Cẩn trọng với làn sóng M&A

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã đưa ra kiến nghị Thủ tướng xem xét tạm dừng việc mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Coi đây như là một biện pháp bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong nước.

Nhà máy điện mặt trời lớn nhất châu Á được xây dựng tại Tây Ninh, nằm ở phần bán ngập nước hồ Dầu Tiếng với công suất 420 MW.
Nhà máy điện mặt trời lớn nhất châu Á được xây dựng tại Tây Ninh, nằm ở phần bán ngập nước hồ Dầu Tiếng với công suất 420 MW.

Những thương vụ “tạo sóng”

Thông tin Apple đã chính thức sản xuất tai nghe tại Việt Nam thay vì tại Trung Quốc với tỷ lệ lên đến 30% tổng sản lượng toàn cầu từ tháng 4 năm nay được nhìn nhận là một tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Là người gắn bó với lĩnh vực này bấy lâu nay, GS Nguyễn Mại cho rằng, đây là đáp số cho làn sóng dịch chuyển đầu tư rời Trung Quốc mà Việt Nam bắt buộc phải nắm bắt và tăng tốc đón đầu.

Cũng trong khoảng thời gian dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta, đã có dự án điện mặt trời ở Bình Thuận và Phú Yên chính thức rơi vào tay nhà đầu tư Thái-lan. Những thương vụ này khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu không ngăn chặn, cảnh báo kịp thời, các dự án dần bị M&A, sẽ đến một thời điểm, ngành năng lượng mặt trời nằm trong tay nhà đầu tư ngoại lúc nào không hay.

Hiện thị trường cũng ghi nhận nhiều nhà đầu tư Thái-lan đã hoàn tất thương vụ hoặc đang thương thảo những dự án M&A lớn. Gần đây nhất là hợp đồng mới hoàn tất trị giá 240 triệu USD do Tập đoàn Stark Corporation (SCG) chuyên sản xuất dây và cáp điện hàng đầu Thái-lan mua lại Cáp điện Thịnh Phát và Kim loại màu và nhựa Đồng Việt; mới đây, SCG đánh tiếng muốn chi 400 tỷ đồng để mua Công ty Bao bì Biên Hòa.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, tính chung trong bốn tháng đầu năm, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng gần 34%, đạt hơn 3.200 lượt. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh khiến phần lớn các hoạt động kinh tế chững lại. Tuy nhiên, quy mô của dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong bốn tháng lại khá khiêm tốn, với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, giảm 65,3% so cùng kỳ năm 2019, bình quân chỉ 0,77 triệu USD/lượt góp vốn.

Bình luận về những con số nói trên, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình trạng gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa được khắc phục ngay, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhiều DN. “Hiện tượng M&A trong thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ”, bộ trưởng lưu ý.

Tăng cường giám sát

Thực tế, dòng vốn dịch chuyển từ đầu tư mới sang mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu. Cụ thể, vào năm 2018 đã có những ghi nhận chuyển biến rõ rệt. Năm 2019, hình thức M&A ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và tốc độ tăng nhanh. Điều đó cho thấy, sức phát triển của kinh tế nội tại khiến cho các quỹ đầu tư, nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư bằng tiền mặt lúc này nhằm mua cơ hội phát triển trong tương lai.

Mặt tích cực, việc gia tăng thu hút nguồn vốn FDI, sẽ góp phần tạo nên nguồn lực để chúng ta biến “nguy thành cơ”, đưa nền kinh tế hồi phục và bứt phá mạnh mẽ sau dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn cần phải có sự cẩn trọng nhất định bởi thực tế cho thấy, không ít DN trong nước đã không thể cạnh tranh được với các DN ngoại, rơi vào cảnh phải chuyển đổi từ nghiên cứu sản xuất ban đầu thành gia công sản xuất. Có ngành hàng sản xuất dù trong nước đã có đủ tiềm năng, công nghệ để tự đứng ra làm, nhưng không thể cạnh tranh được với DN nước ngoài...

Do vậy, cảnh báo nói trên của Bộ KH-ĐT không chỉ hướng vào đối tượng DN nhỏ, bởi ngay đối với DN nhỏ và vừa, trong thời gian qua đã được nhà đầu tư nước ngoài mua lại nhiều. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam không nên hạn chế M&A nhưng đây là thời điểm Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại các dự án chủ chốt của DN trong nước để bảo vệ một số ngành nhạy cảm. Cũng như, cần có sự giám sát chặt chẽ quá trình mua cổ phần, góp vốn của nhà đầu tư ngoại vào các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, hàng không, năng lượng… Quá trình cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư cần căn cứ vào yếu tố năng lực, công nghệ…

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, với các dự án liên quan tới an ninh quốc gia như năng lượng, tài chính thì một mặt khuyến khích thu hút đầu tư khơi thông vốn, nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, Chính phủ cần lập danh sách lĩnh vực trên, giám sát chặt các thương vụ mua bán, sáp nhập với tỷ lệ khoảng từ 5 - 10%. “Kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài” hiện là lựa chọn của nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ…

Trả lời báo chí, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, Bộ KH-ĐT đã có báo cáo lên Chính phủ về nguy cơ thâu tóm DN nội, sau khi đã kịp thời nghiên cứu, tham khảo các biện pháp mà nước ngoài đang áp dụng để bảo vệ DN nội địa. Bộ cũng làm việc với các bộ, ngành để có những biện pháp cụ thể hạn chế thâu tóm, chuẩn bị nội dung tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Theo ông Hoàng, với những DN hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn, cần phải có sự kiểm soát.

Được biết, trong báo cáo một số nội dung lớn của dự án Luật Đầu tư sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Dự thảo luật cũng đưa ra điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư…

Đã đến lúc, Việt Nam cần có lưới lọc dòng vốn FDI, dẫn vốn vào những ngành sản xuất trong nước còn thiếu cả về công nghệ lẫn nguồn vốn như nông nghiệp công nghệ cao, môi trường…, nhằm thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước. Tạo dựng được sự liên kết, bổ khuyết điểm mạnh giữa DN trong nước và DN FDI sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển thực chất và bền vững.

Dòng vốn FDI tập trung chủ yếu vào các ngành, lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn một tỷ USD, chiếm 40,6% tổng vốn; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy đạt 508,2 triệu USD, chiếm 20,5%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 250,3 triệu USD, chiếm 10,1%; các ngành còn lại đạt 713 triệu USD, chiếm 28,8%.

(Nguồn: Báo cáo của Bộ KH-ĐT)