Băn khoăn với quỹ bình ổn giá xăng dầu

Ra đời trong sự tranh cãi dữ dội, sau 10 năm, vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn còn là câu hỏi ngỏ, kể cả với những người vận hành quỹ ấy.

Trên thực tế, người tiêu dùng không được hưởng lợi từ quỹ BOG vì tổng chi phí cho nhu cầu xăng dầu của người dân vẫn không thay đổi. Ảnh: ANH SƠN
Trên thực tế, người tiêu dùng không được hưởng lợi từ quỹ BOG vì tổng chi phí cho nhu cầu xăng dầu của người dân vẫn không thay đổi. Ảnh: ANH SƠN

Phải “có bằng được”

Về quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá, và giá bán lẻ xăng dầu đều do Nhà nước ban hành, quyết định. Từ năm 2007, Chính phủ quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường. Ðến đầu năm 2008, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG).

Như tên gọi, quỹ BOG được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.

Ngày 9-1-2009, Thủ tướng ký quyết định, cho phép trích một khoản trước thuế thu nhập doanh nghiệp từ giá bán xăng dầu để hình thành quỹ BOG. Ðể hướng dẫn thực hiện việc trích lập quỹ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 234/2009/TT-BCT hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NÐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, từ ngày 15-12-2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ. Mức trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường. Thông tư 234 quy định việc trích lập, sử dụng, hạch toán, quyết toán quỹ do doanh nghiệp đầu mối thực hiện. Sau sáu tháng, doanh nghiệp sẽ hạch toán lỗ lãi; các khoản tiền dôi dư từ quỹ sẽ được chuyển thành lợi nhuận doanh nghiệp. Nhà nước không thu lại, mà chỉ tính thuế đối với khoản dự trữ theo đúng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết thúc năm tài chính, nếu quỹ BOG có kết dư, doanh nghiệp đầu mối được phép kết chuyển sang năm sau.

Sự ra đời và vận hành của quỹ BOG luôn gây tranh cãi. Có ý kiến “cáo buộc” dù quỹ là đóng góp của người tiêu dùng, nhưng Bộ Tài chính lại không công khai định kỳ và cũng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nào với doanh nghiệp trong vấn đề này. Theo Thông tư 234, cơ chế giám sát duy nhất đối với quỹ là chế độ báo cáo hằng quý của doanh nghiệp. Do việc quản lý không thể minh bạch hoàn toàn, mà quỹ BOG có thể dễ bị một nhóm lợi ích trục lợi…

Cũng lại có ý kiến cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất chỉ là lấy tiền của người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Theo cách tính tại Thông tư 234, thí dụ tại ngày hôm nay, giá xăng chưa gồm tiền trích vào quỹ bình ổn, là 20.000 đồng/lít. Sau khi trích quỹ bình ổn, thí dụ, 5% giá xăng, giá bán lẻ xăng sẽ thành 21.000 đồng/lít. Như vậy, việc trích lập quỹ bình ổn thực ra là lấy thêm của người mua xăng dầu tới 1.000 đồng/lít, chứ không phải chỉ 300 đồng như quy định.

Giả sử sau một tháng, giá xăng dầu nhập khẩu tăng, đáng lẽ giá bán lẻ trong nước phải tăng lên đúng 5% (1.000 đồng/lít). Nhờ có quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Như vậy, không có nghĩa người mua xăng dầu được lợi 1.000 đồng/lít, vì thực chất họ đã ứng trước số đó một tháng trước, thông qua trích lập quỹ BOG. Thậm chí, ý kiến này còn cho rằng, quỹ BOG thật ra không có giá trị bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, vì một phần của nguồn lực xã hội bị tiêu tốn vô ích.

Nhưng miễn cưỡng dùng

Quỹ BOG được duy trì và tồn tại trong 10 năm nay. Tính đến lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, ngày 2-4-2019, Liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định xả quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 giảm về 2.042 đồng/lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Mức chi quỹ với dầu diesel và dầu hỏa là 0 đồng. Ðồng thời với đó là cho phép tăng giá các mặt hàng xăng dầu: xăng E5 RON 92 tăng 1.377 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.

Giải thích về giá xăng “tăng sốc” trong kỳ điều hành vừa qua, Thứ trưởng Công thương Ðỗ Thắng Hải cho rằng phải xét cả kỳ điều hành trước đó vào ngày 18-3 để hiểu rõ hơn. Cụ thể, tại kỳ điều hành này, muốn giữ được giá xăng dầu, Liên bộ Công thương - Tài chính phải báo cáo các cấp thẩm quyền để xin xả quỹ bình ổn tới 2.800 đồng cho 1 lít xăng E5 RON 92, 2.000 đồng đối với RON 95, dầu diesel và dầu hỏa đều phải xả quỹ hơn 1.000 đồng/lít để giữ giá. Về nguyên nhân phải giữ giá, ông Hải cho biết, để tránh gây tác động chồng chéo do giá điện cũng tăng từ ngày 20-3.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, trong điều hành giá xăng dầu, hiện ngân sách không bỏ một đồng nào để can thiệp. Thứ trưởng Ðỗ Thắng Hải cũng cho biết, thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước, nên việc bỏ quỹ ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp với Việt Nam.

“Nguyên tắc của quỹ là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. Cho nên, đây không phải là can thiệp hành chính, đây chính là biện pháp kinh tế, tức là mình lấy nó nuôi nó và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Nếu đợt vừa qua khi giá điện tăng, giá xăng cũng tăng sẽ gây sốt lạm phát kỳ vọng, sẽ bị cộng hưởng rất mạnh”, ông Thắng Hải cho biết.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì ông Hải cũng cho rằng, dài hạn nên bỏ quỹ BOG và để việc điều hành giá xăng dầu cứ theo nguyên tắc “cong ăn cong thẳng ăn thẳng”, giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng, giảm thì giảm theo. Quan điểm cá nhân này của ông Hải không phải là cá biệt khi mà trong nhiều năm nay vẫn có những ý kiến phản hồi về việc có cần thiết phải duy trì quỹ BOG hay không? Và sử dụng như thế nào cho hợp lý? Chẳng hạn như, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, từng nhấn mạnh, cần có cơ chế minh bạch, công khai việc sử dụng quỹ BOG định kỳ hằng tháng. Mặt khác, quỹ này không nên để tại doanh nghiệp mà nên giao về Kho bạc Nhà nước, chỉ chi theo yêu cầu của Chính phủ hoặc bộ được ủy quyền.

Nêu lên thực tế quỹ BOG thực chất là “vốn chết” lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang nằm tại doanh nghiệp, TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Tài chính, cho rằng, DN cũng không muốn quản quỹ này, do không thể sử dụng như vốn kinh doanh. Người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi vì về thực tế tổng chi phí cho nhu cầu xăng dầu của người dân vẫn không thay đổi.

Rõ ràng, đã đến lúc cần câu trả lời về vai trò và sự cần thiết của quỹ BOG?