Thiếu than cho sản xuất điện:

Bài học từ điều hành

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang và sẽ phải huy động tối đa công suất phát tại các nhà máy điện than. Tuy nhiên, về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) lại gặp khó khăn trong việc huy động sản lượng than cho sản xuất điện cao và ngoài kế hoạch dài hạn. Một số nhà máy nhiệt điện than (NMNĐ) đứng trước nguy cơ chạy cầm chừng hoặc dừng sản xuất vào năm 2019. Vì sao lại có tình trạng này?

Đáng lẽ ra, các cơ quan quản lý cần phải có chiến lược đón đầu nhu cầu sử dụng than để có kế hoạch cân đối sản xuất, nhập khẩu. Ảnh: Anh Sơn
Đáng lẽ ra, các cơ quan quản lý cần phải có chiến lược đón đầu nhu cầu sử dụng than để có kế hoạch cân đối sản xuất, nhập khẩu. Ảnh: Anh Sơn

Nguyên nhân chính là thay đổi cung - cầu

TKV cho biết, trên cơ sở thực hiện năm 2017, dự báo thị trường, năng lực sản xuất và tồn kho, TKV xây dựng kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao bởi tăng trưởng điện năm 2018 gia tăng, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh.

Nguyên nhân thứ hai là do giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5 đến 10 USD/ tấn tùy chủng loại. Dẫn tới các hộ tiêu thụ như: điện, xi-măng, hóa chất, thép đã chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung cầu thay đổi nhanh.

Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc nhiều NMNĐ cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.

Để đáp ứng nhu cầu than tiêu thụ tăng mạnh, TKV đã triển khai nhiều giải pháp: Huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu (trên 0,5 triệu tấn than các loại) để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, trong đó đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1; điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai; Phát động thi đua 90 ngày đêm sản xuất, đôn đốc thực hiện tăng sản lượng khai thác.

Dự kiến sản lượng than tiêu thụ của TKV năm 2018 là 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2017. Trong đó, than cho điện là 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn so với thực hiện năm 2017 (con số vượt này tương đương với sản lượng của ba mỏ than).

Theo hợp đồng năm 2018 giữa TKV và Nhiệt điện Quảng Ninh, TKV cung cấp 2,6 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh. Đến nay, TKV đã cấp được 2,605 triệu tấn, hoàn thành khối lượng hợp đồng đã ký. Phần tăng thêm, trong tháng 12-2018, TKV cấp tiếp khoảng 200.000 tấn. Dự kiến cả năm 2018 là 2,830 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017.

TKV dự kiến kế hoạch tiêu thụ than năm 2019 là 40 triệu tấn, trong đó cung cấp than cho các NMNĐ là 31,90 triệu tấn (kể cả phần nhập khẩu 4 triệu tấn để pha trộn). Trên cơ sở năng lực sản xuất và theo các giấy phép khai thác than hiện có, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than bảo đảm tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Với những diễn biến về tình hình thiếu than cho sản xuất điện và cung ứng than cho sản xuất điện của EVN và TKV như trên, cho thấy một bài học lớn trong công tác điều hành của các cơ quan quản lý cấp cao hơn.

Ngành than trong nước chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của nguồn than nhập khẩu có giá thấp hơn trong ngắn hạn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho có hộ tiêu thụ than trọng điểm chưa ký hợp đồng mua bán than dài hạn. Ở góc độ doanh nghiệp, thì việc EVN mua nguyên liệu than với giá rẻ hơn để giảm chi phí đầu vào cũng là điều dễ hiểu và thuận theo nguyên tắc của kinh doanh. Ai dám bảo đảm, không có nghi vấn về lợi ích riêng tư khi các NMNĐ mua than cho sản xuất điện với giá cao trong khi có nguồn giá thấp hơn!? Vì vậy, để bảo đảm lợi ích cung cấp than ổn định trong lâu dài với giá cả hợp lý - hai bên cùng có lợi cần có sự điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, cấp trực tiếp là Bộ Công thương và cao hơn là Chính phủ. Bởi, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than phải phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Hiện nay, cơ chế sản xuất than trong nước đang theo nguyên tắc kế hoạch hóa (theo quy hoạch và kế hoạch hằng năm) nhưng việc tiêu thụ than và giá cả lại đang theo cơ chế giữa kế hoạch hóa và thị trường; chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Điều đó gây ảnh hưởng đến mục tiêu khai thác tận thu, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia trong bối cảnh nhu cầu than tăng cao, nhập khẩu than khối lượng lớn, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó đoán định cũng chưa được thực hiện. Đáng lẽ ra, các cơ quan quản lý cần phải có chiến lược đón đầu nhu cầu sử dụng than để có kế hoạch cân đối sản xuất, nhập khẩu, ngăn chặn được tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho những nhu cầu quan trọng và bức thiết trong nước.

Hơn 70% nguồn nhiệt điện sẽ bị phụ thuộc vào nhập khẩu than và nhập khẩu khí từ nước ngoài. Nếu không cân đối đủ nguồn than cho các NMNĐ, việc cung ứng điện đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến thiếu hụt điện năng. Trách nhiệm về việc thiếu điện cần phải được xem xét từ Chính phủ (chịu trách nhiệm cả phía cung cấp điện và phía dùng điện); Bộ Công thương (chịu trách nhiệm phía cung cấp điện và ½ phía dùng điện); rồi đến các chủ đầu tư các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ…

Bài học quản lý cần được đặt ra ở đây để tránh lặp lại tình trạng bị động trong cung cấp than cho NMNĐ.

Tổng nhu cầu than cho phát điện trong năm 2019 theo kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia là 54 triệu tấn, trong đó than sản xuất trong nước là 43,4 triệu tấn và than nhập khẩu là 10,68 triệu tấn. Riêng nhu cầu than trong mùa khô là 28,3 triệu tấn, trong đó 23 triệu tấn sản xuất trong nước và 5,24 triệu tấn than nhập khẩu. Vì vậy, nếu thiếu than, khả năng thiếu điện trong mùa khô năm 2019 là rất cao.