Tai nạn giao thông năm 2012 : Giảm nhưng chưa bền vững

NDO - NDĐT - Sáng 3-1, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) quốc gia đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ATGT năm 2012.

Gần 10.000 người chết vì TNGT

Báo cáo tại hội nghị, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban thường trực Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, trong năm 2012, toàn quốc xảy ra 36.376 vụ, làm chết 9.838 người, bị thương 38.060 người, giảm 17% về số vụ, 14% số người chết và 20% số người bị thương so với năm 2011.

Bắc Kạn, Đồng Nai là hai tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng. Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh là bốn tỉnh giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông (TNGT) như uống rượu bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, không chấp hành thậm chí chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn ra phổ biến.

Cũng theo báo cáo, trong năm 2012 công tác chỉ đạo, điều hành về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều đổi mới. Tuy nhiên ở một số địa phương nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan đơn vị và chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ, thiếu toàn diện, tư tưởng giao khoán cho lực lượng chuyên trách và hiện tượng chủ quan chưa thấy hết vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị địa phương mình trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi pháp luật về trật tự ATGT còn tồn tại, thường chỉ tập trung vào các đợt cao điểm.

Nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT còn chung chung, chưa sát với thực tế của một số địa phương hay đối tượng được tuyên truyền, hình thức tuyên truyền còn thiếu sáng tạo. Việc đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển các loại phương tiện giao thông còn hạn chế, hầu hết các cơ sở đào tạo chủ yếu mới chỉ coi trọng việc đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cho học viên mà chưa thực sự quan tâm giáo dục về văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và ý thức chấp hành giao thông. Công tác đăng kiểm vẫn còn hạn chế, một số phương tiện không bảo đảm an toàn vẫn được dán tem kiểm định.

Ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế

Thảo luận về các giải pháp bảo đảm TTATGT tại địa phương trong năm 2012 cũng như kiến nghị các giải pháp trong năm 2013, đại diện lãnh đạo của nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều đã có cố gắng trong việc lên kế hoạch và thực thi các giải pháp phù hợp với tình hình địa phương. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay, TP Hà Nội triển khai tám giải pháp đột phá chống ùn tắc giao thông. Với các giải pháp này trong năm 2012, Hà Nội đã xảy ra 777 vụ TNGT, làm 619 chết, 397 người bị thương, giảm cả ba tiêu chí so với năm 2011, không xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không chỉ Hà Nội mà cả TP Hồ Chí Minh cũng cần làm quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để giảm ùn tắc vì thực tế tình trạng này đã giảm nhưng chưa nhiều.

Theo ông Văn Hữu Chiến, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, một trong những giải pháp đầu tiên rất hiệu quả mà TP này đã làm đó là phân làn giao thông tại 18 tuyến đường lớn với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng, hiện nay người tham gia giao thông đã thực hiện rất tốt việc phân làn, tình trạng TNGT tại 18 tuyến đường này giảm rõ rệt. Điều đặc biệt là Đà Nẵng không có đua xe trái phép, không có hiện tượng chống người thi hành công vụ, không có TNGT nghiêm trọng xảy ra.

Đối với hai địa phương có tỷ lệ TNGT tăng cao trong năm 2012 là Đồng Nai và Bắc Kạn, một trong những nguyên nhân được lãnh đạo hai tỉnh này đưa ra chính là ý thức của người tham gia giao thông còn rất hạn chế. Ông Trần Văn Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân rất được chú trọng, nhiều điểm đen giao thông được khắc phục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ( thu được 225 tỷ đồng) nhưng số vụ tai nạn vẫn tăng. Theo ông Vĩnh, TNGT khó giảm nếu như mật độ tham gia giao thông vẫn tăng cao còn văn hóa tham gia giao thông hạn chế. Bên cạnh đó cũng cần tăng kiểm tra và nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan thực thi công vụ.

Ông Trần Minh Sanh- Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ở các nước người dân đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ tính mạng của họ còn người dân mình đội mũ bảo hiểm đa phần chỉ để đối phó lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Ông Sanh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường hơn nữa công tác kiểm định để bảo đảm độ ăn mòn cao nhất, đem lại sự an toàn cho người dân khi đi lại.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, ý thức tham gia chấp hành Luật Giao thông của người dân còn rất kém. Chỉ riêng tuyến Pháp Vân – Ninh Bình, 79,9% là vượt quá tốc độ. Thêm vào đó, việc ào tạo cấp bằng lái xe vẫn còn tình trạng học giả cấp bằng thật dù đã khắc phục nhiều. Có trường hợp đi tù 8 năm vẫn được cấp giấy phép lái xe, ra tù vài ngày lái xe gây tai nạn TNGT nghiêm trọng.

Trung tướng Ngọ kiến nghị các cơ quan ban ngành tiếp tục chấn chỉnh ATGT, “sàng lọc” việc cấp giấy phép lái xe cũng như sớm có chế độ đặc thù cho lực lượng CSGT, giảm bớt tình trạng sách nhiễu, tham nhũng. “Nên cho lực lượng này thu phạt thu tiền tại chỗ, không phải chuyển sang kho bạc vì dễ dẫn đến tình trạng người vi phạm thỏa thuận “chia đôi” đỡ phải đi”.

Lái xe taxi, xe khách sẽ được đào tạo sơ cấp cứu

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả về TTATGT trong 2012 rất quan trọng và đã được Đảng, Nhà nước và người dân ghi nhận. TNGT giảm ở cả ba tiêu chí, các cấp các ngành tổ chức tốt các đợt cao điểm, nhiều mô hình ATGT được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương….

Tuy nhiên theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, trong bốn ngày nghỉ lễ (29-12-2012 đến 1-1-2013) và ngày 2-1-2013, cả nước xảy ra 163 vụ tai nạn giao thông, làm chết 121 người, bị thương 142 người. Thực tế này đặt ra yêu cầu đó là phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong việc thực thi công vụ; nâng cao nhận thức tự giác chấp hành giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, tiếp tục cải thiện ùn tắc, giảm ít nhất 5-10% số người chết, số vụ TNGT. Một số tỉnh có điều kiện phải giảm sâu hơn nữa .

Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp các ngành địa phương, đổi mới tuyên truyền, đẩy mạnh tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhân rộng phát huy các giải pháp đột phá về TTATGT.

Bộ Công an cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn NĐ71, để mọi người hiểu đây là văn bản xử lý người vi phạm không phải xử lý dân. Thông tư này cũng cần hướng dẫn vận dụng để chống lạm dụng. Bộ Công an phối hợp Bộ Tài chính xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng…Bộ Giao thông vận tải nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác sơ cấp cứu tại các tuyến đường bộ cao tốc. Theo Từ nay đến năm 2015, Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải thành lập trung tâm điều hành cấp cứu các vụ TNGT trên tuyến đường bộ cao tốc, xây dựng tài liệu sơ cấp cứu ban đầu, đào tạo tập huấn kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cho các bác sỹ, Hội chữ thập đỏ, tình nguyện viên. Với các đối tượng là lái xe taxi, lái xe chở khách, công an giao thông cũng sẽ được ưu tiên đào tạo.

Các Bộ ngành, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng phối hợp thực hiện để nâng cao ý thức văn hóa giao thông của người dân, phối hợp thực hiện, tuyên truyền cho chủ đề ATGT năm 2013, đó là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham giao giao thông”.