Thị trường chứng khoán Việt Nam

Chờ cơ hội trong năm 2020

Không thể nói 2019 là một năm thắng lợi của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Nhưng dù sao, với những gì đã thể hiện, vẫn có thể chờ đợi những sự khởi sắc trong năm 2020.

Mặc dù biến động mạnh, nhưng dòng chảy của TTCK Việt Nam trong năm 2019 vẫn duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh. Ảnh: HÀ CẦU
Mặc dù biến động mạnh, nhưng dòng chảy của TTCK Việt Nam trong năm 2019 vẫn duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh. Ảnh: HÀ CẦU

Ảm đạm

Nếu nhìn vào biểu đồ giao dịch của chỉ số VN Index năm 2019 (tính đến ngày 17-12-2019, VN Index đóng cửa ở mức 954,03 điểm), với mức tăng nhẹ 6,95% của VN Index so cuối năm 2018 và đặc biệt TTCK tăng mạnh, đưa VN Index bứt phá nhanh tiến về mốc 1.000 điểm trong quý I-2019…, sẽ nhiều ý kiến cho rằng đây là một năm tích lũy của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên trên thực tế, đây là một năm đầy khó khăn của hầu hết các bên tham gia TTCK Việt Nam so các năm 2017, 2018, với những biến động bất thường “lên chậm, xuống nhanh”. Đặc biệt, đối với những phiên giao dịch sự tăng điểm của thị trường chỉ tập trung vào số ít các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VNM, VHM, VCB, MBB, EIB… Trong năm 2019, TTCK đã có chuỗi tăng điểm và vượt qua mốc 1.000 điểm, nhưng từ phiên giao dịch ngày 19-3 mốc 1.000 điểm dần trượt xa để đến tận phiên ngày 30-10 mới tái thiết lập. Để rồi, mốc 1.000 điểm lại bị xuyên thủng ngay trong tháng 11 và hiện tại vẫn dao động quanh mức 960 điểm.

Một điểm khuyết nữa của TTCK năm 2019 đó là sự ảm đạm về thanh khoản: Giá trị giao dịch bình quân/phiên của toàn thị trường cổ phiếu chỉ đạt 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29% so bình quân năm 2018. Trong đó, tại HOSE, giá trị bình quân phiên chỉ đạt 4.808 tỷ đồng/ngày, sụt giảm 28,16% so năm 2018.

Những điểm sáng

Mặc dù TTCK năm 2019 biến động mạnh, nhưng dòng chảy của TTCK Việt Nam trong năm 2019 vẫn duy trì sự tăng trưởng trên nhiều khía cạnh và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, mức vốn hóa thị trường năm 2019 đạt 4.383 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP. Thứ hai, quy mô thị trường tăng. Hiện có 748 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt gần 1.385 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so cuối năm 2018.

Thứ ba, đối với hoạt động huy động vốn, năm 2019 tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 302,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so cùng kỳ năm trước. Thứ tư, TTCK phái sinh sau hơn hai năm đi vào hoạt động đã có mức tăng trưởng vượt bậc so các thị trường trên thế giới. Năm 2019, việc đưa sản phẩm phái sinh Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và chứng quyền có bảo đảm cũng đã góp phần nên sự phát triển cho TTCK nói chung.

Năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã có chuỗi bốn tháng bán ròng liên tiếp từ tháng 8 đến tháng 11, với giá trị khoảng 1.064 tỷ đồng, tương đương mức lũy kế bán ròng bốn tháng gần nhất gần 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, thị trường cũng vẫn duy trì được vị thế mua ròng với giá trị khoảng 7.512 tỷ đồng.

Tiền đề bứt phá

Trong Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 242/QĐ-TTg, năm 2020, các mục tiêu Chính phủ đặt ra cho TTCK bao gồm quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so năm 2017. Đó là những yếu tố tích cực cho TTCK Việt Nam có cơ hội tăng trưởng và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo phân tích của các chuyên gia, sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, của các DN niêm yết sẽ là điểm thu hút để dòng tiền có thể chảy vào thị trường. Năm 2020, dự báo TTCK có nhiều điểm mới như các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mới, khả năng nâng hạng thị trường, hay tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn được thúc đẩy.

Việc HOSE chính thức triển khai ba bộ chỉ số mới, bao gồm chỉ số cổ phiếu kim cương Việt Nam (VN Diamond Index), chỉ số các cổ phiếu dẫn đầu ngành Tài chính Việt Nam (VNFIN Lead) và chỉ số ngành tài chính chọn lọc (VNFIN Select), được nhận định sẽ tạo tiền đề hình thành các quỹ đầu tư chỉ số ETF, thu hút sự chú ý của các nhà ĐTNN vào TTCK Việt Nam, đặc biệt tại các cổ phiếu đã kín “room” khối ngoại.

Năm 2019 không có đợt IPO lớn nào, trong khi danh mục năm 2020 có gần 93 DN cần thực hiện cổ phần hóa theo ba mức giảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ xuống 65%; 50% - 65% và dưới 50%. Nếu các DN như VNPT, Mobifone, Vinachem, Satra, Saigon Tourist, Resco, Ben Thanh Group, Agriseco… thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa 2020, điều đó cũng có thể là tác nhân kích hoạt sự quan tâm và dòng tiền chảy mạnh hơn vào chứng khoán.

Ngoài ra, xu hướng dòng vốn trên toàn cầu cũng đang tích cực hơn với cổ phiếu và thị trường mới nổi, do lãi suất giảm và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ khởi sắc.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Năm 2019, chúng ta giữ được thị trường và VN-Index không biến động lớn, đã là một điểm tích cực, nỗ lực cao của các thành viên thị trường. TTCK bước sang năm 2020 với các nền tảng chính tương đối tốt, bộ khung pháp lý đã đầy đủ, các hoạt động thanh tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan luôn được thông suốt. Điều đó cho phép kỳ vọng năm tới TTCK sẽ tăng trưởng tốt.