Giảm dần ô nhiễm khí thải xe máy

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đến cuối năm 2015, cả nước có gần 49 triệu xe được đăng ký, hầu hết trong số này là mô-tô hai bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước. Tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng xe đăng ký là 11,8 triệu chiếc, chiếm gần 25% lượng xe cả nước.

Cả nước hiện có gần 49 triệu xe máy, chiếm tới 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước.
Cả nước hiện có gần 49 triệu xe máy, chiếm tới 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước.

Đây là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí nhưng chưa có sự kiểm soát để giảm mức độ ô nhiễm. Theo thống kê, 70% đến 90% ô nhiễm không khí đô thị xuất phát từ các hoạt động giao thông mà xe máy là chủ yếu.

Bao giờ áp dụng tiêu chuẩn khí thải với xe máy?

Theo Dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô-tô, xe gắn máy của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ ngày 1-7-2018, sẽ triển khai kiểm tra khí thải xe máy có dung tích xi-lanh động cơ từ 175 cm3 trở lên (trừ xe quân đội, công an phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng; xe dùng cho người khuyết tật), đã có thời gian sử dụng và lưu thông hơn năm năm. Ước tính có 20 nghìn mô-tô loại này đang lưu thông tại 5 thành phố loại đặc biệt và loại 1, loại 2 trên toàn quốc (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng).

Phương tiện loại này được cấp Chứng nhận về khí thải mới được phép tham gia giao thông. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, phí, lệ phí thực hiện kiểm tra khí thải xe mô-tô, xe gắn máy,... Mức giá kiểm tra khí thải và lệ phí cấp giấy chứng nhận (gồm cả tem) dự kiến 60 nghìn đồng/năm, được xem là mức giá bù đắp chi phí liên quan và rất nhỏ so chi phí tiêu hao nhiên liệu của phương tiện. Thời hạn kiểm định khí thải một năm/lần, thời gian kiểm định trung bình khoảng 15 phút/xe. Sau khi được kiểm tra, đạt chuẩn, xe sẽ được cấp giấy chứng nhận và dán tem xác nhận, nếu kết quả kiểm tra không đạt chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp. Các xe không có giấy chứng nhận, tem kiểm tra khí thải còn thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội liên quan và gửi văn bản sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Sau khi hoàn tất các thủ tục trình tự, Bộ mới trình Chính phủ dự thảo về tiêu chuẩn khí thải xe máy. Giai đoạn 2020 - 2022 và các năm sau, triển khai đồng loạt kiểm tra khí thải xe mô-tô, xe gắn máy tại các thành phố trực thuộc T.Ư theo lộ trình.

Bộ GTVT sẽ đánh giá kết quả thực hiện và căn cứ vào điều kiện thực tế để nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án triển khai giai đoạn tiếp theo (sau năm 2020) đối với mô-tô, xe gắn máy có dung tích nhỏ hơn 175 cm3. Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng CSGT và công an các địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm xe thuộc đối tượng quy định. Bộ Tài chính xây dựng mức giá dịch vụ kiểm tra và lệ phí cấp Giấy chứng nhận xe đạt tiêu chuẩn khí thải. Các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp Bộ GTVT tổ chức triển khai tuyên truyền, kiểm soát khí thải xe máy theo lộ trình.

Cần nghiên cứu toàn diện hơn

Đại diện Bộ GTVT nhận định, phần lớn các ý kiến tham vấn đều nhất trí lộ trình được thực hiện trước đối với các xe mô-tô, loại có dung tích xi-lanh lớn từ 175 cm3 trở lên để đánh giá, rút kinh nghiệm. Những xe loại này số lượng ít, có thể triển khai được ngay tại các Trung tâm đăng kiểm ô-tô đang lưu hành (nơi có sẵn cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo) trong thời gian đầu, khi chưa có nhiều cơ sở của tư nhân tham gia; là một bước quan trọng nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc áp dụng các quy định, quy trình, thủ tục, kỹ thuật vào thực tế.

Ngoài ra, lộ trình cũng không áp dụng đối với xe mô-tô trong 5 năm đầu sử dụng (không áp dụng với xe công an, quân đội, xe phục vụ người khuyết tật), vì còn tương đối mới, đã được kiểm tra lần đầu lúc xuất xưởng hoặc nhập khẩu và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất. Qua khảo sát thực tế, phần lớn xe mô-tô trong 5 năm đầu sử dụng đều đạt tiêu chuẩn khí thải và nhiều nước trên thế giới cũng không kiểm soát khí thải đối với những xe này.

Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, những quy định ảnh hưởng đến chi phí của người dân phải cân nhắc, thận trọng nghiên cứu toàn diện hơn. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, việc ban hành các quy định có liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với những quy định làm phát sinh chi phí đối với phần lớn người dân, trong đó chủ yếu là người thu nhập trung bình và thấp thì cần phải nghiên cứu kỹ trước khi đặt vấn đề chính thức.

Theo thống kê, số xe máy hiện nay ở TP Hồ Chí Minh khoảng 6,8 triệu xe, nhưng số lượng xe thật sự đang lưu thông chỉ khoảng 4,9 triệu xe. Rất có thể, những xe có tuổi đời hơn 15 năm đã được di chuyển về nông thôn và vẫn an toàn nếu người dân quản lý, bảo dưỡng tốt. Vì thế, các kết quả nghiên cứu cần phải mở rộng bằng cách tổng điều tra toàn bộ phương tiện trong cả nước để thấy sự khác biệt giữa số xe đăng ký và số xe đang lưu hành. Thực tế, có những xe đăng ký nhưng đã hỏng, không thể sử dụng do chưa có quy định niên hạn và chưa tính đến lượng xe không chính chủ dịch chuyển giữa các tỉnh, thành phố.

Trước đó, việc kiểm tra khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đã được khởi động nghiên cứu từ năm 2006 và đến năm 2010, ban hành Đề án kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe máy tại các đô thị. Tuy nhiên, hầu hết các mục tiêu cơ bản của đề án đến nay chưa thành hiện thực. Bộ GTVT cho rằng, kiểm tra khí thải xe mô-tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến phần lớn người dân, trong khi đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố. Giao thông công cộng đáp ứng không quá 10%, giao thông cá nhân bằng ô-tô vẫn còn hạn chế, ít nhất đến năm 2020. Bên cạnh đó, số lượng xe mô-tô, xe gắn máy đăng ký tiếp tục tăng nhanh, gấp 1,5 lần so thời điểm phê duyệt đề án. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua, số lượng xe máy tăng gần gấp hai lần, gây khó khăn cho việc triển khai đề án.

Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí cho rằng, thời điểm này, chủ trương kiểm soát khí thải xe máy còn gặp nhiều khó khăn, chưa triển khai ngay được, vì đối tượng chủ yếu chịu tác động là người thu nhập thấp, người nghèo, dùng xe máy là kế sinh nhai. Trong khi đó, phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển cho nên việc đặt ra quản lý niên hạn xe máy là quá sớm. Trong khi về nguyên tắc kỹ thuật, nếu xe máy được sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên vẫn sử dụng bình thường trong nhiều năm, có những xe sử dụng tới 40 năm. Chưa kể, phần lớn người dân vẫn chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải xe mô-tô, xe gắn máy và tác dụng, sự cần thiết phải kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm độ bền, hiệu quả hoạt động, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu,...