Bộ, VETC và chuyện thu phí không dừng

Giữa tháng 11, Công ty TNHH thu phí tự động VETC - nhà thầu triển khai dự án thu phí tự động không dừng - xin được trả lại dự án này cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT), lý do chính là lỗ nặng và không thấy hướng triển khai tiếp. Rất nhanh sau đó, Bộ đã tuyên bố từ chối đề nghị trên và yêu cầu VETC phải thực hiện tiếp hợp đồng đã ký.

 Sau 5 năm, VETC vẫn chưa ký được hợp đồng, hay phụ lục hợp đồng thu phí không dừng với 33/44 trạm cam kết với Bộ GTVT.
Sau 5 năm, VETC vẫn chưa ký được hợp đồng, hay phụ lục hợp đồng thu phí không dừng với 33/44 trạm cam kết với Bộ GTVT.

5 năm - không "tự động" nổi 44 trạm

Theo hợp đồng ký với Bộ GTVT, VETC - một doanh nghiệp (DN) được thành lập chỉ để triển khai dự án này, sẽ cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho nhà đầu tư BOT. Giai đoạn một của dự án được triển khai tại 44 trạm BOT, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các đường cao tốc và quốc lộ khác. Tuy nhiên, sau 5 năm, dự án do VETC thực hiện có nguy cơ không hoàn thành. Nguyên nhân là bởi công ty vẫn chưa ký được hợp đồng, hay phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí không dừng với 33/44 trạm trong kế hoạch đã cam kết với Bộ GTVT. Và ngay tại những trạm đã ký, tỷ lệ xe sử dụng thu phí tự động không dừng vẫn thấp, chỉ đạt 10% so với kế hoạch.

Kế hoạch không đạt cả về số lượng, cả về mức thu đã khiến VETC thua lỗ nặng. Sau 5 năm hoạt động, VETC đã lỗ tổng cộng lên tới 300 tỷ đồng. Tất nhiên, do lỗ nặng, nên trong suốt thời gian hoạt động, các cổ đông của VETC đương nhiên cũng không thể có cổ tức, trong khi vẫn phải bơm thêm vốn cho công ty hoạt động.

Với một DN dự án như VETC, không thể có lý do nào khác để giải thích cho việc thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch, ngoài việc xác nhận dự án của DN ấy gặp vấn đề trong triển khai. Bộ GTVT đã thực hiện đúng điều này khi nói về đề xuất xin rút lui khỏi dự án thu phí không dừng của VETC.

Cụ thể, theo Bộ GTVT, dự án thu phí không dừng do VETC thực hiện có doanh thu hoàn vốn không như dự kiến. Vì tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu chậm. Tuy nhiên, ở đây, Bộ nêu lý do "phụ", để… "pha" loãng nguyên nhân chính. Thực chất, là do lưu lượng phương tiện nhiều dự án BOT thấp hơn so với dự báo, khiến sụt giảm doanh thu dự án so với phương án tài chính ban đầu. Ðồng thời nhiều dự án chưa được tăng phí theo lộ trình… Từ đó, ảnh hưởng nguồn thu chung và tác động tiêu cực tới nguồn thu trả cho VETC…

Theo Bộ GTVT, nhiều doanh nghiệp không muốn, hoặc không có khả năng triển khai hệ thống thu phí không dừng. Thí dụ cụ thể, Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Với việc có tới 4/5 tuyến cao tốc do tổng công ty này đang quản lý chưa được bố trí vốn đầu tư hệ thống thu phí không dừng.

Mặt khác, giữa VEC và DN cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cũng không "chốt" được tỷ lệ trích doanh thu, nên tiến độ áp dụng cũng chậm theo. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như việc nộp tiền cho tài khoản phục vụ thu phí không dừng không thuận tiện, khiến người dân chưa thiết tha với loại hình thu phí hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm và minh bạch này.

Ðích còn xa

Cần nhắc lại, trong vòng 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu Bộ GTVT phải nhanh chóng xử lý các vướng mắc, hoàn thành đúng tiến độ và thời gian áp dụng thu phí không dừng tại các trạm thu phí trong kế hoạch.

Việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, theo kế hoạch phải hoàn thành từ cuối năm 2018. Sang năm 2020, tất cả các trạm thu phí sẽ phải chuyển sang công nghệ thu phí tự động không dừng. Theo tính toán, việc áp dụng thu phí không dừng giúp giảm thời gian thu phí, giảm tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện nhờ duy trì tốc độ trên đường với mức quy đổi nếu áp dụng trên toàn quốc vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, sự chậm trễ của dự án này lại cho thấy hướng tiếp cận của Bộ GTVT ngay từ đầu đã không ổn. Về điều kiện áp dụng, dự án thu phí không dừng có tính khả thi cao, khi chỉ "khoanh" trong vài chục DN khai thác đường bộ có trạm thu phí.

Áp dụng thu phí không dừng giúp công khai, minh bạch được số liệu thu phí sẽ giúp dư luận xã hội có thiện cảm hơn. Từ đó, nâng cao khả năng đồng thuận xã hội về loại hình BOT giao thông. Nói cách khác, muốn thực hiện mục đích này, thì việc chỉ định DN "thầu" triển khai ngay từ đầu đã đặt dự án trước tình thế rủi ro.

Quan hệ giữa DN thu phí và DN khai thác đường bộ là quan hệ kinh tế, ràng buộc bằng hợp đồng, trên cơ sở cân bằng quyền lợi giữa hai bên. Khi hai bên không thống nhất được các thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp hệ thống thu phí không dừng, đương nhiên dự án sẽ đình trệ.

Áp dụng đại trà thu phí không dừng rõ ràng là yêu cầu hành chính có tính bắt buộc. Nhưng việc triển khai thực hiện yêu cầu ấy, thay vì do cơ quan nhà nước thực hiện, thì lại bị "hợp đồng hóa, thỏa thuận hóa". Dự án thu phí không dừng bị đình trệ, do nền tảng cơ bản để triển khai đã không chính xác, theo cách ấy.

Tất nhiên, với đề nghị trả lại dự án của VETC, sau những tuyên bố cứng rắn, Bộ GTVT cũng lại lập tức hứa hẹn hỗ trợ DN này. Từ "hỗ trợ" ở đây được hiểu theo nghĩa Bộ sẽ phối hợp đàm phán, thỏa thuận với các đối tác cùng DN (chứ không thể thúc ép, bắt buộc).

Khi vẫn phải trông vào tiếp tục đàm phán, thỏa thuận, thì rất khó để đạt được mục tiêu dự án sẽ kịp "trôi", kịp hoàn thành mục tiêu áp dụng thu phí không dừng trong năm 2020. Chẳng phải cả 5 năm trước, Bộ cũng đã hỗ trợ DN một cách tích cực, vậy mà kết quả thu lại vẫn là dự án chậm tiến độ như hiện tại hay sao?