Xuất khẩu nông sản thời “bình thường mới”

Chủ động và hơn thế nữa...

Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam như vải thiều Bắc Giang hay nhãn Hưng Yên... liên tục được xuất khẩu thành công ra thị trường nước ngoài. Đây được cho là một điểm sáng trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới chịu nhiều rào cản bởi dịch Covid-19. 

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Ô-xtrây-li-a, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a và Công ty Aus Asia Produce tại quầy bán trái nhãn từ Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN MINH
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Ô-xtrây-li-a, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a và Công ty Aus Asia Produce tại quầy bán trái nhãn từ Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN MINH

Chủ động sẽ gặt hái thành công!

Đây chắc chắn là một nhận định chính xác khi nhìn vào thành công của vải thiều Bắc Giang hay nhãn Hưng Yên, nhãn Hải Dương thời gian qua. Nhờ những hội nghị kết nối trực tuyến thời gian qua, nông sản Việt Nam có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đơn cử, ngay từ tháng 6, thị trường nông sản Việt Nam có dịp “rộn ràng” trước thông tin tỉnh Bắc Giang có thể xuất khẩu 80.000 tấn vải thiều trong năm 2020 mặc cho những tác động của đại dịch. Không chỉ tập trung vào những thị trường quen thuộc như Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Hàn Quốc..., vải thiều Bắc Giang còn nhắm đến các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Xin-ga-po, Trung Đông, Ca-na-đa và thậm chí là quốc gia luôn cạnh tranh vị trí xuất khẩu nông sản hàng đầu Đông - Nam Á với Việt Nam: Thái-lan.

Hơn một tháng sau đó, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang tiếp tục thông báo, tỉnh này đã tiêu thụ được gần 165.000 tấn vải thiều, trong đó thị trường xuất khẩu chiếm đến 47,5%, tức khoảng hơn 78.000 tấn, gần đạt mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, 200 tấn vải thiều của tỉnh này lần đầu tiên có mặt tại Nhật Bản - một thị trường rất “khó tính” của thế giới. Thành công này mở ra nhiều cơ hội cho vải thiều Bắc Giang tiếp cận các “thị trường khó tính” khác. 

Không chỉ có vải thiều, nhãn Việt Nam cũng rất được chú trọng. Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT),tỉnh Hưng Yên, Sơn La cùng một số đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị Giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020” thu hút hơn 70 doanh nghiệp (DN), nhà nhập khẩu nông sản từ tám thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam gồm: Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Mỹ, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Xin-ga-po, Trung Quốc…; giao dịch trực tuyến với hơn 30 nhà vườn, hợp tác xã, DN đến từ tám tỉnh, thành phố của Việt Nam: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La. Có thể nói, đây là một hội nghị trực tuyến thành công khi thu hút lượng lớn DN đa quốc gia tham dự trong thời điểm đại dịch rối ren.

Không chỉ có nhãn Hưng Yên, nhãn Hải Dương cũng có tín hiệu vui khi lần đầu tiên, chín tấn và 16 tấn nhãn của địa phương này lần lượt xuất hiện tại thị trường Ô-xtrây-li-a và Xin-ga-po theo đường biển. Những lô nhãn đầu tiên của tỉnh Hải Dương liên tục xuất đi nhiều quốc gia và sắp tới là thị trường Mỹ là minh chứng khẳng định chất lượng, thương hiệu và sức hút của nhãn Việt Nam trên thị trường. Nhìn rộng hơn, chính là cơ hội gia tăng thị phần, khẳng định thương hiệu của nông sản Việt Nam tại các thị trường “khó tính bậc nhất” - nơi mà khoảng 10 năm trước đây, Việt Nam khó lòng mơ tới.

Vai trò chủ đạo không chỉ ở… Bộ Công thương!

Vải thiều đạt được thành công kể trên, phải kể đến sự chủ động của tỉnh Bắc Giang khi tổ chức thành công Hội nghị tiêu thụ vải thiều Bắc Giang (trực tuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc), một sự chủ động mà theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Bagico thì là “một sáng kiến tuyệt vời”. Bắc Giang cũng khẳng định, năm 2020 là năm đầu tiên tỉnh này chủ động phối hợp Bộ Công thương, Bộ NN và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến quy mô lớn với 63 điểm cầu trên cả nước và bốn điểm cầu ở hai tỉnh Vân Nam, Quảng Châu (Trung Quốc). Nhờ các hoạt động xúc tiến này mà vải thiều Việt Nam đã có “đường ưu tiên” tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai để có mặt tại thị trường Trung Quốc nội địa.

Đã bảy tháng kể từ đầu năm, dịch Covid-19 khiến giao thương quốc tế bị ảnh hưởng. Nhưng với những nỗ lực kể trên, nông sản Việt Nam không hề bị ngưng trệ mà trái lại, vẫn có thể chinh phục nhiều thị trường, cả cũ lẫn mới. Đây không còn là lời khẳng định mang tính “khoa trương” ở thời điểm hiện tại. Sự nỗ lực của Bộ Công thương, đơn cử là Cục Xúc tiến thương mại, đã giúp kết nối thành công đơn vị trong nước và DN nước ngoài. So sánh về ưu điểm của phương thức xúc tiến thương mại qua kênh trực tuyến, giám đốc một DN chuyên ngành chế biến hải sản chia sẻ vui: “Trước khi có dịch Covid-19, bình quân một năm công ty tham dự 5-7 hội chợ chuyên ngành thủy sản tại Mỹ, Bỉ, Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Hàn Quốc… chi phí cũng khá lớn. Giờ “nhờ” Covid-19, Bộ Công thương đã chuyển hướng hỗ trợ kết nối trực tuyến cho DN trong nước với DN nước ngoài “Và tôi thấy cũng khá hiệu quả, có khi hết dịch cũng đề nghị Bộ xem xét duy trì phương thức này”.

Có thể thấy, Bộ Công thương đã có sự thay đổi kịp thời theo trạng thái “bình thường mới” để hỗ trợ DN vượt khó. Nhưng muốn thật sự thành công, không nên/không thể chỉ có con đường duy nhất đó. Việc sát cánh cùng DN không thể chỉ trông chờ vào một đầu mối Bộ Công thương.

Hành động của In-đô-nê-xi-a là một minh chứng cho thấy, kết nối giao thương không chỉ có một con đường duy nhất, cũng không phải bằng những sự kiện lớn, hoành tráng. Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam đã chủ động “đặt hàng” Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) để cùng tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến thúc đẩy giao thương ngành dầu cọ giữa hai quốc gia. Một sự kiện quy mô nhỏ nhưng lại rất thiết thực. Họ nhanh nhạy kết nối với một hiệp hội DN có mạng lưới rộng khắp ba miền là VACOD cũng như lựa chọn Hapro - một DN có hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước để phân phối sản phẩm dầu cọ. Quốc gia Đông - Nam Á này đã rất linh động trong việc thiết lập một mạng lưới kết nối giao thương để đưa một sản phẩm độc đáo tiếp cận một thị trường mới mẻ như Việt Nam. Đây là sự chủ động trong giao thương đáng được ghi nhận và đánh giá cao. Bà Masriati Lita S.Pratama, Tham tán kinh tế In-đô-nê-xi-a khẳng định, các hoạt động xúc tiến thương mại theo mô hình trực tuyến là phương án hiệu quả nhất trong thời điểm này, và Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a sẽ tiếp tục kết nối DN hai nước, tổ chức những buổi thảo luận kinh doanh, sự kiện, hội chợ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm In-đô-nê-xi-a tới người dân và DN Việt Nam.

Có rất nhiều con đường để dẫn đến thành công. Đường để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới cũng vậy. Vấn đề không nằm ở quy mô mà nằm ở hiệu quả của những buổi giao thương kết nối. Trong bối cảnh thị trường luôn khó đoán định như hiện nay, chìa khóa thành công đôi khi không nằm ở những hội nghị kết nối “cấp quốc gia”mà “sự hội tụ” lại đến từ những buổi tọa đàm mang tính khu vực. Thành công của nông sản Việt Nam còn nhờ vào sự chủ động, đặc biệt là sự linh hoạt và nhanh nhạy của cả DN và cơ quan quản lý.