Cuộc đua ngân hàng số

Dự kiến trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện.

Nhu cầu sử dụng ngân hàng điện tử ngày càng tăng sau thời gian giãn cách xã hội.
Nhu cầu sử dụng ngân hàng điện tử ngày càng tăng sau thời gian giãn cách xã hội.

Kê sao cho bằng?

Xét ở góc độ tích cực, đại dịch Covid-19 đã là chất xúc tác để chúng ta có thể đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động xã hội trên không gian số. Các ngân hàng và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) đã được thúc đẩy mạnh mẽ để nhập cuộc đua triển khai số hóa dịch vụ và thanh toán điện tử.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet đã đạt hơn 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Tuy nhiên, lượng giao dịch như vậy vẫn chưa thấm tháp vào đâu nếu so với quy mô của nền kinh tế.

Đang tồn tại những rào cản nào khiến cho việc thanh toán số khó lòng được mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng tiềm năng, ưa tiện lợi? Đó là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa bảo đảm... Đặc biệt, trong khi các định chế tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để bảo đảm an toàn hệ thống, thì các quy định pháp lý đối với các công ty Fintech ở Việt Nam còn chưa đầy đủ.

Trước thực tế này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, so với cơ sở hạ tầng cứng của nền kinh tế số, nền tảng công nghệ số đã vượt lên trên hạ tầng mềm, hệ thống quy định pháp lý, hệ thống thể chế liên quan đến kinh tế số. Ở đây có sự khập khiễng giữa nền tảng về công nghệ số với nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số. Trong khi đó, nền kinh tế số phải được thực hiện dựa vào sự song hành của cả hai nền tảng nói trên để thúc đẩy hệ thống ngân hàng số, bộ phận thanh toán điện tử trong nền kinh tế nước ta.

Xây dựng hệ sinh thái thông minh

Thị trường đang trông đợi nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP sẽ giúp tháo gỡ những rào cản nói trên. Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán NHNN lưu ý, chúng ta mất một vài năm để ra đời một nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2 - 3 tháng lại có một loại hình mới. Liệu rằng, chính sách có đuổi kịp được sự phát triển của thực tế không?

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Tiến Dũng nêu quan điểm, cần phải thay đổi cách thức xây dựng luật, chẳng hạn như cho phép những mô hình đổi mới sáng tạo với những thứ chưa có cơ sở pháp lý, thí dụ như thời gian qua có sự xuất hiện của dịch vụ dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money)...

Nhìn chung, muốn thúc đẩy kinh tế số, chính sách phải được thiết kế để các ngân hàng có thể đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của mình một cách nhanh nhất. Chẳng hạn, với mùa dịch Covid-19 vừa qua, NHNN đã “bật đèn xanh” bằng việc đưa ra quy định về mở tài khoản bằng phương pháp xác nhận điện tử, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản.

Tiếp nữa, là làm sao để khách hàng có được sự thỏa mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp. Điều đó đòi hỏi phải có quy định khuyến khích kết nối hệ thống như kết nối với hệ thống dịch vụ công, đóng tiền điện, hay thậm chí kết nối mobile banking với dịch vụ đi chợ...

Một ngân hàng truyền thống xử lý hồ sơ tín dụng cho các DN mất khoảng một tuần, trong khi đó ngân hàng số có thể giải ngân cho DN chỉ sau khoảng hai giờ bằng cách số hóa toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng. Vậy nên, xây dựng ngân hàng số và hệ sinh thái thông minh như cách mà ngành điện lực đang làm trong việc tạo dựng hệ thống kết nối với ngân hàng để khách hàng thực hiện giao dịch… là điều cần được thúc đẩy, ông Dũng nói.

Trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác - ngân hàng - Fintech. Hiện có tới 81% số tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác này. Để chính sách phổ quát được đến các mô hình thanh toán số mới mẻ, tới đây, NHNN sẽ xây dựng, ban hành Chương trình Hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Trong đó, có Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC); thí điểm dùng mobile money...

Nói gì thì nói, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện. Theo đó, triển khai các nội dung liên quan phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng - Fintech, ứng dụng công nghệ thông tin trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện; đồng thời cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.

Không còn nhiều thời gian để đạt được mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% vào năm 2025 như tinh thần của Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra. Tuy nhiên, “dục tốc bất đạt”, trong điều kiện yếu tố hạ tầng công nghệ của chúng ta còn yếu; hoạt động lừa đảo, gian lận rất khó kiểm soát được, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, thà chậm mà chắc.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, chúng ta cần tập trung vào bốn nội dung: nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt; xác định được tổ chức, cá nhân được quyền cung ứng các dịch vụ trung gian về thanh toán; tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng, đặc biệt là vấn đề bảo mật.