Hỗ trợ các trường vùng khó khăn

Xuất phát từ những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị của giáo viên, học sinh vùng khó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã khởi động chương trình "Ðiều ước cho em". Chương trình mong muốn các tổ chức, nhà hảo tâm, học sinh, giáo viên vùng thuận lợi kết nối, chia sẻ, hỗ trợ học sinh, giáo viên vùng khó khăn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Khởi động chương trình "Ðiều ước cho em" tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn.
Khởi động chương trình "Ðiều ước cho em" tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn.

Khởi động từ những điều giản dị

Chương trình "Ðiều ước cho em" được Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ khởi động mới đây tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn). Bộ GD và ÐT cùng các nhà hảo tâm trao 389 chiếc áo ấm, 389 đôi ủng tặng 389 học sinh và nhiều phần quà ý nghĩa, ấm áp tới thầy và trò nhà trường trị giá hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ GD và ÐT tổ chức động thổ, khởi công sân trường, nhà vệ sinh, bếp ăn bán trú tại điểm trường Slam Vè (thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn); khởi công bếp ăn bán trú tại điểm trường mầm non Nặm Lẩu, xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông; tặng 20 máy vi tính cho Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn.

Thầy giáo Lê Nguyên Ái, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn cho biết, học sinh nhà trường 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn; nhiều em nhà xa trường (163 em ở bán trú từ lớp 3 đến lớp 9). Ðể bảo đảm đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường mong muốn được bổ sung giáo viên tiếng Anh, máy vi tính và trang thiết bị dạy học. Thầy giáo Hà Nhân Hưởng, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn mong muốn được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa các phòng ở khu ký túc xá vì xây dựng từ lâu đã xuống cấp; xây thêm các phòng học và phòng bộ môn, phòng chức năng; bổ sung trang thiết bị dạy học, máy chiếu còn thiếu và hư hỏng. Theo đồng chí Ðào Duy Hưng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Pác Nặm, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học tại địa phương mặc dù được tăng cường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Nhiều nhà công vụ, phòng học đã xuống cấp, phần lớn các trường chưa có phòng chức năng, phòng học bộ môn. Ðội ngũ giáo viên thiếu và không đồng bộ, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học. Tỷ lệ học sinh bỏ học tuy đã giảm nhưng còn tương đối cao; kết quả phổ cập giáo dục chưa bền vững; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm. Ðội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều biến động do chuyển công tác ra khỏi địa phương; đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn… Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, qua rà soát, huyện Pác Nặm còn thiếu bảy phòng học đối với lớp 1, 68 phòng học chức năng, 268 máy vi tính (cấp tiểu học); sáu phòng học chức năng, 268 máy vi tính đối với cấp THCS cần hỗ trợ.

Kết nối các trường

Chương trình "Ðiều ước cho em" do Bộ GD và ÐT phối hợp Ban điều hành Ðề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan triển khai. Mục đích kết nối các trường, cá nhân có điều kiện tốt hơn chia sẻ, hỗ trợ cho các trường vùng khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, điện nước, nhà vệ sinh, các điều kiện học tập, đồ dùng, thiết bị và những điều kiện rất thiết yếu.

Hưởng ứng chương trình "Ðiều ước cho em", nhiều đơn vị, trường học trên cả nước hưởng ứng hỗ trợ vùng khó khăn. Thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú quận Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, cùng với các nhà hảo tâm, trường đại học, phổ thông, mầm non vùng thuận lợi, nhà trường hỗ trợ đợt một cho Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nhạn Môn toàn bộ dầu ăn, gạo đến hết năm học với mong muốn chia sẻ khó khăn với thầy, trò nhà trường; đồng thời giáo dục học sinh tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách"...

Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, để việc kết nối đạt hiệu quả, các trường cần rà soát để thống kê những điều kiện còn thiếu một cách chính đáng, từ đó tập hợp chia sẻ trực tiếp tới những đơn vị, cá nhân có mong muốn hỗ trợ để họ lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp. Bộ GD và ÐT có nhiệm vụ kết nối một cách rất minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu của cả "kênh" hỗ trợ và cần hỗ trợ. Một trong những "kênh" kết nối mà chương trình "Ðiều ước cho em" hướng đến là trường giúp trường, bạn giúp bạn, thầy, cô giáo giúp thầy, cô giáo, qua đó các nhà trường có cơ hội kết nghĩa với nhau, giúp nhau không phải chỉ một lần mà trong suốt quá trình tổ chức dạy, học và qua các năm. Với cách làm này, chương trình sẽ tạo ra được một sự chia sẻ bền vững chứ không phải chỉ hỗ trợ nhất thời. Thực tế cho thấy, nhiều trường học có điều kiện hơn mong muốn được kết nghĩa, bảo trợ cho những trường có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở miền núi. Ðây là xu hướng tốt để chủ trương này sẽ được nhiều trường, nhiều thầy, cô giáo và học sinh hưởng ứng. Bộ GD và ÐT sẽ tiếp tục triển khai chương trình này trên phạm vi toàn quốc với nhiều hoạt động kết nối thiết thực và hiệu quả.