Để đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sớm về đích

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (TL-MT) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, muốn về đích đúng như kế hoạch vào tháng 4-2021, chủ đầu tư, nhà thầu còn phải tháo gỡ nhiều khó khăn không chỉ về nguồn vốn.

Hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương huy động máy móc, thiết bị, nhân công... bảo đảm tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra.
Hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương huy động máy móc, thiết bị, nhân công... bảo đảm tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra.

"Ba cùng" thúc tiến độ

Trong chuyến kiểm tra, thị sát việc thi công dự án đường cao tốc TL-MT, hồi cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các nhà đầu tư, các đơn vị thi công phải tập trung tối đa nguồn lực, huy động nhân công, thiết bị triển khai dự án đúng tiến độ thông tuyến vào tháng 12-2020 và khánh thành, thông xe vào dịp 30-4- 2021.

Sau gần một tháng, giữa những ngày nắng nóng cuối tháng 10, chúng tôi trở lại dự án đường cao tốc TL - MT tại địa bàn xã Phú Nhuận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, không khí thi công trên công trường hết sức nhộn nhịp. Từ trên cao có thể quan sát thấy, hình hài tuyến cao tốc đang dần được hình thành.

Tính đến nay, riêng hai gói thầu XL13, XL17, các chuyên viên tư vấn quản lý tại công trình đánh giá tiến độ thi công đã vượt kế hoạch đề ra. Các nhà thầu đang nỗ lực thu xếp vốn duy trì tiến độ thi công, thường xuyên giám sát, bảo đảm chất lượng, nguồn vật liệu sắt thép, cốt trụ, bê-tông...

Anh Nguyễn Văn Cường, Trưởng nhóm 2, phụ trách bảy gói thi công cầu thuộc Ban Quản lý dự án dự án (BQLDA) TL - MT cho biết: Trước đây, các dự án thi công cầm chừng do thiếu vốn, nhưng thời điểm này trên công trường có khoảng 300 công nhân, kỹ thuật đang làm việc ba ca với khối lượng xây dựng cầu đạt khoảng 45% kế hoạch. Mỗi ngày các nhà thầu huy động ba ca làm việc để đẩy nhanh tiến độ. "Bây giờ, chúng tôi chỉ mong nguồn vốn được bổ sung kịp thời để tiếp tục thi công liên tục, không bị ngắt quãng tiến độ", anh Cường phấn khởi chia sẻ.

Cũng liên quan nỗi lo về vốn, ông Mai Mạnh Hồng, Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: Cho đến nay, dự án vẫn được duy trì bảo đảm tiến độ, mặc dù chúng tôi vẫn chưa biết thời điểm nào nguồn vốn được giải ngân. Tuy nhiên, trên cơ sở tiến độ thi công điều chỉnh (gắn liền việc dự kiến có vốn ngân sách Nhà nước trong tháng 11-2019) của từng gói thầu, các nhà thầu sẽ lập lại tiến độ và kế hoạch thi công làm ba ca để đẩy nhanh tiến độ, và sớm về đích đúng hẹn.

Mới đây, ngày 21-10, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đi kiểm tra tiến độ tại gói thầu số 17 và 19 trên địa bàn huyện Cái Bè. Tại đây ông Lê Văn Hưởng đã yêu cầu nhà thầu huy động thêm phương tiện, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng và cũng thông báo, ngay trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ bố trí lãnh đạo hằng tuần xuống "ba cùng" với chủ đầu tư để kiểm tra, giám sát công tác thi công trên hiện trường dự án.

Tháo gỡ nút thắt vốn

Thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa ký ban hành Nghị quyết số 791/NQ-UBTVQH14 ngày 18-10-2019, về việc bổ sung dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2018 và phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018, trong đó bổ sung vốn đầu tư phát triển năm 2019: 11.973,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án, nhiệm vụ quan trọng theo quyết định của cấp có thẩm quyền... đã được ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HÐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thông báo ngay trên công trường như tạo thêm động lực giúp các nhà thầu cùng hơn 300 cán bộ, công nhân vui mừng, phấn khởi.

Tuy nhiên, ông Hồ Minh Hoàng cũng nghiêm khắc yêu cầu BQLDA, các nhà thầu, tư vấn giám sát phải bảo đảm kiểm soát chất lượng, đặc biệt tập trung huy động tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực; tăng mũi thi công đồng thời trên toàn dự án, gói thầu và tổ chức thi công ba ca/ngày... "Ngoài việc lo giải ngân nguồn vốn, thì chủ đầu tư sẽ đồng hành mưa - nắng với các nhà thầu kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng hằng ngày. Trường hợp nhà thầu nào chậm tiến độ, sau một đến hai lần nhắc nhở không thực hiện đúng tiến độ, chất lượng thì ngay lập tức sẽ thay nhà thầu khác để quyết tâm bảo đảm tiến độ đề ra", ông Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện nay chủ đầu tư quán triệt các nhà thầu không chỉ chú trọng đến công tác giám sát tiến độ, mà còn cần bảo đảm chất lượng thi công của công trình. Chủ đầu tư đã thuê tư vấn kiểm định độc lập để kiểm tra đánh giá chất lượng phần khối lượng thi công trước đây để có giải pháp xử lý (nếu có), mặt khác thuê tư vấn quan trắc trên toàn tuyến để bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học trong quá trình thi công, nhất là khi toàn tuyến công trình đều nằm trên vùng đất yếu...

Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chuyển dự án về cho UBND tỉnh Tiền Giang và được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 27% khối lượng công trình (tăng hơn 10% so với khối lượng trước đây). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn. Hiện, chủ đầu tư đã giải ngân gần 2.500 tỷ đồng và UBND tỉnh Tiền Giang bỏ ra hơn 173 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bố trí đủ 2.186 tỷ đồng vốn Nhà nước từ nguồn tăng thu Trung ương năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa xác định cụ thể thời điểm giải ngân. Trong khi thủ tục vay vốn tín dụng từ các ngân hàng vẫn chưa hoàn tất!?

Ðể giải quyết vấn đề này, ông Mai Mạnh Hồng kiến nghị: Doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành sớm đẩy nhanh giải quyết thủ tục để giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước 2.186 tỷ đồng đã được phê duyệt. Ðồng thời, chủ đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp cấp cao nhất của doanh nghiệp dự án với ngân hàng đầu mối (VietinBank) nhằm xác định rõ khả năng đáp ứng tín dụng của các ngân hàng, kịp thời hoàn thiện thẩm định phương án tài chính dự án; tháo gỡ các điều kiện giải ngân tín dụng; trên cơ sở đó để hoàn thiện và ký kết hợp đồng tín dụng và thực hiện giải ngân, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án về đích đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.