Chưa thể giảm bù chéo giá điện

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện việc tăng giá điện. Bên ngoài nghị trường, câu hỏi về giá điện chưa hết nóng. Bộ Công thương đã lên tiếng về việc xem xét lại biểu giá điện bậc thang cho phù hợp đời sống nhân dân.

Công nhân Điện lực Châu Đốc (Công ty Điện lực An Giang) sửa chữa và lắp bóng tiết kiệm điện miễn phí cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Đốc. Ảnh: NGỌC HÀ
Công nhân Điện lực Châu Đốc (Công ty Điện lực An Giang) sửa chữa và lắp bóng tiết kiệm điện miễn phí cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Đốc. Ảnh: NGỌC HÀ

Tại sao mua nhiều lại phải trả giá cao hơn?

Theo kinh nghiệm từ ngành điện các nước đang phát triển, ở thời kỳ đầu, khi thu nhập quốc dân còn thấp, tỷ lệ người nghèo trong xã hội còn cao, nếu đưa giá điện phản ánh đúng quan hệ cung - cầu của thị trường, các nhóm khách hàng nghèo không thể chịu được. Bởi vậy, các nước đang phát triển phải áp dụng biện pháp bù giá giữa các nhóm khách hàng khi xây dựng cơ cấu biểu giá điện. Nước ta cũng không phải là một ngoại lệ. Trong khi thu nhập của dân cư nói chung còn thấp thì việc xây dựng giá điện sao cho tất cả khách hàng đều có thể chấp nhận được là vấn đề chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước còn có chính sách xây dựng một biểu giá điện theo hướng bù giá giữa các nhóm khách hàng.

Vì sao bù chéo được coi là một biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay? Nghiên cứu biểu giá điện từ nhiều năm trước cho thấy, giá bán điện cho khách hàng sinh hoạt nông thôn được giữ không đổi hàng chục năm với giá 360đ/kWh, thấp hơn so với giá bán cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là 500đ/kWh cho 100 kWh đầu tiên. Năm 2017, giá điện bán cho khách hàng sinh hoạt ở bậc thang từ kWh 0-50 là 1.549 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện được công bố là 1.667 đồng. Thực tế, giá này đã được bù giá từ các nhóm khách hàng khác có thu nhập bình quân cao hơn.

Nhìn vào biểu giá điện hiện nay, giá điện được Nhà nước sử dụng như một công cụ điều tiết xã hội, kinh tế vĩ mô: Để khung giá điện thấp cho nhóm sản xuất nhằm kích thích và tạo lợi thế thu hút đầu tư; trợ giá điện sinh hoạt cho nhóm người ít tiền, sử dụng dưới 100 kWh/tháng. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý và bán điện trực tiếp đến khoảng 26,8 triệu khách hàng. Hóa đơn tiền điện tháng 4-2019 cho thấy, nhóm khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 0-50 kWh chiếm 13,97% (bậc thang thứ nhất); nhóm khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 51 kWh - 100 kWh chiếm 17,71% (bậc thang thứ 2) và nhóm khách 101 kWh - 200 kWh (bậc thang thứ 3) chiếm 36,47% tổng số khách hàng sử dụng điện. Như vậy, người ít tiền vẫn chiếm ít nhất 68,15% dân số nước ta. Với hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ tiền điện tương đương 30 kWh (khoảng 49.000 đồng)/hộ/tháng theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Để cân bằng tài chính bảo đảm cho sản xuất kinh doanh điện, nhóm khách hàng tiêu thụ điện sinh hoạt ở mức hơn 200 kWh/tháng sẽ bù chi phí cho những nhóm khách hàng ở bậc thang 1, 2 và 3 nói trên. Điều này thể hiện sự ưu việt trong chính sách của Nhà nước ta, cho thấy rõ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Giá điện sáu bậc thang đã hợp lý?

Nguồn nguyên liệu sản xuất ra điện (dầu mỏ, khí đốt, than, hạt nhân...) là hữu hạn, càng ngày càng có nguy cơ cạn kiệt. Nguồn năng lượng mặt trời, thủy triều và gió tuy không hữu hạn nhưng thiếu ổn định và giá thành cao. Vì vậy, điện là một loại hàng hóa không được khuyến khích sử dụng nhiều.

Ở nhiều các quốc gia trên thế giới, chính sách về giá điện đều xây dựng theo nguyên tắc là dùng càng nhiều điện thì giá càng cao. Cùng với đó là bảy phương pháp tính giá điện sinh hoạt cho khách hàng như sau: Giá cố định cho mỗi kWh tiêu thụ; giá lũy tiến theo lượng kWh tiêu thụ; giá theo thời gian sử dụng trong ngày (giờ thấp điểm, giờ cao điểm...); giá theo nhu cầu sử dụng cao nhất; giá lũy kế theo thời gian sử dụng (kết hợp 2 và 3); giá theo mùa (mùa nóng, mùa lạnh) và giá theo ngày làm việc hay ngày nghỉ (ngày cuối tuần và ngày lễ thường cao hơn).

Các phương pháp tính giá điện trên đều buộc người tiêu dùng phải trả cao hơn khi sử dụng nhiều điện: hoặc trả lũy kế theo số kWh sử dụng, hoặc giá cao vào giờ cao điểm (giờ nhiều người dùng điện), hoặc giá cao vào mùa sử dụng điện nhiều (mùa nóng hoặc mùa lạnh), hoặc giá cao vào ngày cuối tuần, ngày lễ, thậm chí còn hỗn hợp hai loại trên.

Phương pháp tính giá điện cố định (chỉ một mức giá) tuy đơn giản, nhưng không phải là ưu việt. Thực chất là thay vì để giá khởi điểm thấp như phương pháp giá lũy kế (bậc thang), họ để giá cao lên (thường là gấp hai, gấp ba, gấp bốn lần) để tổng số tiền thu được vẫn không ít hơn cách tính giá khác. Theo thống kê thì có đến hơn 70% số các quốc gia tính giá điện cố định (một mức) đang tính giá điện tối thiểu từ 20 cent đến 99 cent (tức từ 4.600 đồng đến 23.000 đồng/kWh), cao hơn Việt Nam từ hai đến 10 lần, những nước còn lại đều là những nước được thiên nhiên ưu đãi về nguồn năng lượng.

Các phương pháp tính giá điện còn lại đều buộc người sử dụng phải trả giá cao hơn khi dùng điện nhiều, hoặc trả cao khi số kWh sử dụng cao, hoặc trả cao vào thời điểm, thời gian mà điện bị thiếu do nhu cầu sử dụng điện của số đông cư dân tăng cao. Phương pháp giá điện lũy kế bậc thang ngoài mục đích hạn chế sử dụng điện, tiết kiệm điện còn đặt mục tiêu ưu đãi cho người nghèo, người có thu nhập thấp bằng cách để 1-2-3 mức giá đầu tiên có giá thấp hơn giá thành, có nghĩa là lấy phần lãi của mức giá cao (của người giàu, người sử dụng nhiều điện) bù cho người nghèo sử dụng điện ít.

Khi xây dựng biểu giá điện, Bộ Công thương và các bộ liên quan đã tính đến mức sống của các nhóm khách hàng: Những hộ tiêu thụ từ 50 kWh/tháng đến 100kWh/tháng thường là hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 30 kWh/tháng, vậy nên họ chỉ phải trả tiền điện cho 20 kWh trong 50 kWh; hộ tiêu thụ đến 200kWh/tháng thường có 2-3 bóng đèn điện, 2-3 quạt máy, 1 ti-vi nhỏ, 1 tủ lạnh nhỏ, 1 máy giặt, 1 nồi cơm điện, có thể có 1 ấm đun nước điện; hộ tiêu thụ đến 300 kWh/tháng có nhiều thiết bị điện hơn chút, khả năng chưa có điều hòa không khí hoặc có nhưng rất hạn chế dùng; hộ tiêu thụ đến 400 kWh/tháng thì đã có đầy đủ các thiết bị sử dụng điện và có điều hòa không khí nhưng dùng có cân nhắc; hộ tiêu thụ đến 500kWh/tháng thì dùng điều hòa thường xuyên.

Như vậy, việc điều chỉnh biểu giá điện tiến tới giảm bù chéo là lộ trình tất yếu, nhưng giảm bù chéo theo lộ trình như thế nào cũng phải được tính toán rất kỹ càng, bởi, điều này đồng nghĩa với việc tăng giá điện với nhóm “cận nghèo” đang chiếm tới 68,15% dân số cả nước.

Trả lời về cách tính giá điện theo sáu bậc thang, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, EVN sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.