Những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

Thời gian qua, ngành giáo dục Hà Nội hưởng ứng và triển khai sâu rộng phong trào thi đua "Ðổi mới, sáng tạo trong dạy và học" và giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo". Thông qua các hoạt động trên, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu. Ðây không chỉ khẳng định hình ảnh đẹp của người thầy, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ để các đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Các thầy giáo, cô giáo nhận Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 4, năm học 2019 - 2020.
Các thầy giáo, cô giáo nhận Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 4, năm học 2019 - 2020.

Trường THPT Lưu Hoàng là ngôi trường ở giữa vùng nông thôn, ven sông Ðáy (huyện Ứng Hòa). Ðời sống của người dân ở đây còn khó khăn. Ðiểm chuẩn vào lớp 10 của trường những năm trước đây thấp nhất so với các trường trên địa bàn thành phố, nhiều học sinh chưa chăm ngoan, chưa có ý thức học tập. Trong điều kiện như vậy, nhà trường đã nêu cao khẩu hiệu "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt". Vì vậy, trong những năm qua, nhà trường đã chọn hướng đi thích hợp với phương châm "nền nếp, kỷ cương nghiêm, nâng dần chất lượng". Ý thức được vai trò, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng giáo dục, cô giáo Vũ Thị Ngọc Tình luôn tự học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hằng năm, cô đều có tham luận về công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp trong các hội nghị chuyên môn của nhà trường, tổ chuyên môn. Các tham luận của cô luôn được đánh giá cao, được đồng nghiệp trao đổi, đóng góp ý kiến và đưa vào áp dụng trong giảng dạy. Trong công tác chuyên môn, cô luôn trăn trở tìm các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp với từng học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của các em. Tuy nhiên, do đặc điểm chung của nhà trường là còn nhiều học sinh có lực học yếu, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp, cho nên điều mà cô Tình trăn trở hơn cả là làm thế nào để phụ đạo học sinh yếu kém một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từ suy nghĩ, trăn trở đó, năm học 2017 - 2018, cô đề xuất Ban giám hiệu nhà trường thành lập nhóm giáo viên tình nguyện phụ đạo miễn phí học sinh yếu kém lớp 12. Hoạt động này sau đó được nhiều thầy, cô giáo ở các bộ môn hưởng ứng, tự nguyện tham gia nhiệt tình. Năm học 2019 - 2020, có ba lớp phụ đạo học sinh yếu kém lớp 12, cô Tình tham gia dạy phụ đạo môn Toán. Nhờ đó, năm học 2019 - 2020, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt 98,8%. Bên cạnh việc quan tâm nâng dần chất lượng giáo dục, cô Vũ Thị Ngọc Tình luôn tích cực tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; tư vấn, gỡ rối các vấn đề về tâm, sinh lý cho học sinh…

Một trong những nhà giáo "tâm huyết, sáng tạo" năm học 2019 - 2020 là thầy giáo Kim Văn Tuân, giáo viên Trường tiểu học Ðồng Tâm (huyện Mỹ Ðức). Hằng ngày, ngoài những giờ dạy học trên lớp, thầy cùng các em học sinh gom những tờ giấy nháp, giấy vụn, vỏ thùng sữa học đường để bán lấy tiền mua sách, vở cho học sinh. Thầy đã phát động thùng kế hoạch nhỏ để lấy tiền mua vở cho học sinh và bảo vệ môi trường. Ðể giúp học sinh ham học, có ý thức, thầy Tuân đã tạo nhóm đôi bạn học cùng xóm để các em cùng trao đổi, giúp đỡ nhau trên lớp học và khi ở nhà. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở với ông, bà được thầy sắp xếp ngồi với học sinh có hoàn cảnh gia đình tốt hơn để chia sẻ, tương trợ nhau. Hằng ngày, thầy dành 5 phút giờ truy bài để thầy và học sinh kể câu chuyện vui do thầy sưu tầm hoặc chính câu chuyện của gia đình các em ngày hôm trước kể cho lớp cùng nghe để tạo động lực cho một ngày học tập hiệu quả. Tối về, học sinh sẽ chia sẻ câu chuyện cho cả gia đình cùng nghe. Do đó, học sinh luôn cảm thấy phấn khởi, hạnh phúc khi đến lớp, đến trường. Trong dịp cả nước chung tay nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, thầy là người tâm huyết, nhiệt tình, luôn hướng đến các em học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, một tuần hai lần, thầy Tuân in bài học để phụ huynh đến lấy cho con mình ôn lại kiến thức. Thầy còn phát khẩu trang miễn phí cho các em.

Với những nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo trong giáo dục, cô giáo Vũ Thị Ngọc Tình và thầy giáo Kim Văn Tuân đã được nhận giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 4, năm học 2019 - 2020. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, Hà Nội hiện có hơn 150 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, đang từng ngày, từng giờ cống hiến trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp "trồng người". Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" đã góp phần lan tỏa niềm tin vào sự đổi mới về chuyên môn, khắc phục khó khăn trong cuộc sống cho các thầy, cô giáo. Nhờ đó, công tác đổi mới hoạt động dạy học ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.