Từ Nhà trường ... đến Xã hội

"Bệnh" thành tích

Gặp anh bạn làm giáo viên một trường THPT tốp đầu, thường xuyên được giao chuyên tổ chức ôn luyện đội tuyển dự thi học sinh giỏi của địa phương, anh bạn chia sẻ: Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, số lượng học sinh của tỉnh Ðiện Biên đoạt giải giảm nhiều so với những năm trước. Sở Giáo dục và Ðào tạo đang yêu cầu trường tổ chức kiểm điểm tới từng giáo viên, tổ nhóm chuyên môn, tập thể nhà trường.

- Việc thi học sinh giỏi, có năm đạt cao, có năm đạt thấp là bình thường, chỉ cần rà soát để năm sau tìm giải pháp nâng cao chất lượng sao lại phải kiểm điểm?

- Thì sở cho rằng như vậy là làm mất thành tích của cả ngành giáo dục địa phương cho nên yêu cầu kiểm điểm. Thực ra thầy, trò khi đi dự thi ai cũng cố gắng, nỗ lực hết mình để đạt kết quả tốt nhất rồi chứ có ai lơ là việc dạy, học đâu!, anh bạn trả lời.

Lâu nay, kết quả thi cử vẫn luôn được coi là thước đo thành tích giáo dục của nhiều địa phương khi đánh giá về chất lượng giáo dục. Vì vậy, không ít cơ quan quản lý giáo dục tạo áp lực đối với các thầy giáo, cô giáo khi tham dự các kỳ thi học sinh giỏi. Thậm chí, khi kết quả thi không như mong muốn thì tiến hành kiểm điểm, phê bình giáo viên, các trường gây nên những gánh nặng không đáng có đối với đội ngũ nhà giáo. Trong khi đó, chất lượng giáo dục tốt không chỉ được đánh giá qua một cuộc thi mà còn thông qua cả quá trình dạy học, khả năng phát huy năng lực của học sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... Vì vậy, thay vì kiểm điểm phê bình, ngành giáo dục cần đưa ra những giải pháp để nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng, giúp giáo viên đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hơn là chạy theo thành tích của một kỳ thi để gây áp lực không đáng có cho giáo viên và học sinh.