Ðầu tư công chảy vào trục bắc - nam

Ngày 30-9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng loạt khởi công xây dựng ba dự án thành phần đường cao tốc bắc - nam phía đông. Việc chuyển đổi nguồn vốn từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công đã giúp các dự án này thoát khỏi tình trạng trên giấy. Nhưng, chỉ tháo gỡ vốn thôi là chưa đủ để các dự án về đích vào năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị đại biểu nhấn nút khởi công dự án đường cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị đại biểu nhấn nút khởi công dự án đường cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45.

Gỡ nút thắt khó

Ba dự án đường cao tốc phía đông (Mai Sơn - quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây) đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn vốn đầu tư công vào những công trình đòn bẩy giúp kinh tế - xã hội phát triển trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường. Theo Thứ trưởng GTVT Lê Ðình Thọ, các dự án này có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận tải của tuyến đường cũng như quy hoạch GTVT và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm Ðông Nam Bộ, nên cần có quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.

Hiện một số dự án PPP giao thông còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Theo PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, đối với các dự án PPP đường cao tốc bắc - nam (ÐCTBN), nhà đầu tư (NÐT) trong nước thừa quyết tâm, nhà thầu thi công cũng dư năng lực để làm nhưng vướng mắc lớn nhất là vốn tín dụng, chiếm 50 - 60% tổng mức đầu tư của các dự án. Nguồn vốn này gần như đang bị các ngân hàng thương mại đóng cửa cho vay, bởi tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã chạm ngưỡng quy định. Do vậy, việc Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP ÐCTBN sang đầu tư công là phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, còn tạo thêm động lực và quyết tâm cho các NÐT trong nước thực hiện các dự án PPP cao tốc còn lại trong thời gian tới.

Tuy nhiên, muốn triển khai thi công tuyến ÐCTBN, không thể không giải quyết được nút thắt về giải phóng mặt bằng (GPMB). Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết: Dự án đi qua nhiều địa phương, phạm vi GPMB lớn nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Nhờ vậy, đến nay trên toàn tuyến (11 dự án) đã có hơn 92% mặt bằng sạch được bàn giao và giải ngân GPMB đến nay đạt 87%...

Cũng theo ông Phan Quang Hiển, một điểm mới của dự án ÐCTBN đó là tách GPMB thành dự án riêng. Ði cùng với đó là điều kiện để phân định rõ ràng trách nhiệm của chủ đầu tư, địa phương, nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án. Trong hợp đồng, cũng có quy định thưởng phạt rõ ràng nếu ảnh hưởng tiến độ, chất lượng do lỗi của nhà thầu hay do địa phương không kịp thời GPMB.

Tuy nhiên, công tác GPMB đang gặp phải hai vướng mắc lớn là di dời công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường nước và hoàn thành khu vực tái định cư. Nếu các khu vực tái định cư chưa xong, cần xem xét bố trí tạm cư cho người dân để sớm bố trí mặt bằng thi công.

Tăng năng lực vận tải trục bắc - nam

Hiện nay, trên quốc lộ 1 có tới hơn 800 km đi qua khu dân cư khiến cho tuyến đường này giảm năng lực đáng kể. Tốc độ hiện tại trên tuyến quốc lộ 1 khoảng 40-60 km/giờ, xe máy và xe thô sơ đi chung khiến cho việc lưu thông bị hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông. "ÐCTBN khi hình thành sẽ song hành với quốc lộ 1, với tốc độ thiết kế đạt 80-120 km/giờ, không đi lẫn với các phương tiện xe máy, xe thô sơ, không có giao cắt đồng mức… nên năng lực thông hành sẽ được nâng đáng kể, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến giao thông huyết mạch quan trọng này", ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Ðối tác công - tư nói.

Phân tích rõ hơn về hiệu quả toàn tuyến ÐCTBN, Thứ trưởng Lê Ðình Thọ cho biết, ÐCTBN khi được hoàn thành sẽ đáp ứng "đa mục tiêu". "Hành lang bắc - nam là hành lang quan trọng nhất của GTVT. Với năm phương thức vận tải hiện nay gồm: đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường thủy nội địa thì tỷ trọng hàng hóa lưu thông trên đường bộ đang chiếm tới hơn 70%, lượng hành khách hơn 90%. Do vậy, việc phát triển đường cao tốc là thực tế khách quan. Bên cạnh đó, ÐCTBN song song với trục hiện hữu quốc lộ 1 sẽ góp phần giải tỏa cho tuyến quốc lộ này, nâng cao tốc độ lưu hành, bảo đảm an toàn giao thông, phát triển không gian đô thị…", Thứ trưởng Lê Ðình Thọ cho biết.

Trước đó, tại buổi làm việc với các bộ, ngành và địa phương nơi có ÐCTBN đi qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành tuyến ÐCTBN nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Bởi tuyến đường cao tốc nối liền mạch từ Lạng Sơn đi Cà Mau khi hoàn thành đi qua 30 tỉnh, thành phố, nhiều khu dân cư, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trung tâm văn hóa, du lịch, sẽ tạo tiềm năng, cơ hội lớn để kết nối giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước.

Tuyến đường không chỉ cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp các khu vực tiếp giáp, tạo cơ hội cho khoảng 60% dân số sinh sống dọc trục đường được hưởng lợi. Ðây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, phát triển vượt bậc. Do đó, cần tính toán các giải pháp huy động nguồn lực để "làm cho bằng được" tuyến đường quan trọng này.

Ngay tại lễ khởi công dự án đường cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa sáng 30-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ðiều quan trọng nhất trong chỉ đạo của Chính phủ là các đồng chí được giao nhiệm vụ, được đấu thầu, trúng thầu công khai phải làm đúng chất lượng, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng. Bởi công trình ÐCTBN phải là công trình mẫu mực...

Dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 53,5 km, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng; Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, với tổng mức đầu tư giai đoạn hơn 10.853 tỷ đồng; đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, với tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 12.577 tỷ đồng. Năm dự án còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP gồm: quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu- Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.