Cần sớm có gói hỗ trợ tổng thể

Những khó khăn do dịch bệnh mà cộng đồng kinh doanh đang đối mặt được xác định là chưa từng có, nhưng nỗ lực vượt khó để tồn tại của doanh nghiệp (DN) cũng là chưa từng có. Tuy nhiên, để có thể bật dậy, DN đang cần một không gian thể chế, chính sách phù hợp.

Sau thời gian nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19, Quảng Ninh đã bắt đầu cho phép khai thác du lịch hoạt động trở lại. Ảnh: Ngọc Mai
Sau thời gian nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19, Quảng Ninh đã bắt đầu cho phép khai thác du lịch hoạt động trở lại. Ảnh: Ngọc Mai

Nỗ lực bám trụ thị trường

Sẽ không có gì ngạc nhiên, nếu như những ý kiến DN gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN, diễn ra dưới hình thức hội nghị trực tuyến vào ngày 9-5, tại Hà Nội, là nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Bức tranh kinh tế tháng 4 và bốn tháng mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đã giải thích lý do. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp bốn tháng chỉ tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%. Vận tải hành khách giảm 27,5% về lượt khách so cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải trong nước giảm 27,4%; vận tải ngoài nước giảm 52,4%...

Bốn tháng đầu năm nay, cả nước có 37,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so cùng kỳ năm trước, nhưng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22,7 nghìn DN, tăng 33,6%.

Đặc biệt, danh sách những DN báo lỗ quý I-2020 liên tục tăng, trong đó có nhiều DN lớn. Vietjet lần đầu ghi nhận lỗ trong quý kể từ khi niêm yết, với mức 989 tỷ đồng. Vietravel cũng báo lỗ 41,5 tỷ đồng, con số lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây và là quý lỗ thứ hai liên tiếp của DN này. Tập đoàn FLC cũng báo lỗ kỷ lục gần 1.900 tỷ đồng…

Nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh DN mà các hiệp hội DN muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

“Phần lớn các DN muốn nhấn mạnh rằng, những khó khăn trong duy trì sản xuất, kinh doanh, bên cạnh nhiều hệ lụy về kinh tế, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến duy trì việc làm, ổn định thu nhập và đời sống cho người lao động. Nhiều DN coi đây là mối lo lớn nhất, khi họ đã cố gắng tìm cách khắc phục, nhưng có thể sẽ không trụ được lâu nếu không có sự hỗ trợ kịp thời”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) lý giải khi các đề xuất liên quan đến hỗ trợ DN giữ chân lao động chiếm khá dày trong báo cáo của VCCI tại Hội nghị.

Cũng theo báo cáo này, gần 75% số DN cho biết đã ban hành chính sách, quy định để ứng phó tác động của đại dịch Covid-19, trong đó, cao nhất là các DN FDI với tỷ lệ 85%, tiếp đến là các DN tư nhân và DN nhà nước với tỷ lệ hơn 70%. Các giải pháp sử dụng lao động cũng đã được các DN kịp thời đề ra, trong đó hơn 60% số DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt thời gian cho một bộ phận lao động; 47% số DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm; 41% số DN tổ chức cho người lao động làm việc tại nhà; gần 40% số DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân viên.

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN đã tích cực tìm kiếm và triển khai nhiều giải pháp khác nhau để vượt qua khủng khoảng. Nhiều DN dệt - may Việt Nam đã “biến nguy thành cơ”, chủ động sản xuất khẩu trang vải với nhiều chủng loại hay như Tập đoàn Sen Đỏ không thu phí bán hàng trên trang Sendo.vn đối với nông sản, thực phẩm để đẩy mạnh thương mại điện tử và chung tay với DN trong giai đoạn khó khăn…

Có tới 55% số DN đã xây dựng đội ngũ về xử lý khủng hoảng, một lĩnh vực khá mới mẻ đối với các DN Việt Nam để đối phó tác động tiêu cực của dịch bệnh…

Đón đầu một trật tự kinh tế mới

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV- thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), mong muốn lớn nhất của các DN là có ngay được các cơ chế, chính sách giúp cho DN giữ được dòng vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và duy trì việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ và không thể nào khắc phục.

“Song song với chống dịch, mặt trận chống suy thoái DN, chống mất việc làm cũng rất cấp bách. Trên các mặt trận này, DN cần sự hậu thuẫn của chính sách, thể chế, để bước sang giai đoạn bình thường mới mà đại dịch Covid-19 đã tạo ra trên toàn cầu”, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV nói.

Thậm chí, ông Bình đề xuất xây dựng một chiến lược bài bản cùng các chính sách đón đầu một trật tự kinh tế mới sau dịch, để nền kinh tế Việt Nam có sức bật và cạnh tranh mạnh mẽ, xác lập được vị thế mới trong khu vực và trên thế giới.

Dịch Covid-19 cho thấy nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu đối với các DN Việt Nam là rất lớn do thị trường nguyên vật liệu của Việt Nam dựa chủ yếu vào Trung Quốc, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Vì vậy, các DN cần thực hiện đa dạng hóa thị trường cung ứng và xuất khẩu thông qua việc tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ một số quốc gia vào Việt Nam chắc chắn sẽ tạo nên những cơ hội mới. Chẳng hạn Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.

Đây là cơ hội rất tốt cho các DN Việt Nam để có thể hợp tác đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao. “Vấn đề lúc này là bảo đảm khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh, ở cả góc độ thị trường, thủ tục. Nếu các dự án vẫn phải mất tới vài năm để chuẩn bị các thủ tục. Nếu các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn phải đối mặt với những trục trặc trong điều hành… thì DN sẽ rất khó phục hồi, chưa nói đến trở lại tốc độ tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh và thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu…”, ông Lộc nói.

Lúc này, điều DN trông ngóng là một chương trình hành động của Chính phủ triển khai các nhiệm vụ liên quan các giải pháp tổng thể hỗ trợ sự phát triển của DN. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ phải được hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16-5-2020.