn chất lượng, ràng buộc trách nhiệm người sản xuất và hệ thống phân phối, điều kiện minh bạch để người tiêu dùng có quyền truy xuất nguồn gốc nông sản đang được áp dụng ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, quyền này chỉ có thể bảo đảm thực thi khi chúng ta có nền sản xuất được quản lý chặt chẽ theo chuỗi, từ đồng ruộng đến siêu thị và bàn ăn.

Chỉ đạo xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực vùng; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa DN với DN, HTX; giữa DN, HTX với người dân; giữa người dân với người dân… nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Trong đó cần chú trọng khuyến khích liên kết, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đồng bộ tại các khâu giống, nuôi trồng và chế biến.

Nhưng đó mới là đầu vào sản xuất, cần phải tăng cường hậu kiểm chắc chắn để bảo đảm chất lượng nghiêm ngặt đầu ra thị trường. Muốn quy trách nhiệm đối với người sản xuất, nhà cung cấp thương mại phải có hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng và bộ máy thực thi hiệu quả.

Để nông sản Việt có “giấy thông hành”, mở rộng xuất khẩu hay giữ chắc thị phần trong nước, điều kiện tiên quyết vẫn là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị, và thông tin minh bạch để bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) NGUYỄN XUÂN CƯỜNG:

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang thực hiện phương châm xã hội hóa công tác giám sát an toàn thực phẩm. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp (DN), các tổ chức có đủ điều kiện đều được tham gia trong chuỗi kiểm soát này.

Một tin rất vui, vừa qua Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Việt Nam tương đương về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với con cá tra. Cần phải lưu ý rằng, cá tra vốn rất khó vào được thị trường Hoa Kỳ bởi vì xung đột, cạnh tranh với con cá da trơn ở phía nam quốc gia này. Do đó, liên tục có rào cản kỹ thuật được dựng lên, nên kỳ này cá tra của Việt Nam vượt qua được rào cản kỹ thuật của giám sát chất lượng tương đương về mặt an toàn thực phẩm là một thành tích. Chứng tỏ rằng, các khâu được thực hiện chuyên nghiệp, đồng bộ từ khâu ban hành văn bản pháp luật, sự liên thông, kết nối giữa các luật liên quan như: Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm, các luật khác và các nghị định, các thông tư, các văn bản kiểm soát... Các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm soát... của Việt Nam cũng đã được các nước đánh giá đạt yêu cầu về năng lực hoạt động.

Điều đáng nói nữa là công tác tổ chức sản xuất chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu đã có tiến bộ. Việc công nhận quá trình kiểm soát chất lượng đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam tương đương như Hoa Kỳ đã mở ra một triển vọng để các DN tiếp tục xuất khẩu vào thị trường triển vọng này. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta cố gắng làm tốt hơn nữa chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm không chỉ với con cá tra mà mở sang cả các mặt hàng khác.