“Bỏng” vì... điện mặt trời

Trái với sự sôi động đua chen, giành giật bằng được để có dự án điện mặt trời trước đó, năm 2019 đã chứng kiến nhiều tâm trạng từ lo âu, bồn chồn trông đợi đến thất vọng vỡ òa của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. “Năng lượng” sẽ tiếp tục là nan đề của những năm tới.

Bùng nổ các dự án điện mặt trời sẽ gây lãng phí vốn đầu tư xã hội. Ảnh: ĐỨC TRÀ
Bùng nổ các dự án điện mặt trời sẽ gây lãng phí vốn đầu tư xã hội. Ảnh: ĐỨC TRÀ

Tắc quy hoạch

Hai ngày làm việc cuối cùng của năm 2018, khoảng 20 chủ đầu tư các dự án điện mặt trời đã tụ lại, cùng tìm kiếm giải pháp đưa dự án điện mặt trời của mình lọt vào Quy hoạch phát triển ngành điện trước ngày 1-1-2019 - cơ sở tiên quyết để triển khai đầu tư và kịp hoàn tất trước ngày 30-6-2019 nhằm hưởng mức giá điện ngất ngưởng 9,35 UScent/kWh trong 20 năm. Trước đó, ngày 27-12-2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo Bộ Công thương xem xét bổ sung các dự án này vào quy hoạch. Tuy nhiên, sau đúng một năm chờ đợi mà không có chuyển động gì, các chủ đầu tư nói trên đã lại vừa cùng ký tên vào đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ xin được bổ sung vào Quy hoạch điện.

Có thể thấy trước, mọi chuyện vẫn không dễ dàng hơn dù đã có một số văn bản hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch đã được ban hành. Các chuyên gia của Bộ Công thương cho biết: Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16-8-2019, giải thích Luật Quy hoạch có cho phép điều chỉnh nội dung các quy hoạch tích hợp theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày 1-1-2019. Tuy vậy, hiện có hai luật song song tồn tại cùng điều chỉnh về quy hoạch điện.

Cụ thể, trước thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực thì có Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31-12-2013. Như vậy, việc điều chỉnh quy hoạch điện phải áp dụng các quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Điện lực số 28/2004/QH11.

Dẫu vậy, chiếu theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 80/2015/QH13), trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, áp dụng quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao hơn; trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Trong khi đó, Điều 8, 9 Luật Điện lực (căn cứ để xây dựng Thông tư 43) đã bị điều chỉnh bởi Luật Quy hoạch. Do đó, việc áp dụng các quy định về quy hoạch trong Luật Điện lực và Thông tư 43 sau thời điểm ngày 1-1-2019 lại chưa bảo đảm cơ sở pháp lý.

Sự phức tạp “như đánh đố” của hệ thống luật, dưới luật khiến 290 dự án điện mặt trời khác đang đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất 31.600 MWp (tương đương khoảng 25.300 MW) lại “dài cổ chờ”.

Tắc giá

Không chỉ các dự án điện mặt trời mới tắc triển khai vì không có trong Quy hoạch, các dự án điện mặt trời đang được triển khai cũng gặp khó khăn vì tới giờ vẫn chưa biết tính giá nào.

Theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, giá điện mặt trời 9,35 UScent/kWh chỉ có hiệu lực đến ngày 30-6 vừa qua. Tuy nhiên, mức giá mới từ sau ngày 1-7 ra sao thì tới hết năm 2019 vẫn chỉ là đồn đoán và chưa có chính thức. Chưa hết, các nhà đầu tư quan tâm tới điện mặt trời còn phải đối mặt thực tế sẽ phải đấu thầu để chọn chủ đầu tư phát triển dự án.

Theo Bộ Công thương, Thông báo 402/TB-VPCP có kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc thống nhất áp dụng biểu giá khuyến khích cố định (FiT) chỉ áp dụng với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020. Hiện bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Vào ngày 18-12 vừa qua, Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành thẩm định Dự thảo quyết định mới theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với sự tham dự của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các nội dung chính xoay quanh dự thảo giá điện mới được Bộ Công thương soạn thảo và sự tác động tới các nhà đầu tư. Nhưng thông tin mới nhất: Các nhà đầu tư đang khá thất vọng khi nghe tin Bộ Công thương được đề nghị về sửa tiếp Dự thảo để trình lại Thủ tướng xem xét, quyết định.

Tắc lưới

Lúc này, các chủ đầu tư của những nhà máy điện mặt trời đã đi vào hoạt động tại Ninh Thuận, Bình Thuận lại sốt ruột kiểu khác.

Tính đến tháng 11 năm nay, cả Ninh Thuận và Bình Thuận có tới 2.100 MW điện tái tạo vào vận hành, chiếm một nửa công suất các dự án điện tái tạo của cả nước. Chưa kể, có tới hàng nghìn MW điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện hay được bổ sung quy hoạch, vẫn chờ triển khai. Đại diện các đơn vị truyền tải đã phải khuyến nghị, giai đoạn tiếp theo cần nghiên cứu bổ sung lưới điện đồng bộ khi thực hiện tăng thêm các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực đang lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch nhằm tránh gây quá tải hệ thống điện.

Dù trước mắt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận mới xảy ra quá tải ở đường dây 110 kV, nhưng khi giải quyết được việc quá tải ở đường dây 110 kV, nguy cơ sẽ xảy ra quá tải đường dây 220 kV, rồi 500 kV nếu không đẩy mạnh đầu tư đường dây truyền tải là hiện hữu. Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nhấn mạnh, việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, phải tính đến tương lai, tính đến các nhà máy điện sắp vào vận hành, bảo đảm khi lưới phân phối 110 kV cải thiện được và đẩy lên lưới truyền tải, sẽ không bị quá tải.

Theo cam kết của EVN, đến hết năm 2020, sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước tháng 7-2019 bằng các dự án truyền tải đang đầu tư hiện nay. Dẫu vậy, hiện trạng đầu tư điện mặt trời cho thấy, nếu không được tính toán cẩn thận từ quy hoạch đặt nhà máy, đường dây truyền tải tới việc có những mức giá hợp lý thì việc tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo “trời cho” lại sẽ gây hệ lụy lãng phí vốn đầu tư của toàn xã hội hay khó thực hiện được mục tiêu cấp điện ổn định với mức giá hợp lý cho nền kinh tế.