Gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu

Để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và tăng sức cạnh tranh trên bản đồ dệt may thế giới, ngành dệt may buộc phải gắn chặt với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Lê Tiến Trường (trong ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chia sẻ như vậy với phóng viên Nhân Dân cuối tuần.

Gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu

- Thưa ông, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019, song cho đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất xứ dệt may (DM) mới chỉ đạt 0,03% do chúng ta bị động về nguồn vải. Liệu kịch bản này có lặp lại với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA)?

- Ngành DM Việt Nam phát triển dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó, phải nhìn trên tổng thể chuỗi và xem xét năng lực của mình đến đâu để tính toán đầu tư hợp lý. Mục tiêu tối thượng của ngành trong hội nhập và phát triển là đầu tư gia tăng năng lực cạnh tranh, chứ không đơn thuần chỉ là đầu tư để đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Nếu ta tiếp cận theo hướng thiếu nguồn vải mà đầu tư vào vải thì doanh nghiệp (DN) sẽ thua lỗ bởi không đủ năng lực cạnh tranh. 

Cách hiệu quả nhất là tìm đối tác có kinh nghiệm, cùng trong chuỗi cung ứng với nhà sản xuất để cùng nhau đi nhanh đến đích như một số DN trong ngành đã và đang triển khai khá hiệu quả. Còn nếu cứ bỏ vốn để đầu tư lớn một cách tự phát, rồi không gia nhập được các chuỗi cung ứng thì các nhà máy sẽ cho hiệu quả sử dụng thấp và sinh ra thua lỗ.

Đơn cử, hiện nay, Tổng công ty CP May Việt Tiến đã ký hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất vải với Uniqlo. Theo đó, Uniqlo đặt hàng và yêu cầu Việt Tiến làm vải. Như vậy tức là DN sẽ chỉ làm vải nếu có sự thống nhất trong chuỗi cung ứng. Hoặc nhiều DN khác trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang tập trung đàm phán với các nhà cung cấp khác để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam như H&M, Zara… đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và hưởng lợi thuế quan từ EVFTA. Phải làm việc theo chuỗi, theo yêu cầu của thị trường, còn nếu “dàn hàng ngang” làm vải, DN sẽ “chết” vì không cạnh tranh được. 

Nên nhớ, ta đang nằm cạnh thị trường Trung Quốc, vốn là quốc gia số một thế giới về DM, với dung lượng 140-150 tỷ USD mặt hàng may mặc mỗi năm, chiếm một nửa dung lượng thị trường thế giới, mỗi năm họ làm tới 80 tỷ mét vải/năm, giá thành cực cạnh tranh. Do vậy, nếu ta dùng 7-8 tỷ mét vải/ năm, vậy thì nếu đầu tư sản xuất, ta có cạnh tranh được với họ không khi quy mô của họ lớn gấp 10 lần, lại có lợi thế lớn về thời gian, không gian?

Hơn nữa, logistics cũng đang là một vấn đề. Nhiều người có quan niệm rằng, nguyên liệu nội địa có nhiều lợi thế về giá rẻ, khoảng cách gần…, song nhiều lần chúng tôi đã đặt lên bàn so sánh và thấy rằng, khi mua nguyên liệu từ Trung Quốc, chuyển về TP Hồ Chí Minh còn nhanh hơn mua hàng từ Hà Nội chuyển về TP Hồ Chí Minh... 

- Nếu không thể “dàn hàng ngang” thì các DN DM phải làm gì để gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình, thưa ông?

- Để khẳng định được vị trí trên bản đồ DM thế giới, chúng ta phải chủ động được về vải. Chúng ta có thể bắt đầu từ khoảng 15 tỷ mét vải/năm để chiếm tỷ trọng 12% tổng lượng vải tiêu thụ toàn cầu. Còn hiện nay, quy mô của ta chỉ bằng khoảng 10% của Trung Quốc thì không thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, để làm được lượng vải này, ngành DM cần số vốn đầu tư khoảng 60 tỷ USD (khoảng 4 USD/mét), là số vốn lớn so với nền kinh tế của nước ta.  

Một giải pháp nữa, chúng ta cần bắt buộc đi vào các thị trường ngách, kể cả ngách nhỏ, đơn hàng nhỏ, thị trường nhỏ. Vì khi những nhà sản xuất DM lớn có những nhà máy lớn, quen xử lý những đơn hàng lớn, giá trị cao thì với những đơn nhỏ, giá trị nhỏ họ sẽ ngại hơn và đây là lợi thế của ta. Đồng thời, gắn chặt với chuỗi cung ứng như mô hình Việt Tiến đang làm. Còn nếu ta cứ “phăm phăm” thẳng tiến, muốn làm những đơn hàng lớn, hàng tiêu chuẩn thì không thể cạnh tranh được với phía bạn. Trung Quốc có những xưởng lớn, cho phép 5.000 người ngồi cùng một lúc, may cùng một mặt hàng. Trong khi một nhà máy của ta thông thường chỉ bố trí cho 1.000 người ngồi nên năng suất, giá thành của ta không thể cạnh tranh được.
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, DN DM cần nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số để thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại kịp thời. Đặc biệt, đứng trước các cơ hội lớn như EVFTA với những dự báo lớn, các DN cũng cần phải định lượng được thị phần tiềm năng thật sự, những khách hàng tiềm năng thật sự của mình. Có như thế mới cân đối được các kế hoạch đầu tư sao cho hiệu quả. 

- Xin cảm ơn ông!