Chế tài minh bạch cho dự án BT

Từng được coi là sáng kiến để thu hút nguồn vốn tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng trước những hệ lụy phát sinh từ thực tế, mới đây, Bộ Tài chính đã phải yêu cầu dừng các dự án BT (xây dựng-chuyển giao). Ðể triển khai trở lại phương thức đầu tư này, cần phải có được khung khổ pháp lý chặt chẽ.

Ðường Nguyễn Cơ Thạch được mở rộng thành 8 làn xe từ chân cầu Thủ Thiêm 1 cắt đại lộ Mai Chí Thọ chạy vào giữa Khu đô thị Sala (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: LÊ QUÂN
Ðường Nguyễn Cơ Thạch được mở rộng thành 8 làn xe từ chân cầu Thủ Thiêm 1 cắt đại lộ Mai Chí Thọ chạy vào giữa Khu đô thị Sala (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: LÊ QUÂN

Bài toán "đổi đất lấy hạ tầng"…

Nếu lấy Dinh Ðộc Lập là trung tâm, chỉ mất hơn 10 phút chạy xe ra đại lộ Võ Văn Kiệt, sau đó đi qua đường hầm sông Sài Gòn, bạn sẽ có dịp chứng kiến những con đường đắt nhất Việt Nam: hơn 6500 tỷ đồng đổi lấy 12 cây số đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Số tiền trên không được Nhà nước trả trực tiếp cho Ðại Quang Minh, chủ thầu xây dựng, mà được quy đổi thành số đất khoảng 34ha ở Thủ Thiêm. Ðây chính là thí dụ điển hình cho hình thức "đổi đất lấy hạ tầng" - (hay BT) - vốn phổ biến ở nước ta trong hơn chục năm trở lại đây.

Ðã từng có thời BT được coi là sáng kiến để thu hút nguồn vốn tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng, vốn không mấy hấp dẫn do tỷ suất sinh lời thấp và rủi ro cao. Nhà nước và người dân sẽ có "điện - đường - trường - trạm", trong khi doanh nghiệp có thêm quỹ đất cho những dự án kinh doanh của mình. Như thế, ít nhất về mặt lý thuyết, đây là hình thức "trao đổi" mà tất cả các bên liên quan đều có lợi. Ðây là yêu cầu cần thiết, và cũng không phải là mới: trên thế giới những hình thức hợp tác công - tư tương tự đã từng được áp dụng thành công. Nhiều sân bay lớn trên thế giới được xây dựng và sở hữu tư nhân, những đường cao tốc hiện đại nhất là các công trình BT hoặc BOT có thu phí. Ở Pháp, 8 nghìn trên 11 nghìn km đường cao tốc do tư nhân quản lý, còn con số này ở I-ta-li-a là hơn một nửa. Tại Mỹ, có đến hơn 2.200 cây cầu thuộc sở hữu tư nhân trải dài ở 41 bang.

Nhưng thực tế thì phức tạp hơn như vậy, đặc biệt là ở những nước còn lạ lẫm với hình thức hợp tác công - tư, khung khổ pháp luật chưa đầy đủ, cũng như khả năng giám sát còn yếu như Việt Nam. Những con đường đắt như dát vàng ở Thủ Thiêm chỉ là một thí dụ rất nhỏ trong nhiều dự án BT đang bị đặt câu hỏi.

Ở Hà Nội, hợp đồng BT của Tập đoàn Lã Vọng đang bị thanh tra, khi doanh nghiệp này lấy hơn 13 ha "đất vàng" để thực hiện một số dự án cải tạo môi trường. Tuy vậy, khi chủ đầu tư bắt đầu bán nhà, thì những công trình môi trường đối ứng vẫn còn ngổn ngang sau gần chục năm. Cuộc trao đổi như thế rõ ràng là không công bằng. Trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước 2016 gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5-2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng có bất cập về thời điểm giao đất (để thanh toán dự án BT) và thời điểm giao dự án BT khiến "việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không bảo đảm nguyên tắc ngang giá". Chỉ mới qua kiểm toán 30 dự án BT, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng.

Cơ quan này còn đưa ra một vấn đề đáng lo ngại hơn: Chính Nhà nước là người bỏ ngân sách ra tài trợ cho các dự án, chứ không phải nguồn lực "xã hội hóa" như mong muốn ban đầu. Theo đó, vốn đầu tư của các doanh nghiệp phần lớn là đi vay (khoảng 85%), nhưng lại được tính lãi, với lãi suất tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ. Như thế, về bản chất Nhà nước đã gần như tài trợ toàn bộ các dự án, với mức lãi suất cao hơn mức Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Nói một cách đơn giản, Nhà nước vẫn phải chịu gánh nặng ngân sách để xây hạ tầng, trong khi phải thông qua một bước trung gian là doanh nghiệp với chi phí tăng lên.

… cần giải pháp minh bạch

Việc hoán đổi trực tiếp đất đai, không thông qua đấu thầu hay quá trình định giá chặt chẽ, được quyết định bởi chính quyền địa phương, thật sự là một rủi ro rất lớn về nhiều mặt. Vậy nên, mới đây, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tạm dừng thực hiện sáng kiến này. Yêu cầu trên được thực thi ngay lập tức, cho đến khi "Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT" có hiệu lực thi hành. Ðây là nghị định hiện vẫn đang được các nhà làm chính sách đưa ra thảo luận.

Vấn đề lớn nhất của những dự án "đổi đất lấy hạ tầng" có lẽ là sự minh bạch. Tất cả các dự án BT đều chỉ định thầu, cùng với sự mù mờ về định giá đất đai và tài sản công, giúp cho một số "đại gia" giàu lên nhanh chóng nhờ các hợp đồng BT. Giới tài chính còn lo ngại BT có thể gây "tham nhũng nhị trùng": định giá đất là tham nhũng lần một, việc định giá và quyết toán công trình xây dựng để xác định giá trị sau đó là tham nhũng lần hai, nếu không được giám sát kỹ càng. Ðây là nguy cơ mang tính cố hữu của "đổi đất lấy hạ tầng", rất khó sửa đổi, nên KTNN đã từng đề nghị, chỉ nên thực hiện ở các địa phương mà nhu cầu hạ tầng quá cấp bách, trong khi nguồn ngân sách nhà nước không đủ chi trả. Thế nhưng, nhiều địa phương, kể cả những tỉnh có các nguồn huy động dồi dào từ những phương thức khác như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, vẫn lựa chọn hình thức BT. Chính vì thế, những quy định mới cần đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn về hình thức hợp tác công - tư này, đặc biệt liên quan vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, hình thức giám sát, và thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Những tranh cãi về BT là một lát cắt nhỏ trong một vấn đề lớn hơn: sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân ở nước ta. Khi nền kinh tế thị trường tăng tốc, tất yếu nhà nước sẽ thoái lui nhường chỗ cho các thành phần kinh tế khác. Nhưng sự thoái lui chỉ là về mặt kinh doanh, chứ không phải là quản lý. Tìm đến tư nhân với nguồn lực dồi dào và tính hiệu quả cao để phát triển hạ tầng là cần thiết, thậm chí là tất yếu. Nhưng để tư nhân tham gia hiệu quả thì buộc phải có cơ chế minh bạch, tiêu chí rõ ràng, tính cạnh tranh cao, với quá trình giám sát chặt chẽ và hiệu quả. Không thể lấy cái "tất yếu" này để biện minh cho những hợp đồng BT mù mờ, dự án chỉ định thầu, hay những mảnh đất công bị bán với giá rẻ mạt.