Cuộc đua điện mặt trời

Thị trường điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) đang đứng trước cơ hội phát triển rộng mở hơn bao giờ hết khi cùng lúc mang lại nguồn lợi cho nhiều phía. Tuy nhiên, lộ trình để những tấm pin trở thành nguồn điện không đơn giản.

Kể từ khi được hỗ trợ lắp hệ thống điện mặt trời áp mái trị giá 120 triệu đồng, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em đường phố TP Đông Hà (Quảng Trị) tiết kiệm được trung bình hơn 2 triệu đồng tiền điện/tháng. Ả
Kể từ khi được hỗ trợ lắp hệ thống điện mặt trời áp mái trị giá 120 triệu đồng, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em đường phố TP Đông Hà (Quảng Trị) tiết kiệm được trung bình hơn 2 triệu đồng tiền điện/tháng. Ả

Đối với ngành điện, ĐMTAM là giải pháp giúp giảm áp lực về bảo đảm cung ứng điện. Về phía khách hàng, giúp giảm đáng kể chi phí cho điện, nhất là khi giá điện đã được điều chỉnh tăng lên từ ngày 20-3 vừa qua. Với các doanh nghiệp cung ứng giải pháp ĐMTAM, cuộc đua lợi nhuận có thể thấy rõ khi giá thành đang được rút xuống đáng kể.

Từ tuyên truyền đến thực tế

Đã vài năm trở lại đây, ĐMTAM luôn được ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền. Đặc biệt, trong gói giải pháp đồng bộ cho cung ứng điện mùa khô và các giải pháp tiết kiệm điện của năm, nội dung này đã được các Tổng công ty Điện lực chỉ đạo xuống đến các công ty điện lực địa phương phải thực hiện với định mức cụ thể. Ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, năm 2019, Tổng công ty sẽ triển khai đầu tư nguồn điện mặt trời tại Côn Đảo (1,5 MWp) và Phú Quý (1 MWp), đi đôi với đó là hoàn thành lắp đặt 13 MWp ĐMTAM tại các đơn vị điện lực và trạm biến áp trước ngày 30-6-2019. Đối với ĐMTAM của khách hàng, EVNSPC xây dựng kế hoạch, hoàn thành chỉ tiêu lắp đặt 95 MWp đến hết ngày 31-12-2019.

Tìm hiểu ở Cần Thơ, một điểm nóng trong phát triển phụ tải, Phó Giám đốc Điện lực Cần Thơ Trần Vĩ Đức cho biết, tính đến cuối tháng 2 vừa qua, trên địa bàn thành phố và các đơn vị trực thuộc đã có hơn 80 khách hàng bao gồm cả doanh nghiệp (DN), cá nhân, tổ chức lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất gần 1 MWp. Điều khiến ông Đức tự tin với kế hoạch được giao chính là Điện lực Cần Thơ đã thực hiện đấu nối, lắp đặt công-tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công-tơ và sản lượng điện năng giao nhận với số khách hàng trên. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc nhân rộng mô hình đến đông đảo khách hàng còn đang chần chừ trước lựa chọn có đầu tư ĐMTAM hay không.

Làm việc ở An Giang, một địa phương cũng có tiềm năng phát triển ĐMTAM, Phó Giám đốc Điện lực An Giang Nguyễn Đông Hồ đưa ra kế hoạch, năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ có hơn 3.350 kWp từ nguồn khách hàng sử dụng ĐMTAM. Ông Hồ đánh giá, việc tuyên truyền, vận động khách hàng đang tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Để thuyết phục được khách hàng, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) nhanh nhạy đưa ra nhiều giải pháp như lập chuyên mục hỗ trợ khách hàng phát triển ĐMTAM trên web chăm sóc khách hàng đi trực tiếp vào các nội dung cụ thể như: chính sách, chủ trương của Chính phủ, của EVN; phân tích lợi ích khi lắp đặt; Lưu đồ hướng dẫn trình tự thủ tục mua bán điện và hòa lưới; Đề xuất cấu hình ĐMTAM phù hợp với nhu cầu khách hàng; Tra cứu thông tin hệ thống ĐMTAM và sản lượng điện phát, số tiền được thanh toán cho lượng điện phát dư trên lưới… Các công ty điện lực cũng tiến hành thống kê khách hàng có sản lượng hơn 400kWh/tháng, khách hàng kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp để có chính sách vận động cụ thể. Công tác ban hành quy trình về hòa lưới, xây dựng hợp đồng mua bán, thanh toán… đã được thực hiện nhanh chóng, chi tiết đến cho khách hàng. Có thể nói, chính sự minh bạch trong vận hành, lợi ích có thể đong đếm được đã trở thành “công cụ truyền thông” hữu hiệu nhất giúp cho tỷ lệ khách hàng dùng ĐMTAM đang được nâng lên.

Hướng đến hộ sử dụng điện

Đây chính là phân khúc mà các nhà cung ứng ĐMTAM hướng đến. Bởi theo tính toán chuyên môn, kể từ ngày 20-3 vừa qua, khi giá điện đã tăng thêm trung bình 8,36%, nhu cầu tìm đến giải pháp ĐMTAM để chủ động, tiết kiệm sẽ cao hơn. Ước tính, nếu một hộ gia đình đầu tư hệ thống điện mặt trời vào khoảng 3kWp, đã có thể giúp gia đình tiết kiệm được một nửa chi phí tiền điện cũng như giảm tiêu thụ lượng điện từ mạng lưới điện quốc gia.

Câu hỏi đặt ra, các hộ sử dụng điện có dễ tiếp cận với ĐMTAM hay không? Hiện nay, chi phí lắp đặt trọn gói cho hệ thống ĐMTAM của SolarGates vào khoảng 20 triệu đồng/kWp. Mức này hiện nay đã giảm nhiều so thời điểm mới triển khai ĐMTAM, nhưng nó vẫn là cao so mặt bằng chung của các hộ sử dụng điện. Vì thế, bản thân đại diện của DN chiếm đến 45% thị phần nội địa nói trên cũng cho biết, đang đặt mục tiêu kéo giảm mức chi phí xuống thấp nữa vào giữa năm nay nhờ vào những giải pháp tích hợp.

Được biết, hiện nay trên thị trường có hàng trăm DN tham gia cung cấp gói giải pháp lắp đặt ĐMTAM, nhưng chủ yếu chỉ là phân phối, thương mại, có rất ít DN đầu tư vào sản xuất tấm pin cũng như xây dựng được thương hiệu riêng. Nếu số lượng DN đầu tư cho sản xuất tăng lên, giá thành sẽ giảm xuống hơn nữa, khi đó thị trường hàng triệu hộ gia đình có thể mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ đối với các công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời.

Một vấn đề nữa, sự đa dạng về nguồn cung tấm pin trên thị trường, phần lớn là nhập khẩu cũng khiến cho việc kiểm soát chất lượng pin, chất lượng dịch vụ gặp khó khăn. Đã xuất hiện những vụ việc cạnh tranh không lành mạnh khi có những đầu mối nhập khẩu chỉ chú ý về giá mà bỏ qua chất lượng hàng nhập khẩu… Điều này sẽ tạo nên những hệ lụy khó lường trong vận hành và xử lý rác thải pin năng lượng mặt trời sau này. Chúng ta không thể thúc đẩy ồ ạt triển khai mà quên đi bài toán môi trường.

Cuối tháng tư này, dự kiến mẫu hợp đồng chính thức mua bán điện giữa khách hàng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được đưa ra. Điều này, cùng với việc Chính phủ sớm ban hành các quy định mới về mua bán điện theo hai chiều giao - nhận, thay vì cơ chế bù trừ điện năng như trước vào thực tế, sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc về thanh toán, cách tính giá điện… Thị trường ĐMTAM, nhờ thế, sẽ được kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa, góp phần bảo đảm cung ứng điện và gia tăng cơ cấu nguồn điện thân thiện môi trường trong cơ cấu nguồn nói chung của ngành điện.

Theo dự thảo của Bộ Công thương, sau ngày 30-6 tới đây, thay vì tính điện mặt trời với giá cố định là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.134 đồng/kWh, chưa gồm VAT), EVN sẽ mua điện dựa vào vùng bức xạ (bốn vùng, theo địa lý) và loại dự án (nổi trên mặt nước, mặt đất, tích hợp hệ thống lưu trữ và dự án ĐMTAM). Trong đó, ĐMTAM sẽ có giá cao nhất, từ 1.803 đến 2.486 đồng/kWh.