Cần đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng

Sau hơn một năm thực hiện đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2017, bức tranh của ngành ngân hàng đã có sự khởi sắc. Song tiến độ đang có dấu hiệu chậm lại vì xuất hiện những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ.

Sức khỏe ngân hàng cải thiện rõ rệt

Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy, đến cuối tháng 5-2018, tổng tài sản của hệ thống đã vượt 10,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) của toàn hệ thống đạt 12,14% - vượt xa mức 9% theo quy định hiện hành của NHNN. Khả năng sinh lời của các NHTM đã cải hiện đáng kể. ROA (tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản) ở mức 0,25; ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn tự có) đạt 3,35%. Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng (NH) cho thấy, việc vượt mục tiêu về lợi nhuận năm 2018 đã nằm trong tầm tay. Thậm chí có NH được dự báo sẽ đạt mức lợi nhuận lịch sử trong năm nay với mức tăng trưởng từ 20% đến 30% so với năm 2017.

Ðặc biệt, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh. Theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, nợ xấu (bao gồm tổng nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC,và nợ cơ cấu lại trên tổng dư nợ) đã giảm từ mức 7,4% cuối năm 2017 về mức 6,7% thời điểm tháng 6-2018. Ðiểm sáng đáng chú ý là những năm gần đây thanh khoản của hệ thống NH được giữ vững. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá: Chưa có giai đoạn nào mà thanh khoản NH vững như vài năm trở lại đây. Ðiều này cho thấy, các NH có kinh nghiệm quản lý thanh khoản, và cách thức điều hành thanh khoản của NHNN đã thành công hơn…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN sẽ triển khai thực hiện phương án xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt là ba NHTM mua lại và các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém. NHNN kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu cổ phiếu dẫn tới chi phối NH của cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các TCTD cổ phần theo lộ trình thích hợp. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường…

Có thực mới vực được đạo

Thực tế cho thấy, tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các TCTD đang chậm lại bởi những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Ðiểm nghẽn thứ nhất: Trong khi tài sản của các NHTMCP không ngừng được cải thiện (tăng 4,17% so cuối năm 2017) thì khối NHTM nhà nước, vốn đang nắm giữ 45% tổng tài sản của toàn hệ thống TCTD, lại chỉ nhúc nhích tăng 1,84%. Thời điểm tháng 5-2018 vốn tự có của nhóm NHTM nhà nước giảm về mức 232.472 tỷ đồng, trong khi nhóm NHTMCP tiếp tục tăng, đạt 315.340 tỷ đồng.

Những năm gần đây các NHTM nhà nước đã liên tục đề xuất Chính phủ cho phép giữ lại phần cổ tức thuộc sở hữu nhà nước để tăng vốn nhưng chưa được phê duyệt. Ngày 25-11 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trực tiếp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phép các NHTM nhà nước không chia cổ tức bằng tiền mặt mà giữ lại để tăng vốn nhằm đủ nguồn lực đầu tư cho các dự án quốc gia quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tăng vốn điều lệ của các NHTM nhà nước rất quan trọng, vì một đồng vốn (vốn điều lệ - PV) có thể tạo ra nhiều đồng vốn. Do đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng nghiên cứu, sớm trình Chính phủ xem xét vấn đề này.

"Có thực mới vực được đạo", nếu không tăng được vốn điều lệ, CAR của các NH này sẽ giảm về dưới 8% và họ sẽ không thể tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, là công cụ để NHNN điều tiết thị trường. Các chuyên gia đề xuất, ngoài phương án giữ lại cổ tức, có thể nới room ngoại tại các NHTM nhà nước. Ngày 26-11, tại buổi tiếp Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN khuyến khích Sumitomo Mitsui, với kinh nghiệm và tiềm lực của mình tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu của ngành NH Việt Nam.

Ðiểm nghẽn thứ hai: Tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với trước đây nhưng bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Bởi trong khi nợ xấu cũ chưa được xử lý dứt điểm thì nợ xấu mới lại phát sinh do quy mô tín dụng được mở rộng trong hai năm gần đây. Nếu tín dụng tiếp tục tăng, nhất là vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản thì e rằng, tới đây nợ xấu sẽ tăng cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối. "Bóng ma" nợ xấu vẫn còn đe dọa trong khi vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dần mờ nhạt. Nhiều NHTM như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VIB, và Vietinbank đã quyết định mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý. Trong khi đó, xây dựng trung tâm mua bán nợ của VAMC hiện vẫn dừng ở mức ý tưởng, đề xuất.

Vấn đề thứ ba là tình trạng sở hữu chéo, "sân sau" chưa được xử lý dứt điểm. Theo Luật các TCTD, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HÐTV), Tổng giám đốc của một TCTD không được đồng thời là Chủ tịch, thành viên HÐQT; Chủ tịch, thành viên HÐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của bất kỳ một doanh nghiệp khác. Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc cũng không được là thành viên HÐQT hay Ban kiểm soát của NH khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của NH. Một số đại gia đã buộc phải lựa chọn NH hay doanh nghiệp. Thực tế, dù đã rút khỏi vị trí lãnh đạo tại NH, nhưng các nhân vật này vẫn có mối quan hệ khăng khít, quyền lực với NH mà họ đã từ nhiệm. Ðó là điều quy định tưởng chặt mà vẫn có kẽ hở cần phải được nhận diện và có ba phương thức xử lý hiệu quả.

Hiện NHNN đã phê duyệt phương án tái cơ cấu của 54 TCTD, trong đó có ba NHTM nhà nước; 20 NHTMCP; 12 công ty tài chính; 10 TCTD nước ngoài; tám công ty cho thuê tài chính… NHNN đã có văn bản yêu cầu GPBank và VPBank hoàn thiện phương án chuyển nhượng. OCB cũng đã có phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài.