Giấc mơ đại bàng

Không bỏ lỡ cơ hội đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ vào trung tuần tháng 7 vừa qua, các thành viên tiêu biểu nhất của Ban Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân (Ban IV) và Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam (YPO Việt Nam) đã đặt lên bàn thảo luận những vấn đề thật sự quan trọng với đất nước...

Nhiều doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ số góp phần tối ưu hóa hoạt động. Ảnh: Thanh Giang
Nhiều doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ số góp phần tối ưu hóa hoạt động. Ảnh: Thanh Giang

Bàn chuyện "cơ đồ"

Vào thời điểm này, khi bài toán chống dịch và phục hồi kinh tế luôn được xem là điểm nóng trong nhiều cuộc họp của Chính phủ hay các cuộc làm việc của các bộ, ngành cũng như của giới chuyên gia kinh tế, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thì sự sẵn sàng của giới kinh doanh trong các công việc "đại sự" của nền kinh tế cũng trở nên rất đáng chú ý.

Ngay trong phần thảo luận của mình, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I, thành viên Ban IV (và cũng là thành viên YPO Việt Nam từ năm 2008) đã thẳng thắn nhận định: Các doanh nghiệp (DN) đã gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, và sẽ còn chịu nhiều khó khăn sắp tới cho đến khi nền kinh tế của cả thế giới phục hồi.

Rõ nhất, có thể thấy ở ngành hàng không và du lịch - hai trong nhóm những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), tổng thu trực tiếp của ngành có thể chỉ đạt 320.000 tỷ đồng, giảm 56% so năm 2019. Ðặc biệt, ngành du lịch sẽ mất khoảng hơn hai triệu việc làm từ nay đến cuối năm, trong một tương lai hết sức bất định.

Nhưng khó khăn không phải là điều mà họ muốn trực tiếp gửi Thủ tướng Chính phủ. "Chúng tôi chống chọi khó khăn với niềm tin rất lớn rằng đa số DN Việt Nam sẽ tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn sau dịch. Sự đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các DN; tinh thần tương thân tương ái vượt khó để giữ việc làm cho người lao động chưa bao giờ cao như vậy", ông Tín chia sẻ, thay mặt cho rất nhiều đồng nghiệp.

Sự trưởng thành của đội ngũ DN Việt Nam trong việc xây dựng cơ đồ đất nước được khẳng định từ sự chuyển đổi nhận thức. Ðó là, thay cho việc phải chạy theo các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị truyền thống đã hình thành từ trước đến nay, vốn hầu hết nằm trong tay các DN nước ngoài, các DN Việt Nam đã xác định nhiều ngành trong nước có thể tự lập chuỗi, tự tạo ra hầu hết giá trị và chỉ mời gọi nước ngoài đầu tư ở những mắt xích mà tự thân chúng ta chưa thể làm được hoặc không có đủ lợi thế cạnh tranh. "Khi đó chúng ta sẽ đóng vai trò quản lý chuỗi và chủ động được hầu hết các việc cần làm trong những ngành cụ thể", ông Tín khuyến nghị.

Ðiều này là hoàn toàn có cơ sở nếu như các DN không "đơn thương độc mã", nhất là trong bối cảnh giới chuyên gia đang dự báo: Ít nhất 20% số cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sẽ di dời sang nước khác trong những năm tới, và Việt Nam là điểm đến rất hợp lý cho quá trình dịch chuyển này... Nếu được chuẩn bị tốt, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự chuyển đổi ấy.

Tuy nhiên, một vấn đề nan giải đặt ra: Làm thế nào để vừa bảo đảm nguồn vốn FDI đạt chất lượng cao như Chính phủ đang thiết kế, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển chuỗi giá trị của DN Việt?

Ông Don Lam, Phó Trưởng Ban IV nhắc tới hai giải pháp lớn nhưng cấp bách: Thứ nhất, sự kết nối hạ tầng để tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, đi lại giao thương, và tiết giảm tối đa chi phí logistics là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư - việc chúng ta cần ưu tiên làm ngay.

Thứ hai, ông Don Lam cũng gửi kiến nghị thành lập Cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA) để tích cực tiếp thị lợi thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia trên toàn thế giới. "Chúng tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc cơ chế hợp tác công - tư trong quá trình vận hành cơ quan này", ông Don Lam nói.

Nhìn nhận về vấn đề đầu tư công, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT kiến nghị: Bên cạnh việc dồn vốn cho các dự án hạ tầng, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư công cho các hoạt động trong chương trình chuyển đổi số để thật sự tạo bứt phá cho đất nước. "Chúng tôi mong muốn Chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân vào cuộc, bởi đây là lực lượng năng động sáng tạo nhất, sẽ có vai trò rất lớn bảo đảm thành công của quá trình chuyển đổi số. Ðể làm được, chúng tôi đề xuất Chính phủ làm rõ trong các bố trí ngân sách một tỷ lệ nhằm khuyến khích và thu hút giải pháp từ khu vực tư nhân; cũng như chú trọng cải thiện các quy trình đầu tư hiện tại để rút ngắn thời gian thực hiện, giải ngân", ông Bình đề xuất.

Thiết lập những chuỗi giá trị mới

Bản thân các DN Việt Nam cũng đang muốn trở thành đại bàng. Nhưng họ cần được chính quyền các cấp hỗ trợ tối đa với mục tiêu thật rõ ràng là tạo ra chuỗi giá trị ngay trên đất nước của mình.

Ðây là lý do mà các DN đưa ra những kỳ vọng rất cụ thể, như việc kiến nghị
Thủ tướng và Chính phủ tìm cách thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển đổi đất của các nông trường, lâm trường thành đất công nghiệp ở những địa phương có điều kiện phù hợp.

"Chúng ta nên chú trọng và khuyến khích các khu công nghiệp chuyên biệt cho từng ngành nghề cụ thể theo thế mạnh của địa phương, của từng khu vực. Khi đó mới thật sự có các chuỗi sản xuất của riêng Việt Nam, góp phần quyết định vào việc tạo ra giá trị lớn và lâu dài cho đất nước chứ không chỉ là nguồn thu từ đất ban đầu. Tinh thần này cần được hiểu và thấm nhuần đến từng địa phương", ông Tín nói.

Thực tế, hiện vẫn có rất nhiều vấn đề mà khi xử lý các địa phương và DN phải mất rất nhiều thời gian xin ý kiến các bộ, ngành trung ương, nhiều khi là phải xin ý kiến cả Thủ tướng. Môi trường kinh doanh của Việt Nam, dù đã được cải thiện rất nỗ lực, nhưng vẫn chỉ đứng thứ 70 trong Bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, thua xa Ma-lai-xi-a và Thái-lan, gần ngang bằng với vị trí của Ấn Ðộ và In-đô-nê-xi-a là hai quốc gia mà giới đầu tư đều coi là quốc gia khó kinh doanh...

Rõ ràng, DN Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu để không chỉ tồn tại, phát triển mà còn vươn lên trong mục tiêu thiết lập chuỗi giá trị mới, trở thành những cánh đại bàng đủ sức bay vượt trên giông bão. Nhưng chính trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đương nhiên cũng phải cạnh tranh với các chính phủ khác trên toàn cầu.

Liệu chúng ta có thể chống sự phức tạp và trì trệ của hệ thống thủ tục hành chính, và rộng hơn nữa là cả môi trường kinh doanh, mạnh mẽ và hiệu quả như chống dịch không? Giới kinh doanh đang cần câu trả lời, ngay vào thời điểm đại dịch đang tạo nên những xoay chuyển lớn trong các chuỗi giá trị, và trong cả nền kinh tế toàn cầu.