“Bà đỡ” cho kinh tế chia sẻ

LTS - Có hiệu lực kể từ ngày 12-8-2019, Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được kỳ vọng tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo. đạt được mục tiêu đó không phải dễ dàng, nhất là trong bối cảnh ở không ít nơi, quản lý nhà nước chưa chuyển biến kịp yêu cầu đổi mới.

Dịch vụ xe công nghệ Grab trên phố Hà Nội. Ảnh: THANH TRÚC
Dịch vụ xe công nghệ Grab trên phố Hà Nội. Ảnh: THANH TRÚC

Tiềm năng

“Nền kinh tế chia sẻ”, hiểu đơn giản, là mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người sử dụng cuối cùng kết hợp các yếu tố công nghệ. Tại Việt Nam và các nước trên thế giới, mô hình nền kinh tế chia sẻ được dự báo tiếp tục phát triển mạnh với các quy mô và mức độ ứng dụng khác nhau.

Một điểm đáng chú ý trong Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ (sandbox). Các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng được khuyến khích phát triển.

Đề án cũng đưa ra bốn nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ gồm: giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp công nghệ/cung cấp nền tảng và các giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Như vậy, với Quyết định 999, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa đã gửi thông điệp dứt khoát đến toàn bộ máy hành chính về quyết tâm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Cần sự đồng thuận

Cũng cần phải nói rằng, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được đưa ra đã góp phần chấm dứt một cuộc tranh luận dai dẳng, dẫn đến việc chín bản dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô bị “bác” sau bốn năm ròng rã, trở thành tâm điểm tranh luận gay gắt tại ít nhất hai kỳ họp Quốc hội.

Trong dự thảo lần thứ 10 Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP do Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe ô-tô chở khách dưới chín chỗ ngồi (bao gồm xe hợp đồng, xe du lịch). Điều này có nghĩa là Grab và các hãng vận tải có mô hình hoạt động tương tự không bị bắt buộc phải “đeo mào”. Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ, đa số thành viên Chính phủ ủng hộ quan điểm “không bắt đeo mào”.

Thế nhưng, Grab và các hãng xe công nghệ chớ vội ăn mừng.

Theo dự thảo này, các xe hợp đồng, xe du lịch dưới chín chỗ ngồi phải có phù hiệu “xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang và được dán cố định phía bên phải, mặt trong kính trước của xe, đồng thời với việc niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định. Kích thước tối thiểu của cụm từ “xe hợp đồng” là 6 x 20 cm. Vậy là, “mào” xe đã được bộ chủ quản thay thế bằng một “dấu hiệu nhận diện” khác, tuy có thể ít tốn kém hơn một chút.

Theo các chuyên gia công nghệ, việc quản lý ta-xi công nghệ hoàn toàn có thể thực hiện trên nền tảng số, thông qua các hợp đồng điện tử mà không cần phù hiệu phản quang. Điều kiện quan trọng nhất đặt ra cho các hãng vận tải là phải tuân thủ pháp luật giao thông; bảo đảm an toàn và chất lượng phục vụ hành khách; đóng đầy đủ nghĩa vụ thuế. Đúng là vẫn còn thiếu khung khổ pháp luật để quản lý loại hình này (cũng như các mô hình kinh tế chia sẻ khác), nhưng - trong khi làm tăng chi phí, mất thời gian cho DN, thì phù hiệu phản quang hầu như không có ý nghĩa gì trong việc bảo đảm tuân thủ ba yếu tố trên.

Với Grab, cần tiếp tục làm rõ lái xe là người lao động hay người kinh doanh. Người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ khi có vấn đề sẽ khiếu nại ai, người lái xe hay Grab? Cơ quan nào chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ và người lao động?

Bên cạnh đó, thất thu thuế là vấn đề rất lớn. Tình trạng “lách thuế” và kể cả trốn thuế của nhiều tập đoàn nước ngoài có hoạt động kinh tế chia sẻ như Airbnb, Agoda, Booking… tại Việt Nam là có thật và số thuế thất thu không hề nhỏ. Thử nhìn vào trường hợp Uber Việt Nam: Cục Thuế TP Hồ Chí Minh kiểm tra thuế tại Uber giai đoạn 2015-2016 và ra quyết định truy thu 66,7 tỷ đồng. Tới ngày 31-8-2018, tuy đã rút khỏi khu vực Đông-Nam Á, nhưng DN này đã nộp đủ.

Theo các chuyên gia thuế, ngoài hai cái tên không xa lạ với bất kỳ ai có sử dụng internet là Google và Facebook, ước tính đến năm 2020, riêng doanh thu của các trang web đặt phòng trực tuyến sẽ đạt khoảng 10,5 tỷ USD. Chỉ cần 50% doanh thu đến từ lượng khách nội địa, tương đương 5,25 tỷ USD tiền phòng, các công ty bán phòng online sẽ được hưởng doanh số khoảng 1,25 tỷ USD (tính theo mức hoa hồng 20% cho một đơn đặt phòng). Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh từng nêu nhận định, doanh thu từ đặt phòng trực tuyến lên đến hàng tỷ USD… Vậy, nếu không có chế tài kiểm soát, cộng dồn sau nhiều năm, nhà nước có thể thất thu đến 10.000 tỷ đồng vào năm 2020 từ việc các công ty đặt phòng trực tuyến không nộp thuế cho phần doanh thu bán phòng phát sinh tại Việt Nam.

Để chống thất thu thuế - như Cục Thuế TP Hồ Chí Minh từng kiến nghị - Ngân hàng Nhà nước cần có quy định theo hướng các ngân hàng thương mại khi thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài cho các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có nghĩa vụ khấu trừ thuế để nộp vào ngân sách nhà nước. Ngành tài chính nói chung cần triển khai áp dụng công nghệ mới để quản lý các hoạt động kinh doanh có doanh thu trên mạng. Tất nhiên, bảo đảm an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử là yêu cầu mang tính tiền đề khi triển khai thực hiện các quy định này. Các khách sạn, đơn vị lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, chính quyền địa phương, người dân… cũng cần hợp tác tích cực với cơ quan quản lý nhà nước.

Để mô hình kinh tế chia sẻ phát huy hiệu quả cao nhất, điều đầu tiên cần thay đổi chính là tư duy quản lý nhà nước.