Giải ngân vốn đầu tư công

Chìa khóa trong tay người đứng đầu

Giờ là lúc tìm cách vượt qua khó khăn, chứ không phải là lúc bàn luận về khó khăn. Giới chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị như vậy khi nói về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cầu Cửa Hội (Nghệ An-Hà Tĩnh), dự án được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công đang được giải ngân để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch. Ảnh: Phạm Biên.
Cầu Cửa Hội (Nghệ An-Hà Tĩnh), dự án được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công đang được giải ngân để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch. Ảnh: Phạm Biên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang làm trưởng đoàn một trong số bảy đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Mục tiêu là phải giải ngân toàn bộ hơn 600 nghìn tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD) còn lại trong kế hoạch năm 2020.

Khó không thể là lý do

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vào tháng 7 này đã yêu cầu, các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định rõ các tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư... Ðiều đáng quan tâm, đó là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên đốc thúc, nhưng tình trạng vẫn chậm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 34,96% kế hoạch (bao gồm cả vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2020).

Với TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là chuyện của năm nay. Nguyên nhân gây chậm trễ của giải ngân vốn đầu tư công có thể tìm thấy trong suốt quá trình triển khai, thực hiện dự án, từ năng lực của chủ đầu tư đến chuẩn bị dự án, chất lượng dự án được chuẩn bị, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai dự án và giải ngân.

"Nhưng trong bối cảnh cơ chế, chính sách chung như vậy, có những địa phương đã vượt qua được rào cản, khắc phục nguyên nhân để làm tốt. Rõ ràng, yếu tố quyết định ở đây là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo địa phương, trực tiếp là những người đứng đầu, trong đó quan trọng nhất là bí thư và chủ tịch tỉnh", ông Cung chia sẻ quan điểm và nhắc đến Quảng Ninh như một thí dụ điển hình.

Thật ra, Quảng Ninh cũng có tên trong danh sách những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công khá thấp, sáu tháng mới đạt khoảng 37% kế hoạch năm. Trên địa bàn tỉnh còn 97 dự án đã được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ trên 24 tháng, trong đó, có 17 dự án đã cơ bản hoàn thành, UBND tỉnh giao cho các địa phương tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thành việc đầu tư để nghiệm thu, bàn giao dự án 31 dự án chậm tiến độ do còn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...

Tuy vậy, ông Cung cho rằng, thời gian qua, khi vốn đầu tư cả công và tư đều bị giảm, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dồn nguồn lực vào dự án trọng điểm nhất, đó là các dự án giao thông kết nối Quảng Ninh với các tỉnh khác và hệ thống giao thông trong tỉnh. Bộ mặt, hạ tầng Quảng Ninh mấy năm vừa rồi thay đổi một cách vượt bậc. "Tôi nhìn thấy trong sự thay đổi đó có sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền vì sự phát triển của địa phương", ông Cung lý giải.

Bài học thực tiễn tốt

Hiện tại, theo giải trình của nhiều bộ, ngành, địa phương, giải phóng mặt bằng là khâu vướng nhất, khó nhất trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công. Tại cuộc họp về xử lý các dự án vướng mắc, chậm tiến độ có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả giải ngân năm 2020 vào cuối tháng 7-2020 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã phải nhắc đến năm dự án giao thông đang triển khai tại Hòa Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Long An có nguy cơ bị điều chuyển vốn, do không đạt mức giải ngân. Lý do chính là các địa phương không thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng đúng thời hạn.

Bình luận về điều này, ông Cung cho rằng, nguyên nhân cốt lõi trong khó khăn giải phóng mặt bằng là không thỏa thuận được với người dân, nghĩa là không tìm kiếm được phương án phù hợp với lợi ích của người dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan.

Mệnh lệnh hành chính trong trường hợp này thường là không giải quyết được, mà cần thỏa thuận, đàm phán, giải thích với người dân. Theo ông Cung, nếu giải thích được cho người dân tin là các dự án đó phục vụ địa phương, vì lợi ích của dân chúng, có những phương án phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của người dân, họ sẽ ủng hộ.

"Theo tôi, những người đi đàm phán là những người được dân tin cậy, dân tin họ nói đi đôi với làm. Cùng với đó, có các cơ quan liên quan, đoàn thể, từ tổ dân phố, chính quyền cấp huyện, xã đến chủ tịch tỉnh, hay nói là cả hệ thống chính trị vào cuộc. Những con người đó phải có những con người tâm huyết, trăn trở với sự phát triển của địa phương, vì có trăn trở mới có sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Hai con người quan trọng nhất là bí thư và chủ tịch tỉnh", ông Cung nói.

Vấn đề mấu chốt, khi chủ tịch, bí thư đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, luôn ra quyết định dựa trên phúc lợi của người dân, vì sự phát triển chung của kinh tế địa phương và triển khai đúng như vậy, thì các cấp sở, ngành, sẽ phải hành động tương tự. Ðiều quan trọng hơn cả, theo ông Cung, cách làm việc này sẽ thu hút được những con người năng động, sáng tạo, đam mê với sự phát triển của kinh tế địa phương.

Sẽ phải có những người đứng ra ngoài

Thật ra, cũng có ý kiến cho rằng, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều địa phương có nguyên nhân từ nhiều cán bộ chọn cách nằm im cho an toàn vì đang chuẩn bị bầu cử. Hệ lụy là rất nhiều dự án đang nằm chờ các chữ ký phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền.

Ông Cung cho rằng, những người chọn cách "nằm im" chắc chắn là những người không đủ tâm huyết, sáng tạo với sự phát triển kinh tế của địa phương. "Lúc này, họ là những người cần phải thay thế vì họ không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta cần có chỗ cho những người năng động, đầy nhiệt huyết với địa phương", ông Cung thẳng thắn.

TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm này. "Ðây là lúc phải tập trung tìm giải pháp vượt qua. Tôi tin rằng, sau khi xử lý được các nút thắt trong giải ngân đầu tư công trong bối cảnh cấp bách, và vượt qua được những rào cản chính sách hiện tại sẽ tạo tiền đề để tìm ra giải pháp cho những vướng mắc, rào trói trong quy định pháp luật mà lâu nay chưa xử lý được", ông Thiên nói.

Khi đó, bài học từ thực tiễn sẽ đem lại cơ sở thực tiễn để thiết lập khung khổ pháp lý mới cho đầu tư công.