Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa:

Chủ động, sáng tạo trong giáo dục truyền thống quê hương

Thanh Hóa có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, vinh dự bốn lần đón Bác Hồ về thăm. Đi đôi với bảo lưu, xây dựng cơ sở dữ liệu, giảng dạy lịch sử, địa lý địa phương, Thanh Hóa tích hợp giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh nhằm hoàn thiện trí tuệ, tâm hồn, thể chất, nhân cách, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.

Cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa  xem bài thi “Bác Hồ - một tình yêu bao la” của học sinh phổ thông.
Cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa  xem bài thi “Bác Hồ - một tình yêu bao la” của học sinh phổ thông.

Xây dựng dữ liệu về truyền thống địa phương

Thanh Hóa là vùng đất “căn bản” định hình ở lưu vực sông Mã, nơi sinh tụ của người Việt cổ với dấu tích đậm nét ở Núi Đọ, di tích Hang Con Moong và khu vực phường Hàm Rồng là nơi phát hiện nền văn hóa Đông Sơn tỏa sáng từ thuở Vua Hùng dựng nước. Đây cũng là quê hương của “tam Vương, nhị Chúa” có công lớn trong bảo vệ nền độc lập, tự chủ, xây dựng, phát triển chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam, khai hoang, mở cõi, hình thành dải đất hình chữ S trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Danh xưng Thanh Hóa xuất hiện vào năm 1029 với tư cách đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư và quá trình nghiên cứu bổ sung nhiều cơ sơ dữ liệu cho thế hệ hôm nay hiểu sâu thêm về vùng đất, con người Thanh Hóa. Cùng với việc quy hoạch, quản lý, bảo tồn, chống xuống cấp các di tích, nhất là xây dựng hồ sơ, đề cử, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng các khu di tích quốc gia đặc biệt: Đền thờ Bà Triệu, Lê Hoàn, Lam Kinh; thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa quan tâm xây dựng công trình tri ân Lê Hữu Lập, người đảng viên Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng, nơi thành lập các chi bộ Đảng đầu tiên: Hàm Hạ, Phúc Lộc, Thọ Xuân cùng quần thể công trình kỷ niệm nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Khu di tích Hang Treo - Chiến khu Ngọc Trạo, nơi ra đời, hoạt động của Đội du kích Ngọc Trạo, lực lượng vũ trang đầu tiên ở Thanh Hóa trong giai đoạn chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh trị kết hợp với vũ trang, khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân lao động trong Cách mạng mùa Thu Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ chí Minh có bốn lần về thăm Thanh Hóa và ngay trong lần đầu tiên kinh lý vùng đất ngày vào ngày 20-2-1947 người căn dặn:“Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu...”.

Cùng việc xây dựng các công trình tri ân ở Rừng Thông huyện Đông Sơn, Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ ở thành phố Thanh Hóa, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, xã Yên Trường, huyện Yên Định; thời gian qua, Thanh Hóa tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản phẩm, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hoạt động này duy trì thường xuyên, trở thành nhu cầu tự thân của đông đảo đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, Thanh Hóa sớm đưa nội dung giáo dục truyền thống địa phương, học tập, làm theo di huấn của Bác Hồ vào giảng dạy cho học sinh phổ thông trong tỉnh.

Chủ động, sáng tạo trong giáo dục truyền thống quê hương -0
 Khách tham quan cổng phía nam Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Chủ động, sáng tạo trong dạy và học

Tại huyện miền núi Như Thanh, địa bàn tụ cư của người Mường, người Thái, nơi có Lò cao kháng chiến ở xã Hải Vân, Vườn quốc gia Bến En cùng hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng, gần thập niên qua những kiến thức lịch sử, địa lý địa phương được chuyển tải đến học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa. Những thông tin, tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ, lịch sử địa lý địa phương được thuyết trình, trình chiếu  tới học sinh; biên soạn thành các câu hỏi, thi tìm hiểu dưới hình thức “Rung chuông vàng” hay tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tiễn. 

Hà Thị Phương, học sinh Trường THCS Yên Thọ bộc bạch, nhà trường tổ chức cho chúng em đi tham quan di tích lịch sử Lam Kinh giúp học sinh hiểu biết sâu hơn về căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vị trí chiến lược vùng thượng du Thanh Hóa cùng giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các công trình tri ân, khắc ghi công lao của Lê Lợi cùng bộ tham mưu, nghĩa quân Lam Sơn, thêm tự nào về quê hương “địa linh, nhân kiệt", nơi phát tích vương triều Hậu Lê thịnh trị.

Phụ trách giảng dạy truyền thống địa phương, cô giáo Trần Thị Điệp chủ động học tập, cập nhật kiến thức lịch sử, địa lý địa phương, dành nhiều thời gian soạn thảo nội dung, tìm phương thức thể hiện, chuyển tải kiến thức lịch sử, địa lý, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tới học sinh và hoạt động ngoại khóa dưới hình thức “Rung chiêng vàng” ở Trường THCS dân tộc nội trú Như Thanh được tổng kết, nhân rộng.

Dành ngân sách biên soạn nội dung chương trình, tổ chức hoạt động giáo dục, từ năm 2009, huyện Như Thanh đã đưa giáo dục lịch sử, địa lý địa phương vào trường học. Phương thức thực hiện được tổ chức linh hoạt, sinh động ở mỗi trường, phù hợp đối tượng học tập.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Như Thanh, Lê Văn Tuấn trao đổi, từ năm 2013, huyện Như Thanh còn tổ chức cho học sinh học tập các chuyên đề về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích hợp vào hoạt động dạy và học. Ban Tuyên giáo Huyện ủy cùng Phòng Giáo dục xây dựng đề cương, bộ câu hỏi cho học sinh trả lời trắc nghiệm, trình chiếu hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ; khích lệ học sinh làm theo lời Bác Hồ dạy bằng những việc làm cụ thể; tổ chức thi tìm hiểu về lịch sử, địa lý địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, khích lệ học sinh học tập, sưu tầm thêm các thông tin, tư liệu về Bác Hồ; giúp học sinh nhận thức sâu hơn về thân thế, sự nghiệp, tình cảm của Bác Hồ dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng; nỗ lực học tập, rèn luyện, làm theo lời Bác Hồ dạy. Hai chương trình giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh và lịch sử, địa lý địa phương thực hiện nề nếp ở tất cả các trường trong huyện, tích hợp vào nội dung bài giảng các môn xã hội, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt cuối tuần với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Năm nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử Đảng, hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, bước đầu thu hút tới 1,8 triệu lượt người tham gia. Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Trịnh Trọng Nam cho hay, từ năm 2012, chương trình địa phương được đưa vào giảng dạy cho học sinh các trường học trong tỉnh, thời lượng khoảng 8 tiết/lớp/năm, thực hiện theo hướng mở để các địa phương giới thiệu điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế, giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa địa phương.

Thanh Hóa sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12, tích hợp vào các môn học liên quan, giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động của tổ chức đoàn đội. Trường THCS Định Tân, huyện Yên Định cụ thể hóa bộ tài liệu này thành những bài học cụ thể; phân phối chương trình địa phương vào các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý cùng các hoạt động ở từng khối lớp học.

Tổ trưởng Khoa học xã hội Nguyễn Thị Thúy trao đổi, cô cùng các giáo viên chủ động nghiên cứu địa chí, lịch sử đảng bộ huyện, xã, khai thác thông tin, tư liệu từ các nguồn chính thống bổ sung cho bài giảng; mời cán bộ cách mạng lão thành, cựu chiến binh nói chuyện về truyền thống địa phương. Ban Giám hiệu, tổ bộ môn thường xuyên kiểm tra hồ sơ, giáo án, thanh tra nghiệp vụ nhằm đánh giá chất lượng dạy và học. Hiệu trưởng Trường THCS Định Hưng, huyện Yên Định, Nguyễn Văn Tài thông tin thêm, ngoài điều phối chương trình bảo đảm số tiết học truyền thống địa phương theo quy định, nhà trường tổ chức cho học sinh học tập, nghiên cứu, kể chuyện về Bác Hồ dưới cờ. Giáo viên, học sinh đạt thành  tích cao trong dạy và học được đi thăm quê Bác, các di tích lịch sử, công trình văn hóa và phải viết thu hoạch.

Nhìn chung, các giáo viên, tổ bộ môn thiết kế bài giảng theo hướng tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức địa phương, đạo đức Hồ Chí Minh vào các môn học, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp tâm lý, lứa tuổi học sinh. Học sinh hào hứng tham gia các hoạt động giáo dục, cập nhật thêm kiến thức, hiểu biết, gắn nội dung giáo dục với hoạt động thực tiễn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, các trường học đã lồng ghép nội dung học tập chương trình địa phương, giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách Hồ Chí Minh vào các môn học. Nhiều đơn vị còn tổ chức hoạt động “về nguồn”, báo công dâng Bác, sưu tầm tài liệu, thi kể chuyện, văn nghệ, vẽ tranh về Bác Hồ; phát thanh các bài hát, sân khấu hóa việc tìm hiểu về Bác Hồ, lịch sử, văn hóa địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức, tình cảm của học sinh đối với quê hương, đất nước, Bác Hồ kính yêu cùng trách nhiệm bản thân trong học tập, rèn luyện, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Nhiều trường học kịp thời nêu gương, tôn vinh nhân rộng những việc làm cụ thể, nghĩa cử cao đẹp như nhặt được của rơi trả người đánh mất, vượt khó, vươn lên trong học tập, giúp bạn cùng tiến bộ...Theo đánh giá, đa số học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trong sáng, đoàn kết, thân ái, quan tâm giúp đỡ nhau; kính trọng, lễ ghép với người lớn tuổi, cha mẹ, thầy cô, chấp hành nội quy, nề nếp học đường,  bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trường, lớp. Tỷ lệ học sinh vi phạm kỷ luật học đường, nội quy, quy định của trường lớp giảm. Hiện, chương trình địa phương tiếp tục được phát triển theo hướng tăng thời lượng học tập  gắn với tích hợp giảng dạy bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Các nội dung này được đưa  vào chương trình giáo dục chính khóa, có kiểm tra, đánh giá chất lượng và Thanh Hóa tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Chủ động, sáng tạo trong giáo dục truyền thống quê hương -0
 Tuổi trẻ Thanh Hóa tham quan triển lãm về Bác Hồ.