Dịch tả lợn châu Phi

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây nên những tác động lớn, khó lòng khắc phục trong ngắn hạn. Song, đây cũng là thời điểm để cơ cấu lại ngành chăn nuôi một cách chuyên nghiệp, bền vững hơn.

Đà Nẵng là địa phương mới nhất phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh: Lực lượng chức năng Đà Nẵng tăng cường kiểm tra tại các trạm để phòng, chống dịch lây lan.Ảnh: THÙY TRANG
Đà Nẵng là địa phương mới nhất phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh: Lực lượng chức năng Đà Nẵng tăng cường kiểm tra tại các trạm để phòng, chống dịch lây lan.Ảnh: THÙY TRANG

"Phòng, chống dịch như chống giặc"

Ðây là phương châm được quán triệt trong Công điện về công tác phòng, chống, dập DTLCP vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 4-6.

Tính đến ngày công điện được phát đi, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 53 tỉnh, thành phố. Tính sơ bộ, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con (trên tổng số đàn lợn khoảng 27 triệu con) với trọng lượng gần 130.000 tấn; thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng... Nhiều chủ trang trại lo ngại sự lây lan nhanh chóng, phức tạp của DTLCP nên bán chạy, bán tháo khiến nguồn cung tăng đột biến kéo giá xuống đáy ở mức 25.000 - 29.000 đồng/kg tại miền bắc và 30.000 - 35.000 đồng/kg tại miền nam.

Trước diễn biến phức tạp này, cũng trong ngày 4-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phải tổ chức họp khẩn với đại diện 35 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) có lợn bị bệnh DTLCP, buộc phải tiêu hủy. Ðại diện Sở NN&PTNT Nam Ðịnh cũng phải thốt lên rằng, chưa bao giờ tỉnh phải chịu thiệt hại lớn đến như đợt dịch này, kể cả khi gặp mưa bão, thiên tai.

Theo Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Ðức Tiến, tỷ lệ lợn nhiễm DTLCP chủ yếu thuộc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tuân thủ các yêu cầu về an toàn sinh học và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Ðiển hình như tại huyện Bình Lục, Hà Nam-thủ phủ chăn nuôi lợn miền bắc, nhiều chủ trang trại nuôi lợn quy mô lớn, tự tin khẳng định, nhờ áp dụng tốt an toàn sinh học, họ có thể trụ được cho đến khi DTLCP qua đi, giá lợn tăng trở lại.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi cũng đưa ra hai phương án hỗ trợ. Phương án một, hỗ trợ theo con với lợn con, lợn thịt các loại; lợn nái, lợn đực hỗ trợ theo kg (80% giá thị trường). Với các DN có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ tối thiểu bằng 30% giá thị trường. Phương án hai, hỗ trợ theo năm nhóm: lợn đang theo mẹ, mức hỗ trợ 250.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi mức hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30-80 kg) hỗ trợ 1,5 triệu đồng/con; lợn thịt từ 4 tháng tuổi trở lên 2,5 triệu đồng/con; lợn nái đang khai thác 3,5 đến 4 triệu đồng/con...

Ðiều đáng nói, trong ba tháng tới, giai đoạn thấp điểm của việc tiêu thụ thịt lợn do nắng nóng và dịch bệnh nên sức ép với ngành chăn nuôi lợn càng lớn hơn. Lúc này, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong những giải pháp cần thiết bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Do vậy, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ, bộ, ngành địa phương hỗ trợ, đó là đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn, như chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông, 50% lãi suất ngân hàng, 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.

Cơ cấu lại ngành chăn nuôi bền vững

Trong lúc này, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn để đương đầu với DTLCP, sẽ còn cần đến những giải pháp dài hơi mang tính chất cơ cấu lại ngành chăn nuôi là hết sức cần thiết. Bởi ở các nước phát triển, trong cơ cấu chăn nuôi, lợn chỉ chiếm 20-25%, gia cầm chiếm 40% và gia súc ăn cỏ từ 30-35%. Còn riêng ở Việt Nam, lợn chiếm tới 65-70%, gia cầm chiếm 20-25%, gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 6-8%. "Ðây không phải là cơ cấu thông minh. Nuôi lợn tới khi xuất chuồng cần tới 6 tháng, chi phí cho 1 kg tăng trọng là 2,5 kg thức ăn, chưa kể áp lực về môi trường. Từ sự mất cân đối nói trên, cộng với áp lực của DTLCP, chúng ta cần phải thay đổi cơ cấu chăn nuôi ngay trong năm 2019 và trong nhiều năm tới", ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Trong thực tế, ngay chính các DN lớn cũng đã có những động thái cho thấy trước tầm nhìn xa như tuyển dụng nhân sự và khảo sát tìm địa điểm để xây dựng các trang trại nuôi lợn hiện đại quy mô lớn. Ðó chính xác là con đường tất yếu để xây dựng tương lai phát triển ổn định của ngành chăn nuôi. Ðại diện Công ty C.P, một trong những đơn vị cung cấp thịt lợn cho thị trường cả nước, dự đoán tỷ lệ cơ cấu chăn nuôi nhỏ lẻ sau "bão" DTLCP sẽ giảm mạnh và sâu. Vị này cũng cho rằng, cuối năm khi dịch bắt đầu lắng xuống, lượng lợn bị tiêu hủy với số lượng đủ lớn làm sụt giảm nguồn cung cộng với khoảng trống do người chăn nuôi dừng tái đàn gặp nhau, giá lợn hơi tại Việt Nam chắc chắn sẽ phục hồi, tuy nhiên ở mức giá nào chưa ai đoán định được.

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều DN thức ăn gia súc có công suất lớn nhưng toàn bộ lượng cám lại bán lẻ bên ngoài thị trường nên sau trận dịch này sẽ buộc phải tự xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn cho chính mình nếu không muốn đóng cửa các nhà máy đã đầu tư xây dựng hàng trăm triệu USD.

Có thể thấy, trước đây ngành nông nghiệp tìm cách để tăng giá lợn thì nay lại bàn cách bình ổn giá, bởi việc giá lợn hơi cao - thấp bất hợp lý và tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra những hệ lụy không thể lường trước, đặc biệt khả năng xâm nhập của thịt lợn nhập khẩu kéo theo nguy cơ dịch bệnh, nhất là DTLCP rất đáng lo ngại. Ðặc biệt sau khủng hoảng, đây cũng là cơ hội cho các DN lớn bởi họ đang nắm giữ trong tay đàn lợn ông bà, tức nắm nguồn tái đàn.

Ðể ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, giải pháp được ngành chăn nuôi đặt ra là tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðây được xem là giải pháp quan trọng, vừa hạ giá thành, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lại vừa chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm.

Với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có hoặc quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày và lan sang những hộ chăn nuôi lớn.