CSI - Thước đo tăng trưởng bền vững

Dự kiến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ trình Chính phủ Đề án nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) trên nguyên tắc không làm tăng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp (DN). Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nghiên cứu, đề xuất sử dụng bộ chỉ số này trong theo dõi, đánh giá hoạt động của các DN phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương.

CSI - Thước đo tăng trưởng bền vững

CSI - Hành động từ doanh nghiệp

Tại Lễ công bố các DN bền vững 2019, bàn về biểu trưng ngọn lửa trong chữ CSI trên phông chính của sự kiện, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI đã chia sẻ: “Lựa chọn này thể hiện mong muốn, từng DN của chúng ta hãy đổi mới tư duy kinh doanh sang kinh doanh nhân văn, bền vững. Hãy mạnh dạn áp dụng Bộ chỉ số CSI để quản trị DN một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, khi đó ngọn lửa sức sống, tiềm năng, khát vọng bay cao bay xa trong mỗi DN sẽ được thổi bùng mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu đi một cộng đồng DN bền vững. Để xây dựng được cộng đồng này, VCCI đã triển khai nhiều chương trình hành động và đặc biệt là thành lập Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) năm 2010. Cũng với tinh thần đó, rất nhanh chóng sau khi Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được thông qua vào năm 2015, VCCI đã đưa ra Bộ chỉ số CSI và Chương trình đánh giá, công bố DN bền vững vào năm 2016.

Bước sang năm thứ tư triển khai, Chương trình tiếp tục ghi nhận sự tham gia đông đảo của hơn 500 DN từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế. Từ hàng trăm hồ sơ, chọn ra 100 DN xuất sắc nhất, đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững để tuyên dương. Danh hiệu Doanh nghiệp bền vững sẽ là “tấm giấy thông hành” để DN tiếp cận những nhà đầu tư lớn, những khách hàng trung thành và những cơ hội kinh doanh mới.

Ông Võ Tân Thành nhớ lại, ở giai đoạn đầu, có rất nhiều DN đặt câu hỏi: “Chúng tôi rất muốn phát triển bền vững, nhưng trừu tượng quá, không biết cần bắt đầu từ đâu?”. Câu trả lời nằm ở chính với việc đưa ra một bộ công cụ quản trị DN rất khoa học, có thể áp dụng cho mọi loại hình, quy mô DN. Tuy nhiên, đây không phải bộ chỉ số cứng. Mỗi năm, CSI đều được điều chỉnh, cập nhật để không chỉ phù hợp pháp luật Việt Nam, mà còn tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc giảm bớt số lượng tiêu chí đã giúp mở rộng tối đa số DN có thể áp dụng được.

Năm 2019, CSI đã được tinh gọn từ 131 chỉ tiêu xuống còn 98 chỉ tiêu, ở ba lĩnh vực: kinh tế - xã hội - môi trường. DN đã có công cụ tự kiểm tra “sức khỏe” cũng như hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững, hay phát hiện ra những tiềm năng phát triển còn chưa được khai phá hoặc những lỗ hổng quản trị DN cần khắc phục.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ chỉ số CSI được nhắc đến trong cả ba văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây về phát triển bền vững, đó là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20-5-2019, Thông báo kết luận số 358/TB-VPCP ngày 8-10-2019 kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Phát triển bền vững toàn quốc năm 2019 và mới đây nhất là Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11-10-2019 về Phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững Khu vực DN tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. VCCI được Chính phủ yêu cầu xây dựng Đề án nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng DN. Điều này cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ về giá trị của CSI đối với phát triển bền vững DN.

Đồng hành vì “bộ ba chiến lược”

Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, khó lường với nhiều dự báo đầy lo âu về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề,... Trong tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược bao gồm: Hoàn thiện thể chế; Phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm và hành động mạnh mẽ. Một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững được khuyến nghị phải bắt đầu từ cái lõi là tạo dựng đội ngũ những DN bền vững. Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để năm 2030 Việt Nam không chỉ có hơn 2 triệu DN, mà đó còn là những DN thật sự phát triển bền vững?

Để trả lời câu hỏi này, Chính phủ đã khẳng định cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trong khu vực và thế giới để tạo môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển nhanh và bền vững của DN và doanh nhân. Về góc độ DN, cần nhận thức rõ, trách nhiệm phát triển kinh tế phải song hành cùng bảo vệ môi trường, đi kèm đóng góp vào an sinh xã hội quốc gia. Khi phát triển bền vững, tự thân DN đã tạo ra cho riêng mình một lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng, giúp nâng cao vị thế trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế.

Để cộng đồng DN sẽ thật sự trở thành một bánh lái quan trọng của con thuyền đi tới một “thế giới tốt hơn” thông qua “kinh doanh tốt hơn”, không thể thiếu sự vận động tự thân của DN, nhưng điều kiện mang tính quyết định còn ở chính quyết tâm hành động của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành từ các cơ quan truyền thông, người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD, đây chính là một vòng tròn đồng tâm, cùng sát cánh, cùng hành động mạnh mẽ vì một thập niên phát triển bền vững.

Nằm trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững DN và góp phần hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững năm 2019, ngày 26-11 vừa qua, VCCI phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam và Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về DN phát triển bền vững. Hơn 400 đại biểu, đại diện cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao, cơ quan thông tấn báo chí cùng đông đảo các DN phát triển bền vững tiêu biểu trên toàn quốc đã tham dự sự kiện.