Đừng trông đợi ở ENT

Khi cuộc so găng giữa doanh nghiệp (DN) nội và ngoại trên thị trường bán lẻ ngày một khốc liệt, một lần nữa “chốt chặn” ENT lại được nhắc đến như một trong những bài học về bảo hộ sân nhà. Tuy nhiên, lúc này, những người lâu năm lăn lộn với bán lẻ cũng phải thừa nhận: Không thể sống sót, nếu chỉ trông chờ vào một vài rào cản kỹ thuật giúp hạn chế phần nào sự đổ bộ của doanh nghiệp ngoại.

Sau thương vụ mua Big C bất thành, Co.op Mart vẫn không “ngán” việc mở rộng hoạt động, cạnh tranh với các đối thủ lớn.
Sau thương vụ mua Big C bất thành, Co.op Mart vẫn không “ngán” việc mở rộng hoạt động, cạnh tranh với các đối thủ lớn.

“ENT sắp qua thời hoàng kim”

Đó là lời khẳng định của bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trước những lời than vãn quanh quy định ENT từ cả hai phía DN nội và ngoại.

“ENT (được hiểu là yêu cầu về xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm dựa vào các tiêu chí về số lượng cơ sở bán lẻ, sự ổn định thị trường, mật độ dân cư của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ…) là quy định bắt buộc đối với DN bán lẻ ngoại khi tiến hành mở siêu thị thứ hai tại một địa phương. Thực tế, một số DN và phòng thương mại nước ngoài vẫn cho rằng: ENT của Việt Nam đi trái với tinh thần của WTO. Tuy nhiên, Hiệp hội chúng tôi cũng đã nhiều lần tranh luận và bảo lưu quan điểm: Hơn 100 nước thành viên của WTO đã từng sử dụng ENT rồi, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Việt Nam đang đi theo các nước thành viên khác chứ không có việc ưu tiên DN nội địa mà đi ngược lại với WTO” - bà Loan khẳng định.

Ở góc độ DN trong nước, cũng có nhiều ý kiến cho rằng ENT đã không được thực thi tốt ở góc độ địa phương, và cao hơn là thống nhất trên toàn quốc. Chúng ta thiếu hệ thống chính sách rõ ràng về ENT và cơ chế bảo đảm để nó được vận hành đúng. Vậy nên mới có chuyện: Một thời ENT được cấp phép quá dễ dàng khiến cho DN nội thua thiệt, trong việc tìm kiếm quỹ đất để mở rộng mạng lưới về các địa phương. Bà Loan dẫn chứng: Ngay tại Buôn Mê Thuột, một DN ngoại có thể được cấp phép ở vị trí cách siêu thị Co.op Mart chỉ có 1.000 m, vậy thì cơ sở nào để gọi là có thực hiện ENT? Đáng lẽ ra, hình thức như siêu thị ấy phải được cấp phép xây dựng ở ngoại ô thành phố, và không bao giờ được cạnh tranh với DN nội như trường hợp nêu trên.

Rõ ràng, nếu như không đánh giá đúng vai trò của ENT, các địa phương có thể đạt được con số tăng trưởng trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng mặt trái của nó là quá trình thực thi bảo hộ cho bán lẻ trong nước đã bị hổng một chốt chặn khá quan trọng. “Nhưng, ngay cả khi chúng ta thắt chặt việc thực hiện quy định ENT thì khả năng chặn được sự thôn tính của các DN bán lẻ ngoại trên thị trường cũng không còn dài hạn. Thậm chí, theo tính toán của Hiệp hội Bán lẻ, Việt Nam chỉ có thể thực hiện được ENT trong vòng 7 - 8 năm nữa mà thôi. Và nếu Hiệp định thương mại TPP được thực thi thì chỉ khoảng 5 năm sau, quy định này sẽ không còn được sử dụng nữa” - bà Loan dự báo.

Trong một diễn biến khác, dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại (về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) cũng đang được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến. Liên quan đến ENT, việc lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 (hoặc lập cơ sở bán lẻ để bán hàng hóa do chính nhà đầu tư nước ngoài sản xuất ở ngoài lãnh thổ Việt Nam), tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch cho lập cơ sở bán lẻ và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ không phải thực hiện quy định ENT. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, các nhà phân phối và bán lẻ nước ngoài sẽ có quyền mở nhiều điểm bán lẻ dưới 500 m2 mà không bị ràng buộc về ENT. Cuộc “so găng” trên thị trường vốn đã nóng này sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Và DN nội sẽ phải ứng biến thế nào với diễn biến mới này?

Khi thị trường bán lẻ thay đổi nhanh chóng

Hiệp hội Các nhà bán lẻ nhận định: Thị trường bán lẻ đã không còn giống như trước đây nữa. Trên quy mô toàn cầu, bán lẻ đã có nhiều hình thức thay đổi chóng mặt. Điều này dẫn đến yêu cầu các DN nội phải tìm hướng đi cho mình. Từng tiên phong trong việc tham gia vào thương vụ đình đám mua lại Big C và chỉ chịu thua vào vòng cuối, giờ đây Co.op Mart cũng đã xác định cách thức cạnh tranh dựa vào những điểm mạnh hiện có như: sự am hiểu thị trường và tâm lý người tiêu dùng; phát huy mối quan hệ giữa Saigon Co.op với đơn vị cung cấp, các đơn vị đối tác cung ứng để có thể phát triển vững chắc. Bên cạnh đó là tập trung xây dựng chiến lược, phát huy yếu tố sáng tạo, chủ động hơn nữa. Không “ngán” việc cạnh tranh với các đối thủ lớn, ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Co.op Mart cho biết thêm: “Co.op Mart sẽ phát triển các mô hình đang có và nghiên cứu cho ra các mô hình bán lẻ mới, đồng thời hướng tới mô hình bán đa kênh hiện đang phát triển trên thế giới. Thương hiệu nội nổi bật này cũng sẽ đầu tư vào những công nghệ mới giúp chúng tôi có thể phát triển vững chắc. Dự kiến 2017, sẽ triển khai thương mại điện tử”. Quá trình sắp xếp lại mạng lưới cho phù hợp liên tục được thực hiện, và dường như dự định M&A khi có cơ hội những thương hiệu bán lẻ ngoại có tiếng vẫn được theo đuổi.

Một thương hiệu bán lẻ có tiếng ở phía Bắc là Hapro cũng đã đưa ra chiến lược kinh doanh như quy hoạch lại hệ thống bán lẻ, khi phân thành hai siêu thị phục vụ cho hai đối tượng khác nhau. “Đối với mảng nội địa, Hapro có kế hoạch tập trung nguồn hàng và có hợp tác sâu với cơ sở sản xuất trong nước, có đơn hàng bao tiêu và có sự trao đổi, phản ánh về thị trường. Hapro sẽ còn mở ra phương thức bán hàng đa kênh (vừa có online vừa bán hàng truyền thống). Bên cạnh đó, khi nhà bán lẻ đủ mạnh, chúng tôi lại chuyển dịch sang thị trường ngách: về nông thôn” - bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng Giám đốc Hapro chia sẻ.

Thị trường cũng đã ghi nhận sự liên kết mạnh mẽ hơn, khi Vingroup ký thỏa thuận hợp tác với 250 nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa trong nước, đồng thời ký thỏa thuận với 1.000 nhà sản xuất trong nước…

Các nhà bán lẻ nội đã có tâm thế chấp nhận cạnh tranh, thay vì chỉ trông đợi vào những kiến nghị bảo hộ - một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường phát triển có tính chất thúc đẩy cho các thương hiệu nội phát triển, tạo dư địa cho cả hệ sinh thái DN trong nước cộng sinh, vẫn là điều không thể không tính đến.