FDI vẫn tiếp tục là một động lực tăng trưởng

Ðang có những chuyển dịch đáng kể trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, từ hình thức, đối tác đầu tư... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang cần những chuyển dịch bám vào chiến lược mới về thu hút FDI.

Vấn đề đặt ra lúc này là cần nâng cao tỷ lệ chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế. Ảnh: Khánh An
Vấn đề đặt ra lúc này là cần nâng cao tỷ lệ chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế. Ảnh: Khánh An

Sự nổi lên của M&A

GS,TSKH Nguyễn Mại không cảm thấy lo ngại như nhiều chuyên gia kinh tế khi nhìn vào tỷ lệ 70,5% tăng thêm của dòng vốn FDI qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) trong 10 tháng năm 2019. “Tính hấp dẫn của thị trường vốn của Việt Nam; chủ trương nới room, mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài; việc minh bạch hóa, đơn giản hóa thông qua việc sửa đổi Luật Chứng khoán... đã lý giải sự thay đổi này”, GS, TSKH Nguyễn Mại phân tích.

Trước đó, khi phân tích về các số liệu liên quan sự nổi lên quá nhanh vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức M&A, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ðình Cung lo ngại: “Không biết DN nước ngoài mua những gì, ở đâu và DN Việt Nam sau khi rút vốn thì có đưa vốn vào đầu tư không? Nếu số vốn này không được tái đầu tư thì thực chất dòng vốn nước ngoài này không làm tăng vốn trong nền kinh tế.

Những lo ngại này còn lớn hơn khi soi chiếu vào sự trồi sụt của dòng vốn đăng ký mới và tăng thêm. Theo đó, tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong cùng thời kỳ là 12,83 tỷ USD, tăng 25,9% về số dự án nhưng giảm 14,6% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2018. Số vốn đăng ký tăng thêm từ các dự án hiện hữu là 5,4 tỷ USD, giảm 16,4% so cùng kỳ năm trước.

Ông Cung có lý do để đề cập đến các mối lo trên, vì tương lai những năm tới sẽ được nhìn nhận trên cơ sở vốn đăng ký mới. Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại lại nhìn vào sự ổn định của dòng vốn giải ngân để khẳng định quan điểm, vốn FDI vẫn sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, ít nhất là đến năm 2025.

Tỷ lệ tăng vốn FDI được duy trì liên tục mấy năm qua, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân GDP mấy năm qua là hợp lý. Chúng ta không nên dựa vào FDI, chỉ nên giữ ở mức 22-23% tổng đầu tư xã hội, phần còn lại dành cho DN trong nước. Do đó, việc thay đổi dòng vốn này chủ yếu là chất lượng chứ không phải là số lượng, ông Mại nhận định.

Bắt đầu được nhắc đến ở Việt Nam từ khoảng năm 2014, đến nay, sự phát triển của hình thức M&A là chỉ báo cho cầu về M&A ở Việt Nam đang tiếp tục tăng. Nghĩa là DN trong nước, bao gồm cả DN tư nhân và DNNN với tiến trình cổ phần hóa đang tạo ra cầu lớn cho M&A. Và điều này hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

“Sự tham gia của dòng vốn nước ngoài qua hình thức này đã làm thay đổi quản trị của một số doanh nghiệp. Ðơn cử như sự lớn lên của Sabeco sau khi tỷ phú Thái-lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp này.

“Nếu không có thương vụ này, bao giờ hình ảnh của Sabeco mới có mặt ở giải bóng đá ngoại hạng của Anh”, GS Nguyễn Mại nói.

Gia tăng mối lo vốn mỏng

Tuy nhiên, chuyên gia hàng đầu về FDI của Việt Nam lại lo lắng về quy mô vốn của các dự án FDI hiện tại. “Trung bình một dự án FDI vào Việt Nam trong 10 tháng qua có quy mô vốn khoảng bốn triệu USD. Ðó là tính trung bình, còn có những dự án một triệu USD. Ðây là vấn đề cần nghiên cứu”, GS Nguyễn Mại chia sẻ quan điểm.

Ðây không phải lần đầu tiên ông Mại nhắc đến vấn đề này, nhưng lần này, quy mô vốn trung bình của một dự án FDI đang trong xu hướng giảm. Năm 2017, quy mô trung bình một dự án FDI là 8 triệu USD; năm 2018 là gần 6 triệu USD.

Hơn thế, nếu đặt trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, thì câu chuyện vốn mỏng của dự án FDI càng cần phải có giải pháp.

“Ðể thực hiện Nghị quyết 50, cần có sự chuyển dịch về tư duy, cách thức lựa chọn dự án FDI. Nếu các địa phương vẫn muốn làm cái cũ, để có nhiều dự án FDI thì sẽ không chọn được dự án tốt mà nền kinh tế thật sự cần”, ông Mại thẳng thắn.

TS Nguyễn Ðình Cung chia sẻ mối lo này, thậm chí đặt nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Với quy mô nhỏ, giảm dần, thì liệu có nghiên cứu và phát triển, có chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế không, trong khi đây là những điều chúng ta đang cần từ dòng vốn này”, ông Cung đặt thêm các câu hỏi.

Bên cạnh đó, nguồn gốc của dòng vốn này cũng đang nổi lên những vấn đề phải giải quyết từ tư duy thu hút FDI thế hệ mới. Trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trong 10 tháng qua, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp sau đó là Trung Quốc, Xin-ga-po, Nhật Bản, Thái-lan...

“Tôi không thấy đầu tư từ châu Âu và Hoa Kỳ trong khi chúng ta đang cần thu hút các dự án chất lượng cao từ các thị trường này”, ông Cung bày tỏ sự lo ngại.

Tất nhiên, không thể bỏ qua điểm tích cực của sự gia tăng của các dự án FDI tại Việt Nam là nhờ kết quả các cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, sự hấp dẫn của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP và tới đây là EVFTA. Nhưng nền kinh tế Việt Nam cần các dự án FDI thật sự có chất lượng.

“Bên cạnh cải thiện tiếp tục, quyết liệt môi trường kinh doanh, theo tôi, Thủ tướng Chính phủ cần có đặc phái viên gặp các đại sứ, nhà đầu tư lớn giải thích cho họ về Nghị quyết 50, về chiến lược thu hút FDI mới của Việt Nam. Chúng ta cần tìm các nhà đầu tư tiềm năng đến Việt Nam chứ không thể ngồi chờ”, ông Cung đề xuất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến hết thời điểm ngày 20-10-2019, tổng giá trị vốn góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên tới 10,8 tỷ USD, tăng 70,5% so cùng kỳ năm 2018. Trong số này, giá trị vốn góp làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp là 6,5 tỷ USD; số còn lại do nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần nhưng không làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp.