Phóng sự - ký sự

Sống trên đảo Mã Đà

NDO - Chiếc thuyền gỗ nhỏ đưa chúng tôi đi giữa mênh mông sóng nước hồ Trị An. Thấp thoáng những cánh chim trời. Nước hồ sóng sánh đầu mũi thuyền. Xa xa nhấp nhô những hòn đảo vừa gần gụi lại vừa bí ẩn. Mất gần tiếng đồng hồ chúng tôi mới lên được ngọn núi lấp xấp cây.

Từ xa nhìn thấy trên đỉnh núi có một ngôi nhà gỗ cũ kỹ và vài cái chuồng gà. Chiếc thuyền neo tạm trên bãi cát nhỏ. Người chủ nhà tên Trần Văn Long, dáng cao gầy, luôn đội mũ trên đầu, da ngăm đen. Anh ngạc nhiên đón chúng tôi bởi lâu lắm rồi mới có người ghé đảo. Chúng tôi đi dạo quanh đảo, mấy con người nhỏ bé và cả ngọn đồi cũng nhỏ bé trên cái lòng hồ thủy điện vào loại lớn nhất đất nước.

Anh Long sinh năm 1957. Địa chỉ thường trú của anh theo chứng minh là thuộc tổ 2, ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. Địa chỉ như vậy thôi, chứ ngoài vợ chồng anh và đứa con trai, chung quanh chỉ có nước, gió, cá và những cánh chim. Không một bóng người lạ.

Anh Long kể: “Hồi trước bà con ở rất đông. Xóm làng sầm uất. Dưới vùng đất bằng thì người ta trồng mía, trên đồi cao trồng sắn. Lâm trường cũng rất nhiều công nhân. Bóng áo xanh sớm tối đi về. Cuộc sống Mã Đà thật vui vẻ và đầm ấm. Đến khi đóng đập tràn, nước dâng lên ngập hết tất cả. Mọi người đi hết. Chỉ còn lại ngọn núi cao này không ngập và chúng tôi quyết định ở lại”.

Anh Long vốn là công nhân hợp đồng khai thác lâm sản cho Lâm trường Mã Đà. Khi ấy lòng hồ vẫn còn nhiều công nhân, bạn bè của anh sống với nhau chân tình. Thậm chí, người ta đã nhượng lại cho anh ba mẫu đất để làm vườn sinh sống. Đó chính là ba mẫu đất trên đỉnh núi cao nhất.

Rồi máy móc cũng được đưa về. Chuyên gia, kỹ sư rất đông. Nhà máy thủy điện được khởi công năm 1984, đến năm 1991 hoàn thành. Đập ngăn sông được đắp bằng đất đá hỗn hợp, dài 420 m, cao 40 m, đỉnh đập rộng 10 m. Đập tràn xả lũ dài 150 m, có tám khoang tràn, mỗi khoang rộng 15 m với tám cửa van cung được đóng mở bằng cẩu chân dê 2x125 tấn. Đập chính và các đập phụ tạo nên hồ chứa nước rộng 323 km2 với dung tích tổng cộng 2,76 tỷ m3.

Anh Long nói: “Những người hàng xóm của chúng tôi ra đi đã lâu, chẳng biết bây giờ thế nào?”.

Hai vợ chồng anh sống bằng đánh cá, trồng trọt chăn nuôi. Đám gà vừa bắt sâu vừa đẻ trứng. Vợ anh nói: “Lâu lâu chúng tôi đánh thuyền vào bờ mua gạo, nước mắm, đủ dùng cho cả tháng”. Với diện tích ba mẫu trồng điều và các loài hoa trái, họ dành dụm bán cho người trong bờ. Ngôi nhà cũ nhiều năm chưa sửa được. Con trai của anh Long đã lớn, chưa có bạn gái. Vợ chồng anh gửi nó vào bờ để làm dân quân xã, ý để nó quen ai đó, nhưng cậu bảo: “Nhớ nhà, lại quay ra đảo với bố mẹ”.

Những hòn đảo xa xa điều kiện sinh sống khắc nghiệt không có người ở, có chức năng phòng hộ, bảo tồn. Cách đó chừng nửa giờ đồng hồ đi thuyền có hòn đảo mà người thành phố hay lên du lịch. Quanh năm hồ chỉ có những người đánh cá lam lũ, nhiều gia đình sinh sống luôn trên những con thuyền nát. Khi giông gió, họ cập đảo để trú ẩn.

Cách đây vài tháng, có một người đến đề nghị anh chị nhận bồi thường rồi giao đất cho họ làm đảo du lịch. Đếm cây, đếm gà, tính ra mấy trăm triệu. Gia đình sợ rằng vào bờ không đủ mua đất, mua nhà. Chị vợ không muốn đi. Anh chồng thì bảo: “Chúng tôi sống trên này hơn 20 năm, buồn vô cùng. Những lúc ốm đau không biết làm sao. Cực quá mà ở thôi, đền bù hợp lý chúng tôi đi”.

Chúng tôi lên thuyền gỗ, anh Long đứng trong bờ vẫy tay chào. Không biết khi nào họ mới gặp lại những người khách vãng lai. Hai vợ chồng và đứa con lặng lẽ đi lên ngôi nhà cũ kỹ, nơi trú ẩn của họ giữa thiên nhiên hoang dã.

Con thuyền xé sóng mà đi. Năm vừa rồi nhiều cơn bão lớn. Có những cơn bão ném hết bè cá lên bờ. Không ai ngờ hồ giữa núi mà bão lớn như thế. Bao nhiêu cá sổng đi hết. Người lái đò bảo: “Sau cơn bão chúng em hóa thành con nợ”.

Trước mắt chúng tôi, một hòn đảo nhỏ với dăm bảy cái chòi, lạ mắt nhất có hai chiếc xuồng du lịch sơn trắng nằm dưới bến. Đảo du lịch, nhưng chẳng thấy khách nào. Bước lên đảo, thấy hai vợ chồng đang ngồi ôm đàn hát cải lương. Một chiếc ghế trống trải bên bờ cát mịn.

Vợ chồng người trông coi đảo bảo: “Chủ đảo là một nghệ sĩ ở thành phố. Tính anh này rất lãng mạn, đã mua hòn đảo làm du lịch, bạn bè sáng tác hay lên chơi”.

Có khách ra đảo, họ sẽ được gọi điện báo trước. Hai vợ chồng sẽ đánh chiếc xuồng sơn trắng vào bờ, trước tiên mua gạo mua đồ ăn cho khách, sau đón khách ra đảo. Từ bờ ra đến đảo đi gần hai giờ đồng hồ. Ai cũng mặc áo phao vì chiếc xuồng thật là nhỏ bé, còn hồ rộng mênh mông, sâu hơn 20 m nước.

Khách ra đảo thích ngủ ngoài trời. Dưới chân sóng vỗ, trên trời chim bay. Vào đêm trăng, ánh sáng tỏa khắp lòng hồ, tiếng cá quẫy, tiếng những con gà rừng gáy thao thiết.

Người trông đảo bảo: “Du khách thích cắm trại ngoài trời. Đêm nổi lửa trại, hát với nhau. Đôi khi họ bảo chúng tôi hát cải lương”. Chiếc ghi- ta gỗ nứt, anh chồng bật bông tiếng đàn rất ngọt, người vợ cao lớn, cất giọng ca hoang dã nghe nổi cả gai ốc.

Hỏi ra, việc kinh doanh du lịch còn ở thời kỳ manh nha ban đầu. “Lâu lâu mới có một đoàn chừng vài chục khách, chủ yếu thanh niên đi cắm trại”. Những người trên đảo bảo khách thích sống cuộc đời hoang dã, nhưng các “tua” tuyến chưa nhiều. “Du lịch lòng hồ chưa phát triển đâu - Những người trông đảo nói - chúng tôi ở đảo cứ ngóng khách dài cổ ra đấy”.

Mấy cái chòi lợp lá, có đặt giường gỗ, đều đã hư hỏng hết cả. Chiếc lầu ngắm trăng giữa đảo nhô cao, nom quyến rũ giữa không gian vắng lặng, nhưng cầu thang đã mục nát, không ai dám bước lên. Trên sân, gà ta lẫn cả gà rừng. Chúng sống với nhau nom thật bình yên.

Chiếc thuyền gỗ đưa chúng tôi rời đảo. Phía trước, mặt trời đang lặn, những thôn làng xa xa sum vầy. Sau lưng, những hòn đảo lấp lánh ánh hoàng hôn. Bóng người khuất dần sau sóng nước.

Mã Đà ơi, những ngày nhộn nhịp ở đâu. Tôi chợt nghĩ đến giấc mơ những tuyến du lịch sẽ được mở mang nhiều hơn, đưa người ta trở lại với những ngọn đồi sót lại của công trường Mã Đà một thuở. Những ngọn đồi hoang lạnh giữa lòng hồ sâu sẽ lại đầm ấm bóng người nếu phát triển ngành du lịch nơi này.

Giữa thiên nhiên, một thứ thiên nhiên nhân tạo đặc trưng của hồ thủy điện, tôi sẽ nhớ mãi tiếng hát dân gian sâu thẳm, tiếng đàn cổ ngân vang cùng buổi chiều nổi lửa nướng ngô, nướng sắn bên lửa trại cháy bùng bùng. Trên con thuyền gỗ nhỏ, nhìn ra bốn bề, sương khói dưới đáy hồ dâng lên, như trăm ngàn ngôi nhà xã Mã Đà năm nào vẫn còn ở đâu đó dưới sâu thẳm của lòng hồ vậy.

“Nhớ quay lại lòng hồ nhé!”. Vẫy tay chào người trên đảo, chúng tôi hẹn ngày trở lại những ngọn đồi lịch sử Mã Đà.

Sống trên đảo Mã Đà ảnh 1

Sóng nước mênh mang.