Cách mạng số - việc không của riêng ai

Cách mạng số được ví von như một cơn bão mà nếu các doanh nghiệp, tổ chức không sẵn sàng và chủ động đối phó thì sẽ bị nó cuốn đi. Thay vì chờ bão đến, nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam đã chủ động tiếp cận và sẵn sàng vươn mình trong cuộc cách mạng số.

Lần đầu tiên người dân được trải nghiệm thành phố tương lai khi tham quan Trạm không gian thực tế ảo tại lễ kỷ niệm FPT 30 năm.
Lần đầu tiên người dân được trải nghiệm thành phố tương lai khi tham quan Trạm không gian thực tế ảo tại lễ kỷ niệm FPT 30 năm.

Chủ động nhập cuộc

Năm 2018 ghi nhận nhiều bước tiến mới của các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam trong cuộc cách mạng số. Những cái tên như FPT, Viettel, Vingroup… là những từ khóa được hiển thị đầu tiên khi tìm kiếm về doanh nghiệp 4.0.

Ðánh dấu tuổi 30 vào năm 2018, tại sự kiện kỷ niệm của FPT, lần đầu cộng đồng Việt Nam được trải nghiệm thành phố tương lai ngay trong tầm mắt khi bước vào Trạm không gian thực tế ảo. Khi bước vào không gian này, với sự hướng dẫn của Trợ lý ảo được phát triển từ nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, khách tham quan được du hành qua những không gian khác nhau từ lên rừng, đến xuống biển, rồi bước qua cánh cửa tương lai để đến Thành phố Trí tuệ nhân tạo với sự góp mặt của những công nghệ hiện đại phục vụ đời sống đang được FPT nghiên cứu phát triển như robot giao hàng, xe tự hành, y tế thông minh, giao thông thông minh, chính phủ số với thông tin kết nối thông suốt từ chính phủ, bộ, ban, ngành tới từng doanh nghiệp và người dân. Không chờ cách mạng số gõ cửa, ngày tròn 30 tuổi, FPT chủ động tuyên bố sứ mệnh của mình là trở thành một trong những tập đoàn tiên phong về chuyển đổi số.

Một tên tuổi lớn khác là Viettel cũng đã nhanh chóng có những tuyên bố táo bạo trong cuộc chơi số. Cũng trong năm vừa qua, nhân dịp có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Viettel đã công bố chiến lược giai đoạn mới, xác định đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0, với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, tập trung vào nhiều dự án 4.0. Trong đó, tập trung vào các dự án 4.0 về Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh… từ cấp trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.

Thú vị là, ngay cả một tập đoàn xưa nay vốn không liên quan gì nhiều đến công nghệ như Vingroup cũng đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Không chỉ có các ông lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhanh chóng bắt sóng, chủ động nhập cuộc và có nhiều sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ 4.0. Sự nhập cuộc này như một lời khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang hoặc nổi trội hơn các công ty nước ngoài về công nghệ.

Quả ngọt từ những nút chạm

Công nghệ xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ y tế, giáo dục, giao thông, chính quyền điện tử… tạo nên sự biến đổi về chất trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tại tỉnh Quảng Ninh, nhờ áp dụng hệ thống chính quyền điện tử, so với trước đây, số giờ đi lại để làm thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đã giảm 40%. Và Quảng Ninh cũng đã tiết kiệm 70 tỷ đồng chi phí xã hội.

Trong y tế, việc ứng dụng Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital giúp lãnh đạo bệnh viện quản lý toàn bộ hoạt động với các số liệu trực tuyến theo thời gian thực, hỗ trợ bác sĩ khám chữa bệnh từ xa, giúp bệnh nhân giảm thời gian đăng ký khám chữa bệnh (trung bình từ 4 phút xuống dưới 1 phút, đặc biệt với bệnh nhân đã từng khám tại bệnh viện thì thời gian tiếp nhận chỉ còn 15 giây)… Nhờ ứng dụng hệ thống công nghệ này, tình trạng chờ đợi, ách tắc tại các bệnh viện như Bạch Mai, Hữu Nghị, Ða khoa Vinh… đã được giảm đi rất nhiều.

Trong giáo dục, việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn đang giúp cá nhân hóa việc học và kiểm tra đến từng học sinh. Ðơn cử như khi tham gia cuộc thi Violympic, dựa vào các bài tập và kết quả của học sinh, hệ thống sẽ tự động đánh giá điểm mạnh hoặc điểm yếu về kiến thức của học sinh đó và đưa ra gợi ý cải thiện. Ðiều này giúp học sinh có một tiến trình học phù hợp, hỗ trợ khắc phục điểm yếu và phát huy điểm mạnh tốt nhất.

Trong lĩnh vực giao thông, tại TP Hồ Chí Minh, người dân đã có thể chọn cho mình cách thức di chuyển phù hợp trong các giờ cao điểm và kịp thời cập nhật những thông tin giao thông quan trọng mọi lúc, mọi nơi thông qua một vài nút chạm trên ứng dụng của Zalo hoặc Cổng thông tin giao thông. Ngoài việc đưa ra cái nhìn tổng quan nhất về tình trạng giao thông vào thời điểm hiện tại, ứng dụng này cũng giúp người dân xem trực tiếp tình hình giao thông tại nhiều khu vực; cảnh báo nhanh các vị trí có nguy cơ ùn tắc; xem thông tin chi tiết các bãi giữ xe; hoạch định lộ trình di chuyển bằng phương tiện hành khách công cộng; thông tin về biển báo và giới hạn tốc độ trên đường. Bên cạnh đó, ứng dụng còn cung cấp các công cụ hỗ trợ công tác quản lý như quản lý việc kết nối và cung cấp dữ liệu camera giao thông; quản lý thông tin bãi đỗ xe, các công trình thi công, biển báo; biên tập các thông tin phân luồng tạm thời để phục vụ sự kiện hoặc công trình; quản lý các lớp thông tin địa lý trên bản đồ.

Những thí dụ kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều kết quả từ việc chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang đi tiên phong. Ðiều này cho thấy rằng, nếu tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều cùng nhau sẵn sàng, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng số, Việt Nam sẽ sớm thực hiện thành công mục tiêu trở thành một quốc gia số trong thời gian không xa.

Sự chủ động nhập cuộc của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã mang lại nhiều sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới tốt hơn cho người dân. Đây chính là những giá trị cao nhất mà các doanh nghiệp đang hướng tới trong cuộc cách mạng số.